Các bệnh về da thường gặp trong mùa hè

Khí hậu nóng và độ ẩm cao của mùa hè khiến các bệnh ngoài da thường tăng mạnh so với các mùa khác.

Khí hậu nóng và độ ẩm cao của mùa hè khiến các bệnh ngoài da thường tăng mạnh so với các mùa khác.

Khí hậu nóng và độ ẩm cao của mùa hè khiến các bệnh ngoài da thường tăng mạnh so với các mùa khác. Các yếu tố nắng, nóng cộng với môi trường khói bụi bẩn… gây kích thích lên da dễ làm da bị tổn thương và là cơ hội cho các bệnh về da phát triển.

Điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh cho da

Da là cơ quan lớn nhất cơ thể, tổng diện tích da của mỗi người vào khoảng 2m2. Da cung cấp hàng rào bảo vệ tự nhiên rất tốt, che chở cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài. Mặc dù trên da thường xuyên có các loại vi khuẩn cư trú nhưng chỉ khi có môi trường thuận lợi thì các loại vi khuẩn này mới có dịp hoành hành. Chẳng hạn như khi bị vết thương da do chấn thương, nứt da, rách da, xuyên thủng da, côn trùng hay thú vật cắn), vết thương da do phẫu thuật (kim tiêm, vết mổ hay thủ thuật như thông tiểu, các vật liệu thay thế)… Đặc biệt, với thời tiết nóng bức, mồ hôi nhiều cùng với bụi bẩn bít lỗ chân lông, tuyến bã, tuyến mồ hôi hoạt động quá mức chính là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn thường xuyên cư trú tại da phát triển thành bệnh viêm da.

Mùa hè là thời điểm các bệnh về da bùng phát mạnh, đặc biệt ở trẻ em. (Ảnh minh họa)

Các bệnh viêm da thường gặp

Viêm da mủ: Nhiễm khuẩn da do các vi trùng thông thường gây ra còn gọi là viêm da mủ. Tác nhân gây bệnh hay thường gặp nhất là liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A. Nhưng đa số các trường hợp là có sự hỗn hợp của cả liên cầu và tụ cầu khuẩn. Các nhóm vi khuẩn khác có thể gây viêm nhiễm da là: Corynebacterium, Mycobacterium, Brevibacterium, Acinetobacter, Propionibacteria… Viêm da mủ thường gặp ở những người có tình trạng vệ sinh kém, nếu không được điều trị và chăm sóc tốt thì có thể lan nhanh sang các vùng da lành khác, có thể gây chốc hóa, viêm nang lông, nhọt và chuyển thành viêm mô tế bào rất nguy hiểm.

Viêm nang lông: Bệnh có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông như viêm chân tóc. Khi nang lông bị áp-xe tức đã biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm hoặc viêm mô dưới da.

Mụn nhọt: Đây là hiện tượng nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng. Nhọt có thể xảy ra ở mọi nơi trên cơ thể. Một số vùng đặc biệt khi bị nhọt rất nguy hiểm như vùng mặt quanh mũi miệng, thường gọi là đinh râu. Đó là nhiễm tụ cầu ác tính vùng mặt, có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch xoang hang rất nguy hiểm. Một số trường hợp nhọt tập trung thành cụm nhiều nhọt và thường hay ở sau lưng, khi các nhọt này vỡ để lại các lỗ rò mủ. Đây là biểu hiện nặng của nhọt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Ngoài ra, nhọt ổ gà là những nhọt xuất hiện ở nách. Đó là những cục nhọt cứng, loét lâu lành do vùng nách luôn ẩm ướt. Bệnh lại rất hay tái phát.

Rôm sảy: Rôm sảy thường thành đám, mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán… nhiều khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân. Biểu hiện là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ trắng xen lẫn. Da bị viêm nên người bệnh (thường là trẻ em) có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa. Khi đó, càng gãi càng làm da sây sát dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Các điều kiện thuận lợi làm rôm xuất hiện là nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm, không thoáng khí, trẻ mặc quần áo bí hơi, ít tắm rửa.

