Đũa dùng một lần: "Ổ bệnh" chờ ngày phát tác

Sử dụng đũa ăn một lần có giá chưa tới 100 đồng/đôi, với nguồn gốc không rõ ràng, đảm bảo, các thực khách đã vô tình mang nhiều chất hóa học độc hại vào trong cơ thể.

Sử dụng đũa ăn một lần có giá chưa tới 100 đồng/đôi, với nguồn gốc không rõ ràng, đảm bảo, các thực khách đã vô tình mang nhiều chất hóa học độc hại vào trong cơ thể.

Giá rẻ như bèo
 
Ngày nay, đũa ăn một lần được sử dụng phổ biến tại hầu hết các quán ăn, từ quán vip, hạng sang cho tới quán bình dân, vỉa hè. Trông những đôi đũa trắng được bọc túi ni lông sạch sẽ, người tiêu dùng dường như khá yên tâm về độ an toàn của mặt hàng này.
 
Dạo một vòng quanh các con phố trên địa bàn thủ đô, dễ dàng bắt gặp thấy những quán ăn vỉa hè như bún đậu, phở, bún… đều sử dụng đũa ăn một lần. Dừng xe tại quán bún đậu trên đường Láng, chị chủ quán đon đả chào mời: “Quán của chị là sạch sẽ nhất ở đây đó, thức ăn làm vệ sinh, bảo đảm, kể cả đũa cũng là mới nguyên”.
 
Đũa ăn một lần giá rẻ được sử dụng tại hầu hết các quán ăn, chợ cóc
 
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi một quán ăn vỉa hè cũng dùng đũa một lần, chị bán hàng nhanh nhảu: “Giờ khách hàng kĩ tính lắm, bán hàng mà không sạch sẽ là mất khách ngay. Mình đầu tư thêm ít tiền nhưng đông khách thì cũng chả sao”.
 
Tuy nhiên khi nói chuyện được một lúc thì chị xởi lởi ngay: “Nói thế thôi chứ loại đũa này rẻ hều, mua 100 đôi đũa chỉ có 10.000 đồng thôi, nếu mua sỉ thì còn rẻ hơn nữa”. Theo chị, mỗi ngày chị dùng hết khoảng 300 đôi đũa, như vậy mỗi ngày chỉ mất khoảng 30.000 đồng tiền mua đũa, trong khi đó lại được tiếng là xài sang.
 
Hiện nay, không chỉ các quán cóc ven đường sử dụng loại đũa một lần mà ngay cả những gánh hàng rong, bán dạo cũng vậy. Bạn Ngọc Linh, sinh viên Đại học Ngoại Thương Hà Nội chia sẻ: “Mình đi ăn thấy quán nào sử dụng loại đũa này thấy cũng yên tâm hơn, dù gì thì cũng là mới, chứ mấy loại đũa thường kia đã qua bao nhiêu người ăn, lại không biết chủ quán rửa có sạch sẽ không nữa”.
 
Sử dụng đũa ăn một lần dường như rất tiện lợi. Thu Nga, sinh viên năm ba Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho biết: “Mỗi khi lớp đi du lịch hay đi dã ngoại cùng nhau, nếu có mang theo thức ăn thì sử dụng đũa một lần là tiện dụng và phù hợp nhất”.
 
Nhiều chất độc hại
 
Hiện nay, loại đũa ăn dùng một lần được sử dụng tràn lan tại các quán ăn. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Cường, cán bộ Cục Quản lý thị trường (Sở Công thương TP. HCM), hiện ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn chất lượng đối với loại đũa dùng một lần, có chăng chỉ chung chung như không bẩn, không nhiễm khuẩn. Trên thực tế, những tiêu chuẩn ấy chưa thể giúp nhận biết chính xác độ vệ sinh của sản phẩm.
 
Khi hỏi các chủ quán về nguồn gốc của các loại đũa này, chúng tôi nhận được câu trả lời rất chung chung: “Đũa của cửa hàng chị là đảm bảo, sạch sẽ, các em không phải lo. Tất cả các quán cơm hộp, nhà hàng cũng đều lấy từ đấy cả”. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi “từ đấy” là ở đâu thì các chủ quán đều lảng tránh luôn.
 
Loại đũa ăn một lần này có chứa nhiều hóa chất độc hại  
Người bán nhập hàng không rõ nguồn gốc đã đành, người ăn dường như cũng không quan tâm, cứ vô tư ăn, vô tư dùng. Chị Hằng, đang ăn bún trên phố Tô Hiệu (Cầu Giấy) nói: “Thật ra tôi cũng chưa lần nào thắc mắc với chủ quán về nguồn gốc của loại đũa này, vì thấy nó được để trong túi ni lông nên cứ mặc định là sạch, còn sạch hơn mấy quán chuyên dùng đũa ăn nhiều lần kia”.
 
Vừa qua, thông điệp của nam diễn viên Trung Quốc Huang Bo đăng trên blog với nội dung: “Ngừng sử dụng đũa (loại dùng một lần), đó không phải vấn đề bảo vệ môi trường, mà chính là cách cứu lấy cuộc sống của riêng bạn” được chia sẻ bởi 125.000 lượt bởi dân cư mạng, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.
 
Ông Dong Jinshi, tổng thư ký của Hiệp hội Bao bì thực phẩm quốc tế, cho biết, màu sắc và mùi vị của đôi đũa có thể chỉ ra chúng đã được tiếp xúc với lưu huỳnh và các chất hóa học khác. "Sulphur, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc thường được sử dụng để làm loại đũa sử dụng một lần, dù điều đó là trái phép", ông Dong cho biết.
 
Theo ông Dong, hầu hết các đôi đũa được làm trong các xưởng nhỏ ở miền núi, nơi mà các công ty không cần cấp giấy phép sản xuất. Các đôi đũa, sau đó, được vận chuyển đến các thành phố lớn để đóng gói và bán tràn lan trên thị trường.
 
Do vậy, để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân mình, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng mỗi khi sử dụng đồ ăn hay vật dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo VietQ.vn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.