Những cách giải nhiệt sai lầm dễ mắc phải khi nắng nóng kỷ lục

Trong đợt nắng nóng kỷ lục như hiện nay thì không ít người mắc phải những sai lầm trong cách giải nhiệt dẫn tới nhiều hậu quả nguy hiểm.

Thời tiết nóng bức khiến chúng ta tìm nhiều cách để hạ nhiệt. Đặc biệt trong đợt nắng nóng kỷ lục như hiện nay thì không ít người mắc phải những sai lầm trong cách giải nhiệt dẫn tới nhiều hậu quả nguy hiểm.
 
Dưới đây là những sai lầm dễ mắc phải trong cách giải nhiệt khi nắng nóng:
 
Tắm khi còn ướt mồ hôi
 
 
Nắng nóng, khó chịu nhiều mồ hôi bạn chỉ muốn chạy ngay vào nhà tắm để tận hưởng cảm giác mát lạnh. Tất nhiên ngay lúc đó bạn rất thích vì nó thật sự khiến bạn cảm thấy “sảng khoái”. Nhưng bạn nên biết rằng bạn đang phạm sai lầm vô cùng nghiêm trọng, bạn đang khiến cơ thể mất cân bằng nhiệt một cách nhanh chóng.

Khi cơ thể còn đang đổ mồ hôi mà bạn trực tiếp dội nước lạnh thì khí lạnh xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ chân lông đang mở nên sẽ nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu tắm khi cơ thể nhiều mồ hôi có thể dẫn đến sốt cao hoặc có người bị đột quỵ. Nên để cơ thể ráo mồ hôi, massage toàn thân cho các lỗ chân lông từ từ thu hẹp lại rồi mới đi tắm. Ban đầu nên lau người cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới bắt đầu tắm toàn thân.

Ngoài ra nó còn ảnh hưởng tới việc lưu thông máu trong cơ thể, làm cho máu lên não chậm, không những thế còn ảnh hưởng đến nhịp đập của tim và huyết áp. Với những người có sức khỏe và sức đề kháng yếu, điều này có thể gây ra tai biến, ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngồi dưới quạt điện, bật điều hòa ngay sau khi đi nắng
 
 
Khi đi nắng về, bạn vội vàng chạy vào nhà bật quạt ở mức gió to nhất nhằm đẩy lùi cơn nóng hoặc chạy ngay vào phòng điều hòa bật xuống nhiệt độ thấp nhất để đẩy lùi cơn nóng. Đây là những thói quen thường gặp trong cuộc sống, nhưng ít ai biết tới hậu quả của nó. Cơ thể khi đó dễ mất cân bằng nhiệt nóng chuyển sang lạnh đột ngột, dễ khiến bạn choáng váng, ngất xỉu, thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng.

Bạn cần lau khô mồ hôi để tránh nhiễm lạnh đột ngột. Ngược lại, trước khi đi ra ngoài, bạn cũng nên tắt điều hòa 15-20 phút để tránh sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong nhà và ngoài trời. Đặc biệt, nhiều nhà sử dụng điều hòa nhưng vẫn để thêm một chậu nước trong phòng. Điều này rất cần thiết, đặc biệt đối với trẻ em, vì hơi nước sẽ thu hút các bụi bẩn, vi trùng gây bệnh.

Ngoài ra, khi lắp điều hòa, bạn nên có thêm một chiếc quạt thông gió để trao đổi không khí với bên ngoài. Nhiệt độ trong phòng điều hòa để không cách biệt quá 5 độ C đối với ngoài trời. Các gia đình nên thường xuyên mở cửa sổ đổi gió để đảm bảo trao đổi đối lưu giữa không khí trong và ngoài.

Uống nước đá thay vì uống nước lọc
 
 
Sau thời gian đi ngoài trời nắng, bạn có cảm giác thèm một cốc nước mát lạnh, đặc biệt là các loại nước ngọt có ga để giảm cơn khát. Nước đá giúp giải cơn khát tức thì, đem lại cảm giác mát lạnh. Tuy nhiên, đây là thời điểm không thích hợp để uống các loại nước trên, thậm chí chúng còn gây hại cho cơ thể. Nếu uống nước đá lạnh lúc cơ thể đang nóng sẽ làm cho các mạch máu trong dạ dày, ruột co thắt lại, làm giảm chức năng dạ dày, dễ dẫn đến đau bụng cấp. Theo các chuyên gia về sức khỏe, khi đi ngoài nắng về, bạn nên uống một cốc nước mát. Bằng cách này, cơ thể sẽ hạ nhiệt từ từ cũng như nhanh chóng thích nghi với nhiệt độ mới, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.

Mùa hè, bạn nên uống nhiều nước lọc hoặc các loại nước hoa quả sẽ giúp giải nhiệt tốt hơn.

Ăn nhiều đồ đông lạnh
 
 
Ăn quá nhiều món ăn vặt lạnh trong ngày hè dễ khiến cơ thể bốc hỏa, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột.

Thường xuyên ăn thực phẩm tính hàn để giải nhiệt

Kéo dài thói quen này không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt ở phụ nữ có thể dẫn tới kinh nguyệt không đều và đau bụng kinh.

Ngủ trên nền nhà lạnh

Ngủ trên nền nhà sẽ rất lạnh, nhất là khi trời gần sáng. Nhiệt độ cơ thể người lúc này lại thấp nên khi ngủ trên nền nhà rất dễ bị cảm lạnh. Nếu đã bị cảm lạnh, càng không được ngủ dưới đất, bởi vì các lỗ chân lông sẽ bị thu lại, mồ hôi không thoát ra được khiến triệu chứng cảm càng nghiêm trọng hơn.

Nếu cảm thấy nóng, bạn có thể chọn chỗ mát trên giường, để nhiệt độ điều hòa thích hợp, không nên để quạt thổi trực tiếp vào mặt, mở cửa sổ cho không khí được đối lưu… sẽ mát mẻ hơn.

Cởi trần khi trời nóng

Cởi trần rất dễ bị nhiễm lạnh, do lỗ chân lông bị thu hẹp đột ngột khiến sự nóng ẩm ngấm ngược trở lại vào cơ thể. Dù trời nóng bạn cũng nên mặc quần áo, tốt nhất là quần áo mỏng, thấm hút mồ hôi, thoáng khí. Khi thấy nóng, bạn có thể dùng nước lạnh nhẹ nhàng xoa vào phía trong cổ tay, nơi có động mạch đi qua, để giảm nhiệt độ cho động mạch hoặc dùng khăn ướt lau sạch cơ thể.

Uống cà phê quá nhiều
 
 
Nếu nghiện trà hay cà phê, bạn nên hạn chế uống vào mùa hè. Đồ uống chứa caffeine và carbon sẽ làm cơ thể nóng hơn, từ đó làm mất nước. Thay vào đó, hãy uống trà đá để cân bằng nhiệt trong cơ thể nếu cần thiết.
 
Ngồi quá lâu trong phòng điều hòa
 

Ngồi quá lâu trong phòng có điều hòa dễ bị đau nhức vai, cổ, thắt lưng... bởi khí lạnh dễ “tấn công” vào các bộ phận này. Ngoài ra, phòng điều hòa đóng kín không được thông gió dễ khiến vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh truyền nhiễm.
 

Theo Báo Gia Đình & Xã Hội



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.