Chồng đưa tiền thưởng Tết nhờ mẹ giữ

Giờ tôi mới thấy được cái sự keo kiệt, nhỏ mọn của chồng.

Giờ tôi mới thấy được cái sự keo kiệt, nhỏ mọn của chồng.

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết nhưng vợ chồng tôi lại đâm ra lục đục. Tôi không hiểu chồng tôi nghĩ sao mà được bao nhiêu tiền thưởng Tết, tiền lương, thậm chí tiền dành dụm của hai vợ chồng, anh đều đưa cho mẹ ruột giữ hộ. Tôi hỏi tiền để còn mua sắm các thứ thì anh lại gắt lên: “Tiền, tiền, tiền. Cô suốt ngày chỉ thế là giỏi”.

Tôi điếng người vì những lời nói ấy được thốt ra từ miệng người đã sống cùng tôi gần 10 năm trời. Từ khi kết hôn đến nay, quả thực tôi chưa bao giờ dựa dẫm hoàn toàn vào anh ấy. Lương tôi đủ lo hết mọi sinh hoạt trong nhà, lương anh thì tôi trích ra để gửi tiết kiệm, còn đâu tôi để dành trong nhà, nhỡ có việc cần dùng đến. Thế nhưng khi có chuyện gì đó cãi nhau, anh đều cho rằng, tôi chả làm được gì để tích cóp, được bao nhiêu tiền đều “vung tay quá trán” hết cả.

Sau khi đưa hết tiền cho mẹ ruột giữ hộ, anh cũng ở luôn bên ấy, chả chịu về nhà. Gần Tết, nhà cửa còn bao nhiêu thứ phải dọn dẹp, sắp xếp nhưng chỉ có mình tôi lo liệu. Còn hai đứa con nhỏ, tôi cũng phải đưa đi đón về. Tôi gọi điện cho anh thì mẹ chồng tôi gắt lên: “Cô làm gì mà thằng Thành nó bảo không chịu nổi nữa thế hả? Sống được với nhau thì sống, không thì dẹp hết”.

Chồng đưa tiền thưởng Tết nhờ mẹ giữ - 1
Sau khi đưa hết tiền cho mẹ ruột giữ hộ, anh cũng ở luôn bên ấy, chả chịu về nhà. (ảnh minh họa)

Tôi không hiểu chồng tôi đã nói những gì với bố mẹ ruột mà mọi chuyện thành ra như thế. Nhưng quả thực, sau chuyện này mẹ chồng tôi cứ đi ra nguýt, đi vào lườm làm tôi thấy khó chịu vô cùng. Chồng tôi thì chẳng chịu bén mảng về nhà lấy nửa giờ đồng hồ, thành ra có muốn nói chuyện tử tế với nhau cũng không được.

Hôm rồi đi sắm mấy thứ đồ lặt vặt với mấy chị đồng nghiệp mà tôi thấy tủi thân. Tiền mang theo chỉ được mấy trăm ngàn, chả đủ để mua một món nhỏ. Thấy tôi cứ đứng “ngẩn tò te”, chị đồng nghiệp mới bảo: “Mày lăn tăn làm gì thế? Tiền thưởng của chồng mày chắc phải bằng cả một năm lương của tụi mình. Thích gì cứ mua chứ tội gì”.

Chị ấy nói chẳng sai, bởi chồng tôi cũng là một người có vai vế, có sự nghiệp đàng hoàng. Nhưng “sống trong chăn mới biết chăn có rận”, anh lại không phải là người hào phóng mà rất hay tính toán, để ý lặt vặt. Khi sống chung, tôi cũng nhận thấy điều đó, nhưng cứ nghĩ, mình thoáng thì chồng phải “ki” một tí thì mới cân bằng được. Kết quả, tôi cứ để chồng nắm hết tài chính trong nhà mà không căn vặn gì.

Nhưng bây giờ, tình thế này lại khiến tôi dở khóc, dở cười. Tôi đang chờ chồng mang tiền về để đi sắm Tết, nhưng dù nói kiểu gì anh ấy cũng bảo rằng, “Tết nhất thì chỉ phiên phiến thôi, cần gì cứ nói để mẹ tính toán rồi mẹ đưa cho, chứ cô cầm cả thì có mà chết nhăn răng vì hoang phí”.

Tôi chẳng biết nên nói thế nào với chồng. Chả nhẽ bây giờ ngồi cãi nhau với anh ấy, nói rõ rằng mọi thứ trong cái nhà này cũng do tôi gây dựng nên chứ không phải chỉ có mình anh ấy góp sức? Rằng mọi thứ anh ấy ăn uống, chi tiêu hằng ngày đều là tiền của tôi? Tôi không muốn làm như thế. Với tôi, việc nhìn thấy bản chất của chồng đã là một điều quá tồi tệ rồi.

Sau năm lần bảy lượt cãi nhau, anh cũng chịu về nhà để ăn Tết với vợ con như lời bố mẹ bảo. Tôi thấy anh mang về một xấp tiền và ngồi tính toán cả buổi ở phòng làm việc. Đến tối, anh đưa cho tôi một tờ giấy ghi rõ các món cần mua và cả giá cả đi kèm. Tôi dù uất ức nhưng không thể cầm tờ giấy và xấp tiền vứt vào mặt chồng, bởi dù sao, Tết cũng đang đến gần và hai đứa con tôi không muốn có một cái Tết buồn bã vì gia đình ly tán.

Theo Eva


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.