Bệnh 'khẩu nhãn oa tà' khiến nam sinh bất ngờ liệt nửa mặt

Sáng sớm tỉnh giấc, cậu học sinh lớp 10 vào nhà tắm đánh răng rửa mặt để chuẩn bị đi học thì bàng hoàng phát hiện miệng không ngậm được nước, nửa bên mặt méo xệch. Gia đình tá hỏa đưa con đến bệnh viện kiểm tra thì được bác sĩ chẩn đoán bị liệt dây thần kinh ngoại biên.

Ngày 13/9 TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM cho biết tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị liệt mặt. Bệnh nhân là N.V.A. (15 tuổi) nhập viện trong tình trạng hoang mang, lo lắng vì mặt bên trái bị liệt khiến miệng méo về bên phải, mắt trái không thể nhắm kín.

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ không ghi nhận chấn thương hoặc tình trạng sức khỏe bất thường ở bệnh nhân. Trước khi nhập viện, cậu học sinh lớp 10 có một đêm ngủ ngon như bình thường. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy chuẩn bị đi học thì phát hiện sự bất thường trên khuôn mặt.

Bệnh khẩu nhãn oa tà khiến nam sinh bất ngờ liệt nửa mặt-1
Nam sinh trước và sau điều trị tình trạng liệt dây thần kinh số VII

Tại phòng khám Y dược Cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi Chức năng, các bác sĩ chẩn đoán V.A. bị bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (hay còn gọi là liệt mặt, liệt Bell). Đây là tình trạng tổn thương dây thần kinh sọ não số VII. Trong Y học Cổ truyền, bệnh này có bệnh danh “khẩu nhãn oa tà” (nghĩa là miệng mắt méo lệch), nằm trong phạm vi chứng trúng phong.

Sau chẩn đoán, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị bằng phương pháp châm cứu phối hợp với các phương pháp luyện tập chuyên sâu, xoa bóp, bấm huyệt nhằm phục hồi chức năng của cơ mặt. Qua 1 tuần điều trị và tập luyện tích cực, bệnh nhân đã bình phục tốt, cơ mặt gần như trở lại trạng thái bình thường.

Theo TS Phan Minh Hoàng, nguyên nhân của bệnh lý trên có thể xuất phát từ việc nằm ngủ trong phòng máy lạnh để nhiệt độ quá thấp, bệnh nhân nhiễm vi rút hoặc chấn thương vùng xương đá khiến cho dây thần kinh số VII phần ngoại biên bị phù nề, viêm nhiễm. Đối với những trường hợp có nguyên nhân khó như viêm tai giữa, chấn thương vùng đầu mặt cổ, khối u chèn ép, vi rút người bệnh cần được phối hợp liên chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị.

Những bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh sọ não số VII thường có triệu chứng, mắt bên mặt bị liệt nhắm không kín, miệng méo sang bên lành, ăn uống rơi rớt, mất vị giác 2/3 trước lưỡi.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, ngoài yếu tố chấn thương hoặc nhiễm vi rút thì thời tiết thay đổi, hoặc thói quen tiếp xúc với yếu tố "lạnh" như ngủ phòng máy lạnh, tắm nước lạnh, tắm đêm thường gây nguy cơ liệt dây thần kinh số VII. Bệnh có thể gặp nhiều hơn trên các bệnh nhân có yếu tố như căng thẳng, stress. Do đó, cộng đồng cần chủ động tránh những nguy cơ trên để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/benh-khau-nhan-oa-ta-khien-nam-sinh-bat-ngo-liet-nua-mat-post1469345.tpo?fbclid=IwAR1UgpUirialZbDcMR2vQQPyv6sTNbCbHldMBPPDC6NzORc36sH_X3ZzC9s

liệt mặt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.