Tràn lan hàng nhái, người tiêu dùng phải làm gì để không bị lừa?

Nhiều luật sư cho rằng, người tiêu dùng trong nước phải cẩn thận hơn, đặc biệt, phải biết đọc nhãn hàng hóa khi mua sắm.

Sau nhiều vụ việc người tiêu dùng bỏ tiền giá cao nhưng mua phải hàng giả nhãn mác, kém chất lượng như của Khaisilk hay gần đây là nghi vấn “thay tên đổi họ” của Con Cưng, nhiều luật sư cho rằng, người tiêu dùng trong nước phải cẩn thận hơn, đặc biệt, phải biết đọc nhãn hàng hóa khi mua sắm.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam được bảo vệ trước pháp luật. Do đó, khi thấy quyền lợi của mình bị xâm hại, người tiêu dùng có thể khởi kiện ra tòa, thông qua các hội, hiệp hội để được hỗ trợ, nhờ luật sư hoặc tự bào chữa cho bản thân…

Đối với vụ việc nghi án Con Cưng bán hàng giả nhãn mác cho khách hàng vừa bị phát hiện, ông Hưng cho rằng, cần phải kiểm tra ngọn nguồn sự việc từ cơ quan hải quan. Tức là phải thông qua hải quan để kiểm tra số lô hàng này có phải do Con Cưng nhập khẩu hợp pháp hay không, doanh nghiệp có kê khai hải quan và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo đúng pháp luật quy định hay không? Lúc đó, mới có thể đưa ra kết luận chính xác các vi phạm của Con Cưng. Vì nếu kiểm tra qua nhãn mác, mã vạch cũng vẫn có trường hợp doanh nghiệp gian lận ở chỗ chỉ nhập khẩu 10 chiếc nhưng dán tem nhãn đến 100 chiếc.

Người tiêu dùng cần kiểm tra cẩn thận các thông tin ghi trên nhãn mác sản phẩm trước khi chọn mua. 

Cơ quan quản lý cần làm rõ, đơn vị nào vi phạm cần phải xử lý nghiêm khắc bằng 2 biện pháp, xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu vi phạm theo luật hình sự mới. Với pháp luật mới quy định, kể cả việc giả mạo, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, có thể xử lý hành chính, rút giấy phép kinh doanh… Trường hợp nếu vi phạm ở quy mô lớn hơn, tái phạm nhiều lần, có thể xử lý hình sự.

Còn về tình trạng trên thị trường hiện nay nhan nhản các thương hiệu bán hàng Trung Quốc nhưng có hình thức quảng cáo gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là hàng Nhật Bản, Hàn Quốc… ông Hưng cho rằng, cần có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn từ cơ quan chức năng. Đồng thời, người tiêu dùng phải “thông minh hơn” trong việc chọn mua hàng hóa.

Cụ thể, Luật Cạnh tranh không cho phép doanh nghiệp quảng cáo mập mờ, gây nhầm lẫn hoặc dễ hiểu nhầm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa… Ví dụ như hành vi hàng “Made in China” nhưng lại dán nhãn toàn tiếng Hàn Quốc hoặc tiếng Nhật Bản, trang trí cửa hàng nhái theo phong cách của một quốc gia hoặc một thương hiệu nổi tiếng nào đó để quảng cáo cho sản phẩm của mình…

Về phía người tiêu dùng, hiện nay, với tâm lý e dè hàng Trung Quốc, vị trí của hàng hóa “Made in Vietnam” cũng có phần tăng lên trong lòng người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho hàng hóa các nước khác trong vùng như Hàn Quốc, Nhật Bản… tràn vào nước ta.

Do đó, người tiêu dùng cần phải “thông minh hơn” trong việc chọn mua hàng hóa, phải biết cách đọc các mã vạch ghi trên nhãn sản phẩm và tìm hiểu kỹ nguồn gốc sản phẩm. Vì thông thường, khi chọn mua sản phẩm có nguồn gốc nhập ngoại, khách hàng phải bỏ số tiền lớn hơn so với hàng trong nước.

Còn theo Luật sư Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM, tình trạng doanh nghiệp làm ăn chụp giật xảy ra rất nhiều trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Con Cưng là một thương hiệu lớn, đã được người tiêu dùng tin tưởng. Thế nhưng, xảy ra sự việc “thay đổi nhãn mác” như vừa qua là một thất bại lớn của thương hiệu này.

Bà Thu cho rằng, nếu Con Cưng làm ăn đàng hoàng, doanh nghiệp cần phải công bố sự thật về sản phẩm, công khai thông tin cho người tiêu dùng biết được sản phẩm đó nguyên liệu xuất xứ từ đâu, sự thật về việc có chuyện cắt nhãn để thay nhãn khác hay không…

Trường hợp Con Cưng cho rằng đây là lỗi của nhà sản xuất thì họ phải có động thái minh bạch, cứng rắn hơn, tức là phải làm việc với nhà sản xuất của Thái Lan, truy vấn nhà sản xuất về việc thay tem nhãn này…. Ngược lại, nếu thông tin không được kịp thời hoặc công bố nhưng mập mờ, không đầy đủ có thể dễ rơi vào tình trạng “tự giết mình”, vì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với nhãn hiệu.

Cơ quan Quản lý thị trường đã kiểm tra, rà soát và tạm giữ hơn 6.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm tại 3 cửa hàng Con Cưng ở quận 3, 6 và quận 1. 

Trong khi đó, theo Luật sư Hưng, với lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, thậm chí nhiều nơi cán bộ còn tiếp tay cho các đối tượng “làm bậy”, các hiệp hội, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần hoạt động mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, các hội bảo vệ người tiêu dùng chỉ tham gia can thiệp khi có đơn tố cáo hoặc đơn kiện của khách hàng. Tuy nhiên, hội phải chủ động hơn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể xây dựng đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên… để kịp thời can thiệp khi có dấu hiệu doanh nghiệp gian lận, lừa dối khách hàng…

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) mới đây cũng đã yêu cầu các Chi cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát các cơ sở kinh doanh chuỗi siêu thị Con Cưng và CityToy, thuộc Công ty Cổ phần Con Cưng để thẩm tra, xác minh nếu có.

Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì khẩn trương xây dựng phương án đấu tranh kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý và tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về cho Cục Quản lý thị trường trước ngày 31.7 tới. 

Theo Dân Việt


hàng nhái

người tiêu dùng

hàng giả


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.