Dùng lá xông hơi, súc miệng nước muối có phòng được Covid-19? Bác sĩ người Việt tại Mỹ tiết lộ câu trả lời

Những ngày qua, trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin sai lệch về các phương pháp được cho là để phòng ngừa và điều trị Covid-19. Nhưng một bác sĩ người Việt tại Mỹ cho rằng nhiều phương pháp này không hiệu quả, thậm chí có thể khiến người bệnh tiền mất tật mang.

Bác sĩ Huynh Wynn Tran, Tổ chức y khoa VIETMD đã có chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ cũng như khuyên người mắc Covid-19 không nên làm theo những lời khuyên trên mạng.

Xin chào bác sĩ, hiện TP HCM và các tỉnh phía Nam đang là đỉnh dịch, anh đã từng trải qua thời kỳ Covid-19 tại Mỹ khi môi trường sống có nhiều người mang mầm bệnh, anh đã sử dụng các biện pháp nào để hạn chế lây nhiễm nhất?

Bác sĩ Huynh Wynn Tran: Cái quan trọng nhất để giảm nguy cơ trở thành F0 đó là mình phải có hệ miễn dịch tốt. Đến nay, khi có đại dịch, chúng ta vẫn không thể quên các bệnh khác. Ví dụ như lao phổi mỗi năm ở Việt Nam cũng có hàng nghìn người tử vong. Vì vậy, cách sống chung với dịch đó là kiểm soát tốt các bệnh mãn tính mình đang có, đang hút thuốc phải bỏ thuốc. Đây là tiền đề cải thiện hệ thống miễn dịch của mình giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm triệu chứng trở nặng khi nhiễm virus.

Đối với các biện pháp 5K, tôi có thói quen đeo khẩu trang từ rất lâu và khi có dịch tôi rửa tay thường xuyên hơn. Theo tôi quan trọng nhất đối với chúng ta đó là rửa tay. Virus ở nhiều nơi trên bề mặt tiếp xúc và rửa tay giúp ngăn chặn đường lây nhiễm.

Dùng lá xông hơi, súc miệng nước muối có phòng được Covid-19? Bác sĩ người Việt tại Mỹ tiết lộ câu trả lời-1
Bác sĩ Huynh Wynn Tran

Hiện người dân tại các khu vực giãn cách cần ở nhà, và luôn đeo khẩu trang và đeo phải đúng cách. Nhờ những bí quyết này, dù tiếp xúc với hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nhưng tôi vẫn chưa bị lây nhiễm.

Dùng lá xông hơi, xông tinh dầu, súc miệng bằng nước muối mặn… có thực sự phòng được virus không?

Bác sĩ Huynh Wynn Tran: Đến nay không có bằng chứng nào để khẳng định các bài thuốc trên có thể phòng được virus. Tuy nhiên, nó lại hiệu quả trong chữa bệnh tâm lý.

Trong đại dịch, ngoài hiệu quả của thuốc thì việc điều trị tâm lý cũng quan trọng.

Trong các bài thuốc như bạn nói ở trên, tôi nhận thấy có bài thuốc xông hơi là có thông tin.

Cách đây không lâu bên Malaysia cũng có nghiên cứu về xông hơi. Theo đó, xông hơi có thể tạm thời cải thiện hệ miễn dịch bẩm sinh (innate immunity) thông qua cơ chế tăng nhiệt độ làm kích thích tế bào. Tuy nhiên, cộng đồng không nên tự chữa Covid-19 bằng xông hơi (hay bất kỳ cách nào) mà phải tham khảo với bác sĩ cách chẩn đoán và chữa trị Covid-19.

Các biện pháp khác đến nay chưa có thông tin nào về nó, chưa có nghiên cứu trên diện rộng. Còn việc súc miệng bằng nước muối, thậm chí nước muối mặn tôi nghĩ không nên vì nó sẽ làm cho niêm mạc miệng đau, loét.

Tôi còn gặp cả bệnh nhân của tôi súc nước mắm để tiêu diệt virus. Điều này chỉ giúp họ giải tỏa tâm lý chứ không thể diệt virus. Hàng ngày, bạn vệ sinh răng miệng như thế nào thì vẫn làm như vậy. Răng miệng chính là cửa ngõ để virus tấn công.

