Nguyên nhân khiến bệnh gút tăng chóng mặt ở Việt Nam?

Bệnh gút (gout), Đông y gọi là thống phong là bệnh rối loạn chuyển hóa các nhân purin. Đặc trưng của bệnh gút là tăng acid uric máu gây lắng đọng các tinh thể urat ở các mô.

Bệnh gút (gout), Đông y gọi là thống phong là bệnh rối loạn chuyển hóa các nhân purin. Đặc trưng của bệnh gút là tăng acid uric máu gây lắng đọng các tinh thể urat ở các mô.
 

Nội tạng động vật chứa rất nhiều purin là tác nhân gây bệnh gút.

Ở khớp, bệnh gút (bệnh gout) gây ra chứng viêm khớp cấp và mạn tính. Ở mô mềm, gút tạo ra các hạt tô phi. Ở thận, gút gây ra các chứng viêm thận kẽ, sỏi thận...

Không chỉ vậy, bệnh gút nếu không được điều trị kịp thời còn gây ra rất nhều biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp gây tàn phế suốt đời, suy thận mạn, bệnh lý về tim mạch. Mức độ trầm trọng nhất là bệnh gút có thể gây ra là tử vong.

Tại Việt Nam, trước kia bệnh gút được coi là bệnh nhà giàu vì cho rằng chỉ những người có điều kiện, ăn uống đầy đủ, nhiều chất đạm mới có thể mắc bệnh gút. Tuy nhiên, từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20 cho đến nay, bệnh gút gia tăng chóng mặt ở Việt Nam.

Theo thống kê của Khoa xương khớp Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 20 năm tốc độ gia tăng của bệnh cũng khá đáng báo động từ 1,5% các bệnh viêm khớp do gút (1978-1989), đến 6,1% (1991-1995) và 10,6% (1996-2000).

Theo khảo sát của Viện Gút từ tháng 7 năm 2007 đến tháng 7 năm 2012 trên cả nước có hơn 22.000 người mắc bệnh gút trong đó số bệnh nhân gút tại TP HCM là lớn nhất lên tới 8.246 người chiếm hơn 1/3 bệnh nhân gút trên cả nước.

Biến chứng đáng sợ của bệnh gút (Ảnh minh họa)

1. Những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh gút:

Nguyên nhân gây ra bệnh gút là do acid uric trong máu tăng cao. Chuẩn để xác định acid uric máu cao là khi đo nồng độ acid uric vượt qua giới hạn tối đa của độ hòa tan của urat trong huyết tương.

Cụ thể giới hạn tối đa mà nếu vượt qua sẽ được coi là tăng acid uric máu là 420 µmol/l đối với nam, 360 µmol/ đối với nữ.

Theo các nhà khoa học, có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh gút. Có thể chỉ ra các yếu tố nguy cơ chính như sau:

- Yếu tố giới tính: Bệnh gút thường gặp ở nam, ở Việt Nam người mắc bệnh gút có 99% là nam giới.

- Yếu tố độ tuổi: Gút thường gặp ở độ tuổi 30 - 50 ở nam giới, ở nữ giới thường gặp sau độ tuổi mãn kinh.

- Yếu tố gia đình: Yếu tố này do gen nhưng cũng có thể do những người trong gia đình có cùng 1 chế độ, thói quen sinh hoạt, ăn uống.

- Thói quen sinh hoạt: Thường gặp ở những người có thói quen uống đồ uống có cồn như bia rượu. Ngoài ra còn có thêm nhiều yếu tố khác sẽ phân tích sâu hơn ở phần dưới.

- Yếu tố sức khỏe: Bệnh gút liên quan đến 1 số căn bệnh chuyển hóa khác như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu… Bệnh gút cũng có liên hệ với bệnh béo phì. Người béo phì có nguy cơ mắc gút cao hơn bình thường 5 lần.

- Ảnh hưởng của một số loại thuốc làm giảm thải acid uric qua thận, rối loạn chuyển hóa acid uric: Thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, aspirin, thuốc chống Lao như pyrazynamid…

2. Vì sao bệnh gút gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam?

Theo nhiều nhà khoa học, thực trạng bệnh gút tăng nhanh ở Việt Nam có liên quan đến việc thay đổi trong lối sống và sinh hoạt, trong đó, chủ yếu là việc thay đổi trong ăn uống.

Chế độ ăn giữ một "vai trò" lớn trong việc tạo ra tác nhân gây bệnh gút, lên đến 12%. Những yếu tố liên quan đến ăn uống gây ra bệnh gút gồm có sử dụng nhiều thức uống có cồn, sử dụng đồ uống có hàm lượng đường cao, chế độ ăn chứa nhều đạm...

Đối chiếu với chế độ ăn uống của người Việt, ngoài việc ngày nay nhiều người có xu hướng sử dụng nhiều chất đạm trong bữa ăn ra thì tình trạng sử dụng bia rượu thường xuyên chính là nguyên nhân gây nên bệnh gút.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có tới 75-84% bệnh nhân gút uống rượu bia thường xuyên trung bình từ 7-10 năm.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Lương Lễ Hoàng, Trung tâm Cao áp Oxy TPHCM, ở Việt Nam có rất nhiều người bị mắc bệnh gút một cách "oan uổng" do không hiểu biết về cơ chế gây ra bệnh gút nên không biết cách phòng bệnh đúng đắn.

Ví dụ như những người làm công việc nặng, hay đổ mồ hôi nhưng không uống đủ nước khiến cho acid uric cô đọng lại trong máu thay vì được pha loãng và đào thải ra ngoài.

Một trường hợp nữa là những người có thói quen nhịn tiểu khiến acid uric có cơ hội tích lũy trên đường tiểu vì không thải ra ngoài nên phải lắng xuống, do đó mà có cơ hội ngấm dần vào máu.

Điều đáng nói là một số người mặc dù đã chịu khó kiêng các thực phẩm giàu đạm, kiêng uống thực phẩm chứa cồn nhưng lại vô tình bị mắc bệnh gút do ăn quá nhiều món ăn có khả năng làm tăng acid uric máu như canh chua bạc hà.

3. Cách phòng tránh bệnh gút:

Phòng tránh bệnh gút không khó, chủ yếu là triệt tiêu những tác nhân làm tăng nguy cơ căn bệnh này mà bạn có thể làm chủ được. Ví dụ như:

- Hạn chế ăn đạm động vật: Đạm động vật chứa rất nhiều purin trong đó nhiều nhất phải kể đến là nội tạng động vật (gan, thận, não, lách), cá trồng, cá trích, cá thu. Các loại thịt, cá, gia cầm chứa ít purin hơn nhưng cũng không nên ăn quá nhiều.

- Hạn chế bia rượu: Giới hạn dưới hai cốc bia mỗi ngày nếu bạn là nam, một cốc bia nếu bạn là nữ. Rượu với một lượng tương tự với định lượng là chén. Nếu bạn đang bị gout, tốt nhất nên tránh hoàn toàn rượu bia.

- Uống nhiều nước.

- Giảm béo: Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách giảm cân từ từ giúp giảm nồng độ acid uric máu, đồng thời giảm bới sự chịu đựng sức nặng của các khớp.
 
Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.