Diễn biến mới nhất liên quan trực tiếp đến nợ công là việc Bộ Tài chính vừa phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD và thành công “vượt mức mong đợi” về lãi suất.
Trước đó, tại Quốc hội, nợ công không chỉ được nhắc tới khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, mà còn được các đại biểu cân nhắc trước “siêu dự án” sân bay Long Thành.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để bàn về nợ công và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm làm rõ các con số liên quan để báo cáo Quốc hội, công khai minh bạch trước toàn dân.
Một câu chuyện khác có vẻ hoàn toàn không liên quan đến nợ công: Ngày 11/11, tỉnh Thái Nguyên chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho một nhà máy điện thoại mới của Samsung trị giá 3 tỷ USD, bên cạnh nhà máy tỷ đô thứ nhất đã đi vào hoạt động. Với tổng vốn 11,3 tỷ USD, Samsung trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Tranh luận, thậm chí tranh cãi, xung quanh vấn đề nợ công là hết sức cần thiết, nhưng có một số băn khoăn, thậm chí hiểu nhầm trong vấn đề này cần được làm rõ.
“Tình thế đặc biệt” khiến nợ công tăng nhanh
Nước nào cũng vay nợ. Nợ công của Việt Nam có an toàn hay không là vấn đề còn tranh cãi và kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy ngưỡng an toàn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể mỗi quốc gia. Với Việt Nam nợ công vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.
Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ công đến cuối năm 2014 khoảng 60,3% GDP và dự kiến đỉnh nợ sẽ vào năm 2016 với khoảng 64,9% GDP.
Về một chỉ tiêu quan trọng khác, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 ước khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%).
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dù trong giới hạn cho phép, nợ công trong thời gian qua đã tăng khá nhanh từ con số 51,7% GDP năm 2010. Nguyên nhân đến từ “tình thế đặc biệt” của đất nước thời gian qua.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, tỷ trọng thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ, nhưng vẫn phải giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, yêu cầu chi ngân sách tăng mạnh, phải dành nguồn kinh phí lớn cho thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội.
Do đó, nguồn ngân sách Nhà nước còn lại để bố trí cho trả nợ và đầu tư phát triển là rất hạn hẹp trong khi nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội là rất lớn.
Mặt khác, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần nên chúng ta chuyển sang vay trong nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chiến lược nợ công. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn với lãi suất cao hơn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.
“Qua cuộc khủng hoảng kinh tế lần này, buộc chúng ta phải thay đổi cơ cấu thu chi ngân sách để bảo đảm ứng phó với những tình thế đặc biệt”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua.
Có thể mượn lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi) được báo chí dẫn đăng cách đây vài ngày như một đúc kết về vấn đề này: Đối với một quốc gia có xuất phát điểm nền kinh tế thấp, hệ thống hạ tầng yếu kém như nước ta, cộng với khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới thì nợ công tăng nhanh là điều không thể tránh khỏi.
Không có chuyện “vay để ăn”
Một “nguyên tắc vàng” trong vay nợ của cá nhân cũng như của quốc gia, được nhiều ý kiến nhắc đến trong thời gian qua, là không được vay để “ăn, tiêu”. Trên thực tế, Chính phủ đã kiên quyết, kiên trì thực hiện đúng quan điểm được thừa nhận rộng rãi này.
Bộ Tài chính khẳng định: Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách Nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Như vậy, tuyệt đại đa số nợ công được sử dụng cho mục đích đầu tư phát triển.
Thế nhưng, dường như có một điểm dễ gây hiểu nhầm rằng có chuyện “vay để ăn”. Đó là tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người (chi lương, chi an sinh xã hội…) trong tổng chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%.
Như đã phân tích ở trên, nhu cầu chi thường xuyên tăng lên đã khiến nguồn ngân sách còn lại dành cho đầu tư phát triển rất hạn hẹp, khiến chúng ta phải vay nợ. Nhưng phải khẳng định rằng, không có chuyện vay nợ để chi thường xuyên, không có chuyện “vay để ăn”.