Nếu người lười vệ sinh răng miệng thì vi khuẩn có thể đi theo đường máu, gây tăng viêm cơ tim. Người không chăm sóc răng miệng kỹ cũng tăng khả năng mắc các bệnh tiêu hoá.

Quan trọng nhất là tập thể dục thường xuyên, có thể tập tại nhà để tăng cường hệ miễn dịch của chính mình.

Đối với F0 tại Mỹ anh đã tư vấn và điều trị như thế nào? Kinh nghiệm từ chính các bệnh nhân của anh?

Bác sĩ Huynh Wynn Tran: Câu đầu tiên tôi hỏi họ đó là họ có cảm giác như thế nào. Đây là cách mình sẽ tìm được nhiều điểm. Tôi biết được họ có hiểu về bệnh không, cách chữa của mình tuỳ vào sự hiểu biết của họ.

Sau đó tôi hỏi bệnh nền, tuổi tác để tính xác suất họ có thể chuyển nặng là bao nhiêu %. Tại trung tâm y khoa của tôi, việc tìm ra nguy cơ chuyển nặng rất quan trọng. Tất cả các dấu hiệu đó tôi phải hỏi rất kỹ và hướng dẫn bệnh nhân cách nhận biết nguy cơ chuyển nặng như nồng độ oxy máu, da tím tái không, ho như thế nào, tất cả các dấu hiệu đó phải nhập viện theo dõi.

Covid-19 hiện giờ diễn biến rất nhanh. Nếu không đánh giá nguy cơ chuyển nặng sẽ nguy hiểm. Tại trung tâm y khoa nơi tôi làm việc, có bệnh nhân chỉ 2 tiếng trong lúc chờ xe vận chuyển tới bệnh viện đã suy hô hấp và phải thở máy.

Thực ra, họ đã có triệu chứng âm thầm trong cơ thể như cơn sóng ngầm chờ bùng phát.

Còn các trường hợp khác thì điều trị theo triệu chứng, ví dụ như dùng các thuốc hạ sốt.

Có nhiều người Việt tại Mỹ sau thời gian trải qua dịch bệnh, đã điều trị bệnh, họ chia sẻ với người thân đang mắc bệnh rằng sử dụng gừng và uống hàng ngày 4,5 lần với mật ong để trị Covid-19 điều đó có đúng không?

Bác sĩ Huynh Wynn Tran: Các nghiên cứu cho thấy phần lớn (hơn 80%) bệnh nhân khi mắc Covid-19 là có triệu chứng nhẹ và đều có thể tự khỏi. Số bệnh nhân còn lại (20%) khi mắc Covid-19 cần phải nhập viện chữa trị, với 15% chữa trị nội trú và 5% trong số này cần chữa trị chăm sóc đặc biệt (ICU).

Nhiều người nghĩ rằng họ khỏi do họ uống thuốc, thực phẩm chức năng nào đó. Nhưng uống mật ong, gừng không thể chữa được Covid-19.

Uống mật ong và nước gừng không có hại nếu người bệnh không có bệnh dạ dày, suy thận. Nhưng nếu người mà bị bệnh tim, thận uống thì có thể nguy hiểm cho tính mạng. Những nguy hiểm này không phải ai cũng thấy. Vì vậy, nếu bạn không may thành F0 thì tốt nhất nên xin tư vấn bác sĩ để có lời khuyên tốt nhất.

Bạn không nên nghe lời khuyên về y tế nếu đó không phải là bác sĩ hành nghề. Bởi vì khi đó, nếu xảy ra vấn đề thì không có ai chịu trách nhiệm cho bạn cả.

Lưu ý là hiện nay chưa có cách chữa trị thực chứng hữu hiệu nào cho bệnh nhân Covid-19, kể cả xông hơi. Chẩn đoán Covid-19 phải do bác sĩ chẩn đoán và bạn không nên vì một hoặc vài người tự chữa hết Covid-19 mà nghe theo lời họ.

Vâng xin cảm ơn anh!

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/dung-la-xong-hoi-suc-mieng-nuoc-muoi-co-phong-duoc-covid-19-bac-si-nguoi-viet-tai-my-tiet-lo-cau-tra-loi-161212507151426068.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.