Teo chân, không thể ngồi vì căn bệnh hay gặp ở phụ nữ trẻ

Bốn tháng nay, căn bệnh tiến triển nặng khiến chị H. đau 2 khớp háng, hạn chế vận động chân, không thể đi lại hay ngồi được bằng xe lăn.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nhận định đây là ca bệnh khó. "Nữ bệnh nhân 40 tuổi quê Hải Phòng đến viện trong tình trạng gần như tàn phế, di chuyển rất khó khăn do không ngồi dậy được và chỉ nằm trên cáng", ông Khánh cho biết.

Chị H. chia sẻ bản thân phát hiện mắc bệnh Lupus ban đỏ từ khi 36 tuổi. Bác sĩ Khánh cho biết bệnh diễn biến từ lâu, bắt đầu ảnh hưởng đến các cơ quan khác như thiếu máu mạn tính, có dịch màng ngoài tim, chất lượng xương kém do loãng xương, khớp háng viêm dính thoái hóa cả hai bên, hệ thống cơ chi dưới teo, cơ lực kém...

Để điều trị cho bệnh nhân này, bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh đã phẫu thuật thay khớp háng toàn phần 2 bên với kỹ thuật ít xâm lấn, vết mổ chỉ từ 4-5cm. 

Sau 1 ngày phẫu thuật, bệnh nhân có thể ngồi dậy. Sau 2 ngày, chị có thể tập đi sớm với sự hỗ trợ của nạng, khung trợ đỡ. Người phụ nữ này được xuất viện sau một tuần, tiếp tục tập luyện phục hồi chức năng.

Theo bác sĩ Khánh, việc phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đồng thời cả 2 bên giúp người bệnh giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, phổi, gan, thận, giúp vận động sớm, rút ngắn thời gian phục hồi và nằm viện, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế. 

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, mỗi năm có thêm 16.000 trường hợp mắc mới được phát hiện. Đây là một căn bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, hay gặp ở phụ nữ trẻ tuổi, hiện vẫn chưa có cách đặc trị.

Bệnh có biểu hiện ở nhiều cơ quan, bao gồm đau khớp, viêm khớp, hội chứng Raynaud, phát ban, viêm màng phổi hoặc viêm màng ngoài tim, tổn thương thận hoặc tổn thương hệ thống thần kinh trung ương và thiếu tế bào máu tự miễn. Tình trạng viêm khớp rất thường gặp ở những người bị bệnh Lupus với triệu chứng đau, sưng nóng, hạn chế vận động các khớp.    

Tổn thương da là triệu chứng thường gặp (70-80%) trong Lupus ban đỏ, thường xuất hiện ở vùng mũi má tạo thành "hình cánh bướm", vùng trước tai, vùng da hở như mặt, cẳng tay, mu bàn tay, ngón tay, có khi lan tỏa nhiều nơi: đầu mặt, ngực vai, thân mình, chân tay. Có thể gặp các tổn thương khác như các đám mảng đỏ hình tròn “dạng đĩa” có dày sừng nang lông từng điểm và  teo da ở trung tâm đám tổn thương. Đám tổn thương dạng đĩa có thể gặp ở mặt, tay.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/teo-chan-khong-the-ngoi-vi-can-benh-hay-gap-o-phu-nu-tre-2139244.html

Lupus ban đỏ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.