Hà Nội bùng phát dịch đau mắt đỏ

Tại BV Mắt trung ương, 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày có khoảng trên 100 - 150 bệnh nhân đến đến khám vì đau mắt đỏ. Hà Nội đang bùng phát dịch bệnh này, nhiều gia đình cả nhà đều bị bệnh.

Tại BV Mắt trung ương, 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày có khoảng trên 100 - 150 bệnh nhân đến đến khám vì đau mắt đỏ. Hà Nội đang bùng phát dịch bệnh này, nhiều gia đình cả nhà đều bị bệnh.

Khốn khổ cả nhà đau mắt đỏ
 
Bệnh nhân chờ khám tại BV Mắt TƯ
Bệnh nhân chờ khám tại BV Mắt TƯ 

Chiều 19/9, chờ khám tại BV Mắt trung ương, chị Nguyễn Thu Hương (Thanh Trì, Hà Nội) đeo cặp kính đen to sù sụ để che đi hai mắt đỏ ngầu, sưng húp. Chị Hương cho biết, vừa mới thứ 2 tuần trước, thấy con gái đi học về lứu lo nói chuyện cô giáo dặn bạn nào bị đau mắt đỏ phải ở nhà, không được đến lớp, rồi hướng dẫn phòng bệnh… thì ba hôm sau, con gái chị bị đau mắt đỏ. “Con vừa đỡ xong thì mắt mình cũng thấy đau, tức, dễ chảy nước mắt, cộm, nhức… Nhỏ thuốc y như của con nhưng đến hôm nay là ngày thứ 4 không đỡ, đau chói phải đến viện khám. Chỉ còn hai bố con chưa có dấu hiệu đã vội di cư sang nhà ông bà nội… Chỉ vì cái mắt mà đã nghỉ việc đến ngày thứ 5, không biết khi nào mới đi làm lại được. Xung quanh khu tập thể nhà mình ở, cũng mấy gia đình cả nhà đều bị đau mắt đỏ”, chị Hương than thở.

Chị Minh Điệp (Hào Nam, Hà Nội) cũng trong tình trạng ngồi “bó gối” ở nhà 3 ngày hôm nay không đến được cơ quan, bởi hai vợ chồng chị đều bị lây đau mắt đỏ từ con. “Dù đã rất ý thức rửa tay thường xuyên, rửa tay sau khi vệ sinh mắt cho con, thay chăn ga đệm mỗi ngày… cuối cùng, hai vợ chồng đều bị mắt đỏ, sưng húp, chói, chảy nước mắt. Ngay cả việc đi chợ đã đeo kính đen rồi mà vẫn bị người bán hàng “kỳ thị” vì sợ lây bệnh”, chị Điệp cho biết.

BS Hoàng Cương, BV Mắt trung ương cho biết, 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng, với khoảng 100 – 150 bệnh nhân khám/ngày. Ngay trong sáng nay, bác sĩ Hoàng Cương đã khám một lúc cho 4 người trong một gia đình bị đau mắt đỏ. Khi kê đơn, bệnh nhân còn hỏi ở nhà ông bà nội, người giúp việc cũng bị, liệu có thể nhỏ mắt cùng một lọ thuốc hay không. Bác sĩ luôn ý thức “ưu tiên” bệnh nhân đau mắt đỏ khám trước để không ngồi đợi lâu, phòng nguy cơ lây bệnh cho người khác, tuy nhiên lượng bệnh nhân đông, nên “ưu tiên” cũng không xuể.

Đáng nói, riêng trong sáng nay, bác sĩ Hoàng Cương đã khám cho khoảng 10 bệnh nhân bị biến chứng viêm kết, giác mạc do đau mắt đỏ. Khi đã bị viêm giác mạc, thời gian điều trị kéo dài gấp 3 – 4 lần điều trị đau mắt đỏ với chi phí tốn kém hơn nhiều (chi phí chữa đau mắt đỏ chỉ khoảng 150 nghìn tiền thuốc). Chưa kể tình trạng viêm giác mạc kéo dài khiến người bệnh vô cùng khó chịu, luôn bị đỏ mắt (mặc cảm khi đối diện với người khác vì sợ lây bệnh), đau chói mắt, cộm mắt… ảnh hưởng đến công việc và học tập.
 
Nhiều trẻ bị lây đau mắt đỏ từ bạn bè 
Nhiều trẻ bị lây đau mắt đỏ từ bạn bè

Quan trọng nhất là vệ sinh bàn tay

Người bệnh đau mắt đỏ luôn có cảm giác đau, ngứa mắt, chảy nước mắt nên thường có phản xạ dùng tay, khăn tay để chấm mắt và nếu không vệ sinh bàn tay sạch sẽ thì sẽ là tác nhân lây truyền bệnh cho người khác.

Theo BS Hoàng Cương, việc một người đau mắt đỏ lây cho cả nhà là rất phổ biến, bởi đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch. Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh bởi tốc độ lây truyền nhanh nhất cũng là ở giai đoạn này. Khi mới nhiễm vi-rút, người bệnh không có triệu trứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây lan nhau. Nhiều trường hợp, người lớn khỏi rồi nên chủ quan khi chăm sóc con dẫn đến tái nhiễm.

Khi bị đau mắt đỏ thường chỉ cần chăm sóc, giữ vệ sinh mắt, rửa mắt hàng ngày nhiều lần bằng nước muối sinh lý, sau 7 - 10 ngày bệnh sẽ khỏi mà không phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, trong mùa dịch này, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ kéo dài hơn 10 ngày rất phổ biến. Theo BS Hoàng Cương, nhiều khả năng do việc tự dùng các loại thuốc, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Hơn nữa, nhiều người chỉ chăm chăm nhỏ thuốc mà quên mất khâu rửa, vệ sinh mắt thật sạch trước khi nhỏ thuốc để đẩy vi rút ra ngoài, nên thời gian khỏi bệnh cũng lâu hơn.

“Gần đây còn có hiện tượng người bệnh đau mắt đỏ tự tiêm kháng sinh vào mắt. Họ cứ nghĩ kháng sinh là thần dược, đau đâu thì tiêm đó nên tiêm vào mắt, trong khi không phải loại thuốc nào cũng có thể tiêm vào mắt, hậu quả là mắt người bệnh thêm sưng, nề càng khó chịu hơn”, BS Cương nói.

Các bác sĩ khuyến cáo, với đau mắt đỏ không nên quá nôn nóng điều trị, bởi cần có thời gian nhất định là 7 – 10 để loại bỏ vi-rút khỏi cơ thể. Tốt nhất trước mỗi lần nhỏ thuốc mắt cần rửa sạch mắt bằng muối sinh lý. Bệnh nhân nên nằm nghiêng, rửa từng mắt một, nhỏ nước muối liên tục để làm mềm dử mắt rồi dùng gạc tiệt trùng lau khô. Nhưng cần lưu ý, khi rửa mắt không để đầu thuốc chạm vào mắt để tránh lây lan. Mỗi người bệnh nên dùng một lọ thuốc riêng phòng tránh lây chéo. Sau khi vệ sinh mắt cần rửa tay sạch với xà phòng để phòng lây bệnh cho người khác. Việc vệ sinh bàn tay thường xuyên rất có ý nghĩa để phòng bệnh đau mắt đỏ lây lan trong cộng đồng.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.