Với quan niệm ăn chay là để tịnh tâm, đặc biệt nếu ăn chay trong dịp rằm tháng Giêng còn có thể đem lại may mắn cho cả năm nên ăn chay đang ngày càng phổ biến trong khoảng thời gian từ sau Tết đến 15-1 Âm lịch. Đây cũng chính là lý do khiến các điểm bán đồ ăn chay tại Hà Nội ngày càng nhiều và luôn đông khách với những dịch vụ đáp ứng nhu cầu vô cùng phong phú: Từ nguyên liệu chế biến đồ chay đến các món chay được làm sẵn, các quán cơm chay, lẩu chay, buffet chay…
Hiện tại, đồ ăn chay khá đa dạng với hàng trăm món như giò, chả, cá, nem, thịt bò, thịt gà... Đặc điểm chung của các món ăn này là được chế biến từ rau, củ, quả nên không béo, ngấy mà có vị thanh mát, rất dễ ăn. Tuy vậy, giá của các món chay không hề rẻ, trung bình một mâm cơm chay từ 6-8 món có giá từ 1-1,5 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Tâm ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa cho biết, từ mùng 8 Tết đến rằm tháng Giêng, gia đình bà sử dụng hoàn toàn đồ ăn chay. Do không biết chế biến nên hàng ngày, thay vì đi chợ, bà Tâm gọi điện đến một cửa hàng bán đồ ăn chay ở gần nhà để đặt món. “Các món ăn được chế biến khá cầu kỳ và bày biện đẹp mắt nhưng giá của chúng khá cao. Hầu hết các món chay đều có nguyên liệu từ rau, quả với chi phí không đáng kể nhưng khi được bày lên đĩa, nó có giá cao hơn gấp 3-4 lần” – bà Tâm chia sẻ.
Những món ăn chay được chế biến và bày biện khá công phu và đẹp mắt (Ảnh minh họa) |
Để phục vụ nhu cầu đặt mâm cơm chay của khách cúng rằm tháng Giêng, nhiều nhà hàng đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn: “Giảm giá 20% cho đơn hàng từ 5 mâm cỗ trở lên”, “10 mâm tặng 1”... So với thời điểm trước Tết, giá đồ ăn chay tăng từ 10-20%. Theo anh Nguyễn Văn Thắng - chủ một cửa hàng kinh doanh đồ ăn chay ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, ngoài việc nhận đặt cỗ, nhà hàng còn tổ chức bán đồ ăn theo suất với giá 180.000 đồng/người vào ngày Rằm. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, do lượng khách đặt cỗ đã quá đông nên cửa hàng phải khóa sổ, không nhận thêm đơn hàng.
Bên cạnh các nhà hàng lớn, nhiều quán cơm chay bình dân cũng đua nhau tăng giá món ăn song lượng khách vẫn không hề giảm.
Thận trọng kẻo tiền mất...
Cũng theo anh Thắng, so với đồ mặn, việc làm đồ chay mất nhiều thời gian và cầu kỳ hơn. Để nấu được món chay, người làm cỗ phải khéo léo, thẩm mỹ tốt và biết nấu mọi món mặn. Hiện nay, thực phẩm chay đóng gói được bày bán khá nhiều. Do việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên mất nhiều thời gian nên một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã dùng đồ chay đóng gói, các chất tạo màu, tạo vị, chất bảo quản bày bán tràn lan trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định về chất lượng với giá khá rẻ để chế biến đồ ăn cho khách đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Chưa kể đến việc, họ còn lợi dụng thời điểm đầu năm đông khách để đua nhau chặt chém, nâng giá khiến không ít khách hàng quay lưng lại với đồ ăn chay.
Mới đây Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã đưa ra một kết quả khiến những người ăn chay thường xuyên giật mình do hàm lượng acid oxalic (chất gây sỏi thận) trong các sản phẩm thực phẩm chay khá cao. Ngoài ra, để tạo được hương vị, hình dáng giống như thức ăn mặn, nhà sản xuất phải cho thêm chất hóa học để tạo màu, mùi, vị và chất định hình (tạo hình cho giống các loại thịt, cá). Trong khi đó, khi vào trong cơ thể, acid oxalic kết hợp với sắt, canxi, natri, kali... sẽ kích thích ruột và gan, liên kết với canxi. Vì vậy, nếu sử dụng thực phẩm chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, chất dinh dưỡng, thậm chí gây sỏi thận.
Quan niệm Phật giáo cho rằng, ăn chay là để dưỡng pháp thiện, tĩnh tâm, thanh sạch cơ thể. Ăn chay là sự trân trọng sự sống, loại bỏ tham, sân, si, nuôi dưỡng tâm hồn. Tuy vậy, nếu dùng đồ ăn chay không đảm bảo chất lượng và thiếu khoa học, người sử dụng không chỉ mất tiền mà còn rước bệnh vào người. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, khi sử dụng đồ chay, mỗi cá nhân cần đến những địa chỉ có uy tín, thỏa thuận giá cả rõ ràng, tránh những rủi ro không đáng có.
(Theo ANT)