Rước bệnh vì thói quen ăn uống dễ dãi của người Việt

Trong một cuộc hội thảo với chủ đề an toàn thực phẩm tổ chức tại Hà Nội gần đây, không chỉ chuyên gia y tế trong nước mà cả chuyên gia nước ngoài đều đánh giá thói quen tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam cực kì dễ dãi.

Chính điều này đã tiếp tay cho việc sản xuất, chế biến thực phẩm thiếu an toàn và là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng bệnh tật do ăn uống.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong năm 2014, đến hơn 60% số vụ ngộ độc là ở khu vực gia đình, số ngộ độc tập thể tại nhà máy, xí nghiệp, đường phố lại có tỉ lệ ít hơn. Bên cạnh đó, có đến 47% nguyên nhân các ca ngộ độc là từ vi sinh vật (nguyên nhân có thể phòng tránh) cao hơn hẳn số ca ngộ độc đến từ nguyên nhân khác như: hoá chất, kháng sinh, độc tố tự nhiên... (nguyên nhân khó phòng tránh, bị động). Điều này cho thấy, vấn đề bảo quản, chế biến thực phẩm, ý thức  sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng hiện nay chưa thật sự tốt. 

Ý thức tiêu dùng kém

Chị Hoàng Mai Lan, 29 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội kể, trước đây thường mua cháo về cho con ăn dặm tại quán cháo dinh dưỡng gần nhà vì thấy quán bề ngoài sạch và nấu ngon. Cho đến một lần thấy chủ quán cháo có hành vi mất vệ sinh: vừa khâu giầy rách sau đó không rửa tay ngay mà nấu luôn cháo cho khách, mặc dù có nhắc chủ quán rửa tay nhưng đáp lại là thái độ thờ ơ, chị Lan từ đó “cạch mặt” hàng cháo quen.

Bất ngờ hơn, những vị khách còn lại hùa với chủ quán cho rằng chị Lan khó tính. “Vị khách đứng gần bảo với tôi là họ (người bán hàng) là có bốc thức ăn đâu mà phải lo sạch với bẩn, tay có bẩn nhưng cầm ở cán muôi, thìa không chạm vào thức ăn thì không vấn đề gì... Sau khi tôi cáo lỗi ra về, không chỉ chủ quán mà cả những vị khách khác đều nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm, những người còn lại vẫn nhiệt tình mua cháo như bình thường”, chị Lan nói.

 Rước bệnh vì thói quen ăn uống dễ dãi của người Việt - 1

(Ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội đánh giá, nhiều người tiêu dùng thực phẩm hiện nay tỏ ra dễ dãi đến lạ lùng trong chuyện ăn uống, đa phần ít cẩn trọng, cảnh giác trong việc lựa chọn, chế biến thực phẩm, xuề xoà khi ăn uống, thậm chí thấy trước mắt hành vi chế biến mất vệ sinh của chủ cửa hàng ăn uống nhưng vẫn thoả hiệp, tặc lưỡi cho qua theo kiểu “chết thì chết cả đám”, “cả làng đau mắt riêng mình em đâu”, người  ta ăn được, mình ăn cũng chẳng sao...  

“Tôi từng thấy những cảnh tượng rất lạ lùng mà đúng là chỉ Việt Nam mới có, đó là những hàng quán tạm bợ ở gần những kênh mương hôi thối hay đống rác bốc mùi mà vẫn có những thực khách cắm đầu vào ăn hay có những quán nhìn vào đã thấy mất vệ sinh, bát đũa sàn nhà cáu ghét, móng tay người phục vụ đen sì… nhưng lại vẫn rất đông khách”, ông Thịnh bày tỏ.

Theo ông Thịnh, không chỉ đối với thực phẩm đường phố mà cả với những thực phẩm chế biến sẵn, nhiều người tiêu dùng cũng ít cảnh giác, qua quýt xem thông tin về hạn sử dụng, nơi sản xuất… Ông Thịnh cũng cho biết, lí do kinh tế chỉ là một phần mà chủ yếu vẫn là do người tiêu dùng chưa có ý thức tự bảo vệ mình, biết nói không với thực phẩm bẩn. Chính thói quen tiêu dùng dễ dãi là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc, bệnh tật do ăn uống. 

Mất quyền tiêu dùng thực phẩm sạch

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, chính người tiêu dùng tự làm mất quyền được sử dụng thực phẩm an toàn với thói quen ăn uống dễ dãi của mình, từ đó vô tình tiếp tay cho các cơ sở sản xuất mất an toàn có đất tồn tại…

Ông Phong cho biết, vấn đề giữ gìn an toàn thực phẩm trong xã hội phải kết hợp từ ba phía đó là: cơ quan quản lý; cơ sở sản xuất, chế biến và người tiêu dùng. Cơ quan quản lý là nơi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất phải thực hiện nghiêm chỉnh an toàn thực phẩm, nhưng quan trọng nhất là người tiêu dùng cần nâng cao ý thức an toàn thực phẩm, vừa đóng vai trò giám sát cũng với các cơ quan chức năng để phòng tránh mất vệ sinh an toàn thực phẩm cho xã hội, cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc do vấn đề mất an toàn thực phẩm gây ra cho mình và người thân.

Theo Khám phá



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.