Nấm da: Đây là bệnh lý ngoài da rất thường gặp, bệnh có thể xuất hiện ở nhiều nơi như da, niêm mạc, tóc và móng. Có 3 thể bệnh nấm da thường gặp nhất là nấm chân, bẹn và thân. Trường hợp nặng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn có mụn mủ, bóng mủ, sưng tấy bàn chân, sốt. Nấm bẹn thường xuất hiện khi nắng nóng, thường xuyên đổ mồ hôi nhiều hoặc thường mặc đồ ẩm ướt. Tổn thương thường gặp ở nếp gấp hai bên đùi. Đó là các đốm tròn, rìa có mụn nước, vùng trung tâm ít mụn nước hơn.

Tổn thương do nấm thân có kích thước, độ nặng và độ sâu khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và chủng nấm khác nhau. Người bệnh ngứa nhiều khi ra nắng, tiết mồ hôi.

Viêm da do cơ địa: Bệnh bùng phát nhiều nhất vào mùa nắng nóng kéo dài. Do độ ẩm và nhiệt độ quá cao dễ làm cơ thể rối loạn điều nhiệt, rối loạn tuần hoàn là môi trường thuận lợi của viêm da cơ địa. Một trong những đặc tính của loại bệnh này là ngứa, càng nóng càng ngứa. Ngứa thì phải gãi, gãi mạnh, gãi không kiểm soát được sẽ sứt da dễ gây lở loét, nhiễm trùng, làm cho bệnh càng nặng thêm.

Cơ chế gây mụn.

Viêm da do virus: Bệnh phát triển mạnh do thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại virus phát triển. Bệnh thường biểu hiện cấp tính, cần được khám và điều trị tại bệnh viện để xác định virus gây bệnh mà dùng thuốc chính xác. Nếu có phác đồ điều trị đúng thì bệnh được chữa khỏi nhanh chóng, nhưng ngược lại, sẽ khó kiểm soát bệnh nếu dùng thuốc và điều trị không đúng cách. Bệnh sẽ lây lan nếu không có sự cách ly tốt.

Xử trí khi bị viêm da

Đứng trước một bệnh lý nhiễm khuẩn da, không được chủ quan mà cần có biện pháp xử trí phù hợp để ngăn không cho tình trạng nhiễm khuẩn lan rộng.

Tại chỗ viêm: Không nên cào, gãi, chà xát, nặn, chích, cắt lễ hay dùng bất kỳ một biện pháp can thiệp cơ học nào vào sang thương khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trước tiên, rửa vết thương nhẹ nhàng với nước và xà phòng. Sau đó dùng gạc vô trùng thấm khô và có thể bôi thuốc sát khuẩn lên bề mặt vết thương như xanh metylen, đỏ eosine. Không nên bôi cồn Iot hoặc các thuốc bôi có kháng sinh theo truyền khẩu trong dân gian, đặc biệt đối với các sang thương da rộng lớn. Đối với các nhiễm khuẩn da dạng u nhọt, đôi khi phải dùng đến biện pháp tiểu phẫu cắt lọc hay dẫn lưu mủ. Đối với các vết thương cấp tính đang rịn nước, chỉ nên dùng các dung dịch sát khuẩn, bôi trực tiếp hay có thể tẩm lên gạc để băng, tuyệt đối không được bôi các loại thuốc mỡ. Các thuốc bôi dạng kem hay thuốc mỡ chỉ có thể sử dụng khi tổn thương đã khô và đóng vảy.

Toàn thân: Có thể dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, kháng sinh đường uống hoặc tiêm. Nhưng khi dùng kháng sinh điều trị phải có toa thuốc chỉ định và có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường ở da, cần đi khám để được điều trị đúng cách. Tránh việc tự ý điều trị vì có thể bệnh không khỏi mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo SKĐS


viêm da

giảm đau

kháng viêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.