Dùng chỉ nha khoa đúng cách

Chỉ nha khoa là “phương tiện” hữu hiệu để vệ sinh răng miệng. tuy nhiên, việc dùng chỉ không đúng cách có thể dẫn tới viêm lợi, sâu răng...

Chỉ nha khoa là “phương tiện” hữu hiệu để vệ sinh răng miệng. tuy nhiên, việc dùng chỉ không đúng cách có thể dẫn tới viêm lợi, sâu răng...

Những sai lầm

Chỉ nha khoa thường có hai loại chính: loại gắn cố định trên cung nhựa nhỏ giống như cung tên (floss-toothpick) và loại chỉ cuộn trong hộp. Trong chỉ có tẩm các chất kháng vi sinh vật, chất ức chế sự lên men (anti-yeast), triclosan, chlorexidine… Nhờ vậy, ngoài nhiệm vụ lấy thức ăn thừa, chỉ nha khoa còn giúp “quét sạch” mảng bám vi khuẩn trong kẽ răng trước khi các thành phần này “cấu kết” với nhau để hình thành vôi răng.

Việc sử dụng chỉ nha khoa tưởng chừng đơn giản, nhưng phần lớn người sử dụng lại mắc một số sai lầm sau:

- Dùng tiết kiệm: Sai lầm lớn nhất khi dùng chỉ nha khoa mà chỉ lấy ra một đoạn khoảng 10cm sau đó dùng đoạn chỉ này “làm sạch” từ từ từng răng một. Cách này thoạt đầu có vẻ “ổn” nhưng về lâu dài, “đương sự” sẽ bị bệnh răng miệng vì sợi chỉ dùng đi dùng lại vừa không sạch răng, vừa làm lây lan bệnh từ răng này sang răng khác.

- Dùng mạnh tay: Do không có thói quen dùng chỉ nên cường độ nhấn chỉ xuống nướu thường quá đà, dẫn đến viêm nướu, chảy máu…

- Chỉ cứng và to so với răng: Trên thị trường có nhiều loại chỉ nha khoa. Có loại mềm, mịn, nhưng cũng có loại sợi to, xơ cứng, khi xỉa sẽ nghe thấy tiếng động của sợi chỉ cọ xát trên răng. Dùng loại chỉ này tác hại không khác gì dùng tăm, vì cũng gây tổn thương men răng, nướu răng.

- Răng thưa, khít không đều: Đó là trường hợp của những người từng xỉa răng bằng tăm. Do thói quen dùng tăm xỏ vào kẽ răng để làm sạch thức ăn nên phần chân răng ngày càng rộng dù phần trên răng vẫn khít. Khi dùng chỉ, phải dùng lực ấn mạnh thì chỉ mới xuống dưới và khi xuống dưới, đà ấn của tay thường làm sợi chỉ đi quá nhanh, cắt vào phần nướu, gây tổn thương nướu.

- Không dùng cho trẻ em: Nhiều người nghĩ, việc sử dụng chỉ tơ nha khoa chỉ dành cho người lớn, còn trẻ em thì không cần thiết. Thực tế không đúng như vậy, việc tập cho trẻ từ năm-sáu tuổi biết cách tự làm sạch răng bằng chỉ nha khoa tốt cho các bé. Thói quen này giúp bé có hàm răng chắc và đẹp trong những năm tháng sau này.

Dùng đúng

TS Ngô Đồng Khanh - Chủ tịch Hội Răng hàm mặt TP.HCM hướng dẫn cách dùng chỉ nha khoa như sau:

- Lấy một đoạn chỉ dài khoảng 30-45cm. Cuộn hai đầu chỉ vào hai ngón giữa, căng đoạn chỉ này bằng hai ngón cái và ngón trỏ sao cho ở giữa còn một đoạn khoảng 3-5cm.

- Kéo nhẹ nhàng để sợi chỉ chui lọt vào kẽ răng, sau đó uốn sợi chỉ ôm quanh răng. Kéo chỉ lên xuống để làm sạch răng. Đưa chỉ nhẹ nhàng tới gần nướu rồi kéo lên. Như vậy ở mỗi kẽ răng, ta lặp lại động tác trên ít nhất hai lần, một lần cho phía bên phải của kẽ răng, một lần cho phía bên trái và hoàn toàn không tác động vào nướu.

Dùng chỉ nha khoa là biện pháp vệ sinh răng bổ sung, bên cạnh chải răng. Nên dùng kem đánh răng có chứa fluor (đây là chất có công dụng ngừa sâu răng, viêm lợi…) hoặc kem có chứa hydroxyapatite và fluor (giúp bảo vệ men răng). Khi chải răng, cần lưu ý bề mặt của răng cối trong cùng vì nơi này thường bị “bỏ rơi”.

Ngoài chải răng, cần súc miệng diệt khuẩn vì 70% diện tích vùng má, lưỡi là nơi trú ngụ của vi khuẩn. Hơi thở nặng mùi làm mất tự tin trong giao tiếp còn do lưỡi gây ra. Thức ăn đọng lại cùng vi khuẩn nằm sẵn trong mảng bám răng tạo hơi thở hôi. Cần nạo lưỡi hai lần/ngày bằng cây nạo lưỡi để có hơi thở thơm và sự tự tin.

Theo PNO



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.