Vận hạn 'Bông hồng vàng': Bị siết nợ 2.000 tỷ, thủng túi gần 100 tỷ

Nữ đại gia Thuận Thảo, “Bông hồng vàng” một thời của Phú Yên lún sâu vào khó khăn.

Nữ đại gia Thuận Thảo, “Bông hồng vàng” một thời của Phú Yên lún sâu vào khó khăn. Trong khi ngân hàng tiếp tục siết nợ ngàn tỷ, doanh nghiệp của bà Thanh đặt thêm kế hoạch lỗ khủng trong năm 2018.

Cổ đông CTCP Thuận Thảo (GTT) vừa thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với doanh thu 60,15 tỷ và lỗ 92,5 tỷ đồng. Riêng trong quý 1/2018, GTT đã thua lỗ 42 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng cao và doanh thu chỉ đạt 5 tỷ đồng.

Như vậy, GTT của bà Võ Thị Thanh đang đối mặt với năm thứ 5 thua lỗ liên tiếp. Trong năm 2017, GTT đã lỗ gần 160 tỷ đồng. Khoản nợ khổng lồ lên tới hàng ngàn tỷ đang khiến DN hàng đầu một thời của tỉnh Phú Yên chìm ngập trong thua lỗ vì lãi vay.

Tính tới cuối quý 1/2018, GTT âm vốn chủ sở hữu 675 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 1.100 tỷ đồng. DN hoạt động lay lắt với doanh thu chỉ đạt 5 tỷ đồng trong quý 1/2018, rất thấp nếu so với quy mô vốn điều lệ 435 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Tài cũng vừa đăng thông báo bán nợ lần thứ 2 với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng gồm hơn 1,2 ngàn tỷ nợ gốc và hơn 1 ngàn tỷ nợ lãi.

Theo đó, BIDV Phú Tài rao bán khoản nợ ngàn tỷ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tài sản đảm bảo gồm 3 khu đất (với tổng diện tích 22ha tại TP.HCM) và 5,2 triệu cổ phiếu GTT của CTCP Thuận Thảo.

Trước đó, BIDV đã đăng thông báo bán khoản nợ này với thời gian đấu giá đến 2/3 nhưng đã không thành công.

Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo, thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau thành công vang dội trong lĩnh vực vận tải hành khách.

CTCP Thuận Thảo của bà Võ Thị Thanh là một doanh nghiệp từng niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) nhưng bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2016 do thua lỗ kéo dài và phải xuống đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM. 

Vận hạn Bông hồng vàng: Bị siết nợ 2.000 tỷ, thủng túi gần 100 tỷ-1
"Bông hồng vàng" Võ Thị Thanh

 

Hiện cổ phiếu GTT có giá chỉ còn 300 đồng/cổ phiếu. Số lượng 5,2 triệu cổ phần GTT thế chấp tại ngân hàng giờ chỉ có giá khoảng chưa tới 1,6 tỷ đồng, so với mức khoảng 3 tỷ đồng trong lần đưa ra bán đấu giá cách đây vài tháng. Tài sản có giá trị lớn đảm bảo cho khoản vay chính là 3 khu đất tại TP.HCM.

Cụ thể, trụ sở chính của Thuận Thảo Nam Sài Gòn rộng 275 m2 tại 100B, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, cùng 2 khu đất ở Bình Chánh có tổng diện tích lên tới 22 ha nằm tại Khu phố 2 (16,6 ha) và khu phố 4 (5,4 ha) thuộc Thị trấn Tần Túc, huyện Bình Chánh.

Doanh nghiệp của nữ doanh nhân Phú Yên Võ Thị Thanh nổi tiếng với thương hiệu Thuận Thảo. Tuy nhiên, cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp của nữ doanh nhân này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.

Thảm kịch của nữ đại gia lên tới đỉnh điểm hồi đầu năm 2017 khi một doanh nghiệp có quy mô ngàn tỷ GTT liên tục xin Cục thuế từng hóa đơn xuất hàng cho khách lẻ, với doanh thu một vài chục triệu đồng.

Trên trang web của doanh nghiệp đình đám một thời không cập nhật thông tin hoạt động chính, thay vào đó chỉ còn lời chào mời bán tour chương trình du lịch thăm quan Phú Yên với giá vài trăm ngàn đồng/người.

Hồi cuối tháng 2/2017, Cục thuế tỉnh Phú Yên đã hủy bỏ giá trị sử dụng toàn bộ hóa đơn, bao gồm cả tem, vé và thẻ của Thuận Thảo do nợ thuế hàng trăm tỷ đồng mà không thanh toán được. Trước đó, giữa 2016, DN đã bị hủy niêm yết toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM do âm vốn chủ sở hữu và sau đó chuyển sang thị trường UPCOM.

