Phản ứng nhanh của người vợ cứu chồng chỉ còn 1% sự sống

ANH - Khi thấy chồng nằm bất tỉnh trên sàn nhà, bà Sarah lập tức gọi cấp cứu, tiến hành hô hấp nhân tạo hiệu quả dù chưa từng thực hiện trước đó.

Ông Saroj Khadka gặp nạn khi đang tận hưởng một tuần nghỉ phép tại nhà ở Kent (Anh). Sau buổi sáng tại phòng gym, ông trở về nhà nấu bữa trưa. 

Theo Express, ông Saroj, 48 tuổi, vốn là một người khỏe mạnh, chưa bao giờ phải đi bệnh viện. Nhưng hôm đó, ông bỗng cảm thấy cơ thể có vẻ bất thường. Người vợ Sarah khuyên ông nên nghỉ ngơi một chút. Họ nghĩ ông Saroj đã tập luyện quá sức. 

Khi đang gọi điện thoại, bà Sarah bỗng nghe thấy tiếng động mạnh trong phòng tắm. Bà vội chạy vào và phát hiện chồng nằm bất tỉnh trên sàn nhà, đôi mắt trợn ngược. 

Phản ứng nhanh của người vợ cứu chồng chỉ còn 1% sự sống-1
Ông Saroj Khadka và vợ Sarah. Ảnh: SK

Bà Sarah chộp lấy điện thoại và gọi cấp cứu. Nhân viên tổng đài hỏi bà một số thông tin, đề nghị bà hô hấp nhân tạo cho chồng. Bà từng học phương pháp này nhưng đó là chuyện cách đây 40 năm và chưa từng thực hành. 

Dù vậy, người phụ nữ này vẫn cố gắng hô hấp nhân tạo không ngừng cho chồng trong 10 phút. Đây là cách giúp máu mang oxy lưu thông đến não và các cơ quan khác, giảm nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn hoặc tàn tật.

Khi các nhân viên y tế đến, họ sử dụng máy khử rung tim để tiếp tục cấp cứu cho ông Saroj. Trên đường đến Bệnh viện St George, họ đã cố gắng khởi động lại trái tim của Saroj đã không đập suốt 40 phút đồng nghĩa cơ hội sống sót dưới 1%. 

Khi ông Saroj phải phẫu thuật khẩn cấp để đặt stent, bà Sarah không thể gặp chồng trong nhiều giờ. Ông bị ngừng tim do tắc nghẽn hoàn toàn các động mạch chính, phổi và thận cũng bị ảnh hưởng.

Sau đó, nam bệnh nhân phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) giúp bơm máu ra ngoài cơ thể và oxy hóa rồi bơm trở lại, cho phép tim phổi được nghỉ ngơi. 

Quá trình phục hồi diễn ra rất chậm. Ông Saroj trải qua 53 ngày trong hai bệnh viện, phải lắp máy tạo nhịp tim tạm thời và lọc thận trước khi về nhà. Tình trạng teo cơ trầm trọng đến mức nam bệnh nhân không thể ngồi dậy, không thể nói được. “Lần đầu tiên nhìn vào gương, tôi không nhận ra chính mình”, ông Saroj kể.  

“Đôi khi tôi nhắm mắt và cố nhớ những gì đã xảy ra nhưng không thể. Mọi chuyện giống như ảo ảnh. Tôi lưu giữ nhật ký của các y tá thời đó cùng với những tấm thiệp của bạn bè và gia đình. Khi đọc lại, tôi thấy rất xúc động, những dòng chữ đó đã giúp tôi hồi phục”, ông tâm sự. 

Duncan Bootland, Giám đốc Y tế của Dịch vụ cứu hộ, cho biết: “Tôi thường xuyên nghĩ về Saroj và Sarah. Khi chúng tôi gặp Saroj, cơ hội sống sót của ông ấy cực kỳ thấp nhưng ông ấy đã hồi phục. Nếu không có từng người trong 'chuỗi sinh tồn' của Saroj, mọi chuyện sẽ rất khác. Sarah bắt đầu hô hấp nhân tạo và tiếp tục cho đến khi đội cứu thương đến là bước quan trọng”. 

Hiện tại, ông Saroj đã nghỉ hưu do bệnh lý ở bàn chân. Vợ chồng ông luôn khuyên mọi người nên học cách hô hấp nhân tạo càng sớm càng tốt. 

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/nguoi-vo-ho-hap-nhan-tao-cuu-chong-chi-con-1-su-song-2296662.html

cấp cứu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.