Nói cách khác, việc “ăn tiêu” hàng ngày của quốc gia có liên quan mật thiết với nợ công, nhưng không phải là vấn đề của bản thân nợ công. Chi thường xuyên quá lớn rõ ràng là một vấn đề cần giải quyết - như sẽ nói ở phần sau, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
Không “vay để ăn”, vậy hiệu quả của những món vay để đầu tư đó ra sao? Không dễ “cân đong đo đếm” hiệu quả đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế xã hội, cũng là hiệu quả của nợ công, nhưng, nhà máy tỷ đô của Samsung là một minh chứng điển hình về hiệu quả đó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể lại, chính Samsung khẳng định với ông rằng, họ đầu tư thêm nhà máy 3 tỷ USD là vì có đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Đầu tư công, và phía sau là nợ công, đã góp phần cho ra đời những “trái ngọt” như vậy.
Những định hướng “lo xa”
Tất nhiên, nói như trên không có nghĩa là chúng ta không “lo xa” về nợ công. Có không ít vấn đề về nợ công phải được xem xét đến nơi đến chốn và Chính phủ, Thủ tướng đã đưa ra những định hướng rất cụ thể cho những vấn đề này.
Trở lại với việc Bộ Tài chính phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ. Đây là một ví dụ điển hình về hiệu quả của đảo nợ, tức là thay món nợ cũ bằng một món nợ mới, không làm tăng nợ công, nhưng giúp giảm áp lực trả nợ, với thời gian vay dài hơn, lãi suất thấp hơn.
Với mỗi cá nhân cũng như mỗi quốc gia, uy tín càng lớn, khả năng trả nợ càng tốt, thì thời hạn vay càng được dài, lãi suất càng thấp. Để tiếp tục bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, trong thời gian tới, một định hướng của Chính phủ là cơ cấu lại nợ công nhằm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Khoản vay 1 tỷ USD trên đây cho thấy định hướng này hoàn toàn khả thi.
Một định hướng khác mà Chính phủ yêu cầu là tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Dự kiến, đỉnh nợ công sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016, sau đó giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%. “Dứt khoát kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép” là yêu cầu “đinh đóng cột” của Thủ tướng với các thành viên Chính phủ, cũng là cam kết của Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân.
Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu nợ công phải tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả vốn vay.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn rất mạnh đến vấn đề hiệu quả vốn vay, khi nhắc đích danh một Bộ trưởng về trường hợp một nhà máy xử lý rác thải xây xong rồi đóng cửa để đó. Thủ tướng yêu cầu dù là vay ODA với thời hạn hàng chục năm và lãi suất thấp, cũng phải kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhắc nhở các bộ ngành về nợ nước ngoài của quốc gia (gồm nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ của doanh nghiệp vay theo phương thức tự vay, tự trả…). Năm 2014, dự kiến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu là 25,9%, nhưng theo Chiến lược nợ công phải dưới 25%.
Tuy vượt trần không lớn, nhưng Thủ tướng cho rằng tỷ lệ này là “không lành mạnh” và phải có giải pháp kiểm soát, đưa về mức cho phép.
Cuối cùng, trở lại mối liên hệ mật thiết giữa ngân sách và nợ công, Chính phủ yêu cầu phải từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu ngân sách Nhà nước theo hướng lành mạnh hơn, tập trung tăng thu nội địa, triệt để tiết kiệm và giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ. Điều này phù hợp với tình hình kinh tế bắt đầu đi vào ổn định, “tình thế đặc biệt” dần trở về trạng thái bình thường.
Nợ công có thể là gánh nặng nhưng cũng có thể là nguồn lực to lớn để phát triển. Với sự giám sát của người dân, của Quốc hội và trách nhiệm của Chính phủ, có đủ cơ sở để tin rằng nợ công sẽ là nguồn lực quý giá đưa nền kinh tế xã hội đất nước tăng tốc.