Đây thực sự là thảm kịch đối với CTCP Thuận Thảo (GTT) - một thương hiệu lớn đầu tiên tại Phú Yên và thuộc hạng có tiếng tăm trên cả nước. Doanh nghiệp này từng sở hữu khách sạn 5 sao đầu tiên, siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên và bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam, khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà hát,...

Thảm kịch thua lỗ nặng nề, của doanh nghiệp của nữ chủ tịch Võ Thị Thanh bắt nguồn từ 5-7 năm qua khi mà Thuận Thảo liên tục mở rộng đầu tư, phát triển như vũ bão với hàng loạt các dự án BĐS du lịch như: Khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai,... trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn chưa thực sự phát triển và thị trường BĐS bước vào thời kỳ khủng hoảng.

Một điểm bất thường trong báo cáo tài chính của Thuận Thảo là khoản đầu tư tài chính 400 tỷ đồng vào CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn - một công ty cũng do bà Võ Thị Thanh làm chủ tịch HĐQT.

Đây là khoản phát sinh từ 3/2013 theo hợp đồng cho vay với thời hạn vay là 12 tháng, nợ gốc vay và lãi vay được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), mặc dù VN-Index vẫn đang ở mức ngàn điểm, nhưng hàng loạt doanh nghiệp có vốn nghìn tỷ vẫn đang giao dịch với thị giá ngang “mớ rau, cốc trà” do DN nợ khủng, chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận.

Cổ phiếu Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của nhà ông Đặng Thành Tâm hiện có giá 2.260 đồng/cp; Xây lắp dầu khí PVC (PVX) giá 1.800 đồng/cp; Đầu tư Quốc tế KLF (KLF) giá 2.100 đồng/cp; ông lớn vận tải biển VOSCO (VOS) giá 1.880 đồng/cp…

TTCK chung vẫn chịu sức ép bán tháo lớn. Sức cầu thấp của các nhà đầu tư trong nước và áp lực bán ròng của khối ngoại khiến hàng loạt cổ phiếu trụ cột tiếp tục giảm. Chỉ số VN-Index hôm 22/5 đã thủng ngưỡng hỗ trợ 1.020 điểm.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ trên toàn thị trường. Trong đó, VIC đứng đầu danh sách bán ròng, tiếp theo là VRE, HPG, VNM, VJC... Cổ phiếu VIC và BVH giảm giàn. Hàng loạt các cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng giảm mạnh: SSI, HCM, ACB, BIDV…

Gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có khu vực Đông Nam Á, do đồng USD mạnh lên. Dòng vốn được cho là rút về Mỹ khi mà tổng thống Donald Trump đang tìm mọi biện pháp để thúc đẩy việc làm tại nền kinh tế số 1 thế giới.

Tại Malaysia, lượng tiền bị khối ngoại rút ra lên mức kỷ lục. Riêng trong tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 625 triệu USD cổ phiếu Malaysia, đánh dấu sự rút vốn tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2013.

Tại Việt Nam, một số ngành vẫn có triển vọng kinh doanh khá tốt như ngân hàng, tài chính, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, bán lẻ,... Tuy nhiên, những dấu hiệu xấu cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Lợi nhuận của nhóm tín dụng tiêu dùng (Fe Credit) của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) suy giảm trong quý 1/2018, trong khi nợ xấu gia tăng.

Về tình hình kinh tế chung, các báo cáo gần đầy cho thấy, tăng trưởng kinh tế ấn tượng cho dù tăng trưởng tín dụng tăng chậm lại. Triển vọng nền kinh tế vẫn khá tươi sáng. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại về tính bền vững, với tâm điểm hướng vào thu chi ngân sách, sự bất cập giàu nghèo, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, năng lực cạnh tranh của DN nội thấp,...

Đánh giá về triển vọng TTCK, một số CTCK bắt đầu lo ngại về khả năng VN-Index có thể xuống dưới 1.000 điểm. BVSC cho rằng, lực bán mạnh và thanh khoản yếu vẫn đang là lực cản không nhỏ đối với tâm lý chung của nhà đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch 21/5, VN-index giảm 25,56 điểm xuống 1.014,98 điểm; HNX-Index giảm 1,61 điểm xuống 119,66 điểm. Upcom-Index giảm 0,46 điểm xuống 54,79 điểm. Thanh khoản đạt 170 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,7 ngàn tỷ đồng.

Theo VietNamNet


doanh nghiệp

thị trường chứng khoán

nữ đại gia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.