Những sai lầm khi chống nóng

Lạm dụng điều hòa, uống quá nhiều nước đá hoặc tắm ngay khi vừa đi nắng về là những sai lầm gây hại cho sức khỏe.

Thời tiết nắng nóng, nhiều người phải tìm mọi cách để làm mát cơ thể cũng như cân bằng nhiệt độ trong nhà.

Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức các thiết bị làm mát không chỉ gây lãng phí điện mà còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Bên cạnh đó, tắm rửa hoặc uống nước giải khát sai cách cũng có thể gây hại.

Dưới đây là những sai lầm thường thấy khi mọi người chống nóng ngày hè.

Những sai lầm khi chống nóng-1

Dùng điều hòa sai cách

Điều hòa đã trở thành thiết bị phổ biến từ các gia đình, văn phòng đến cơ sở ăn uống, địa điểm giải trí. Với nhiều người, vào ngày nắng nóng, ngồi phòng có máy lạnh luôn là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, sử dụng điều hòa sai cách có thể gây hại cho sức khỏe của người dùng.

Một số người có thói quen tắt điều hòa khi trong phòng đủ mát, bật lại khi thấy nóng lên. Điều này khiến lượng điện tiêu thụ tăng gấp 3 lần. Bên cạnh đó, nhiệt độ phòng thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là với người già và trẻ nhỏ.

Những sai lầm khi chống nóng-2
Lạm dụng điều hòa ngày nắng nóng có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Pexels.

Để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp có thể gây chóng mặt, mệt mỏi. Giảm nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá nhiều với nhiệt độ ngoài trời cũng gây hại cho sức khỏe, đồng thời gây lãng phí điện.

Vừa đi ngoài trời nóng đã vào phòng bật điều hòa quá lạnh khiến người dùng dễ sốc nhiệt. Trước khi bật điều hòa, mọi người nên lau khô mồ hôi để tránh nhiễm lạnh đột ngột. Nên đặt thêm quạt trong phòng máy lạnh để lưu thông không khí.

Từ phòng điều hòa mát mẻ đột ngột bước ra trời nóng đôi khi khiến cơ thể không kịp thích nghi, có thể dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng...

Mở cửa, bật quạt khi trời nắng to

Nhiều người có thói quen mở cửa khi bật quạt để lấy không khí mát từ bên ngoài vào nhà. Tuy nhiên, điều này không đúng vào những ngày trời nắng to, nhiệt độ ngoài trời chênh lệch lớn với nhiệt độ trong phòng.

Ngày nắng nóng, đặc biệt vào thời gian giữa trưa, không khí bên ngoài thường nóng hơn. Vì vậy, vừa bật quạt vừa mở cửa lớn có thể khiến khí nóng bị hút vào trong nhà, gây khó chịu.

Những thời điểm nắng to, mọi người chỉ nên mở cửa nhiều vào buổi sáng sớm và tối để lấy không khí mát, cân bằng nhiệt độ trong phòng.

Uống quá nhiều nước đá

Nhiều người có thói quen uống nước đá để giải khát vào ngày nóng, nhiệt độ cao. Nước đá giúp giải khát tức thì, nhất là với người vừa đi ngoài trời nóng, mất nước vì đổ nhiều mồ hôi.

Nhưng uống quá nhiều đá hoặc uống sai cách có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Khi vừa đi nắng về, không nên uống nước lạnh ngay mà phải để cơ thể hạ nhiệt bớt, tránh nhiễm lạnh đột ngột.

Những sai lầm khi chống nóng-3
Không nên uống nhiều nước đá vào ngày nắng nóng. Ảnh: Pexels.

Theo các chuyên gia, uống nước đá nhiều làm tăng nguy cơ viêm họng. Khi gặp lạnh, mạch máu co lại có thể ảnh hưởng tiêu hóa, kích thích đường ruột, dẫn đến đau bụng cấp, tiêu chảy.

Những ngày nắng nóng, mọi người vẫn nên uống nước lọc hoặc các loại nước thanh mát, giải nhiệt như nước vối, rau má, nước ép trái cây...

Tắm, gội ngay khi vừa đi nắng về

Khi vừa đi ngoài trời nắng về, cơ thể đổ nhiều mồ hôi gây khó chịu, nhiều người có thói quen đi tắm ngay để làm mát và thư giãn. Song nếu làm như vậy, thân nhiệt bị giảm đột ngột có thể gây cảm, thậm chí gây đột quỵ.

Tốt nhất, khi vừa đi nắng về nên ngồi nghỉ ngơi khoảng 20 phút, để thân nhiệt hạ dần và cơ thể thích nghi với nhiệt độ phòng. Mọi người cũng cần lau khô mồ hôi trước khi tắm.

Vào ngày nóng, sau khi tắm xong cũng không nên bước vào phòng máy lạnh ngay vì dễ gây sốc nhiệt.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://lifestyle.zingnews.vn/nhung-sai-lam-khi-chong-nong-post1444103.html

chống nóng


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.