Đổi thay ở làng bệnh lạ

Cuộc sống ổn định, đầm ấm kèm theo những nụ cười tỏa nắng đã trở lại ở ngôi “làng chết chóc”

Cuộc sống ổn định, đầm ấm kèm theo những nụ cười tỏa nắng đã trở lại ở ngôi “làng chết chóc” từng khiến hàng chục người tử vong vì căn bệnh lạ quái ác.

Cách đây 4 năm, làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) từng khiến cả ngành y tế hoang mang vì nơi đây xuất hiện một căn bệnh lạ quái ác khiến gần 30 người tử vong. Nỗi lo lắng, sợ hãi luôn túc trực đối với người dân ở đây khi mỗi ngày đi qua lại có một người mắc bệnh, chết chóc. Làng Rêu nhanh chóng trở thành nơi quan tâm đặc biệt, khi có hàng chục đoàn cán bộ của các tổ chức y tế trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, tìm nguyên nhân. Và trong sự nổ lực ngành y, căn bệnh Viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (còn gọi bệnh lạ) đã dần được làm sáng tỏ nguyên nhân, trả lại cuộc sống yên bình cho ngôi làng nằm giữa núi đồi mênh mông.

Không còn sợ người lạ

Chúng tôi trở lại làng Rêu đúng dịp những ngày năm cũ sắp hết, chuẩn bị bước sang năm mới. Con đường đất đá lởm chởm, trơn trượt dẫn vào làng Rêu càng trở nên khó đi hơn khi xuất hiện những cơn mưa xuân bớt chợt.

Niềm vui trở lại trên khuôn mặt của người dân vùng bệnh lạ. Ảnh: Tử Trực
Niềm vui trở lại trên khuôn mặt của người dân vùng bệnh lạ. Ảnh: Tử Trực

Trái ngược với nỗi lo lắng, những ánh mắt sợ hãi ngày nào, không khí ở làng Rêu trở nên rộn ràng đầy ắp niềm vui, tiếng cười của người dân nơi đây. Niềm vui càng được nhân đôi khi những ngày cuối năm, người dân làng Rêu lại đón được những ánh sáng của hệ thống lưới điện quốc gia kéo về. Trên khắp những cánh đồng, màu xanh của hoa bắp mơn mởn, màu vàng của lúa, thay cho những thửa ruộng vốn bị bỏ hoang ngày nào.

Trong ngôi nhà nhỏ, nằm sát cánh đồng lúa xanh mơn mởn, ông Phạm Văn Vót (67 tuổi, ngụ làng Rêu) bày tỏ: “Vui lắm. Mấy năm nay nhờ cán bộ y tế “đuổi” nên cái bệnh cũng đi rồi, không có người nào bị con ma bệnh bắt đi nữa. Bây giờ được nhà nước quan tâm kéo điện về cho bà con kịp đón Tết nên càng vui thêm”, ông Vót nói.

Niềm vui trở lại trên khuôn mặt của người dân vùng bệnh lạ. Ảnh: Tử Trực
Niềm vui trở lại trên khuôn mặt của người dân vùng bệnh lạ. Ảnh: Tử Trực

Cách nhà ông Vót không xa, cả gia đình bà Phạm Thị Xin (52 tuổi, ngụ làng Rêu) đang bận rộn chuẩn bị mâm cổ cúng thần linh cuối năm. Khác với ánh mắt sợ hãi như thời điểm bệnh lạ hoành hành, thấy có khách lạ bà Xin liền mở cửa mời nước uống. “Hồi xưa con ma bệnh hoành hành, thấy người lạ tới làng nên sợ bị lây bệnh lắm, bởi vậy nhà ai cũng đóng cửa. Giờ được cán bộ huyện, tỉnh thường xuyên xuống thăm hỏi, hướng dẫn bà con ăn uống vệ sinh nên bệnh cũng hết, cũng không còn sợ người lạ nữa”, bà Xin nói.

Không còn cảnh thiếu ăn, đói mặc

Cùng tham gia cuộc chuyện trò, già làng Phạm Văn Ba tiếp lời: “Từ ngày cái bệnh được đuổi đi, bà con ở đây ai cũng phấn khởi, lo làm ăn, trồng lúa, nuôi thêm ít con lợn. Bây giờ trong làng nhà nào cũng không còn thiếu ăn như trước nữa. Năm nay bà con được kéo điện về thắp sáng nên ai cũng vui. Chuẩn bị Tết về, gia đình mình cũng sẽ làm thịt con lợn để ăn mừng năm mới", ông Ba vui mừng.

Khung cảnh bình yên ở làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: Tử Trực
Khung cảnh bình yên ở làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: Tử Trực

Ông Phạm Văn Hoa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Điền cho biết sau khi được chính quyền tỉnh, huyện, ngành y tế cử các đoàn cán bộ về xã Ba Điền thường xuyên đến hướng dẫn bà con cách vệ sinh, ăn uống... đến nay căn bệnh lạ đã được đẩy lùi. “Bây giờ không những bệnh được đẩy lùi mà bà con còn được hướng dẫn cách trồng lúa, ngô đạt hiệu quả nên không còn thiếu ăn, đói mặc như hồi xưa. Đặc biệt, làng Rêu mới được kéo điện về nên ai cũng vui mừng, phấn khởi hết”, ông Hoa nói.

Trước đó, trong những năm 2011, 2012, Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân được phát hiện đầu tiên tại làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ vào khoảng đầu năm 2011, với triệu chứng chính như gây tổn thương da ở bàn tay, chân, giảm men gan...Sau khi tiếp cận, nghiên cứu ngành y tế đã đưa ra nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do thói quen ăn gạo mốc, môi trường vệ sinh xung quanh không đảm bảo. Hiện tại người dân ở đây được cấp gạo mới để ăn, thay thế cho gạo ủ đang sử dụng, thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh, bởi vậy căn bệnh cũng được không chế.

Theo Nld.com.vn/ảnh: Tử Trực


làng bệnh lạ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.