Chồng giận dỗi vì nghĩ tôi kỳ thị mẹ chồng bệnh tật

Khi nhìn thấy mâm cơm được chia riêng thức ăn cho mẹ, chồng tôi tỏ ra khó chịu. Trước mặt cả nhà, anh tuyên bố cứ ăn chung như bình thường, không riêng rẽ gì cả.

Vợ chồng tôi năm nay 40 tuổi, sau nhiều năm đi làm thuê, vừa rồi quyết định ra làm ăn riêng. Giai đoạn khởi nghiệp, có nhiều việc phải lo, đi sớm về muộn nên tôi bàn với chồng nhờ bà nội ra hỗ trợ một thời gian đưa đón hai cháu đi học.

Tuy mẹ chồng - nàng dâu không sống chung, mỗi dịp lễ Tết về quê, tôi nhận thấy mẹ chồng là người xuề xòa, dễ sống. Tính bà nhanh nhẹn, tháo vát. Từ hôm có bà, tôi đỡ bận bịu hẳn. Bà biết đi xe máy nên có thể đưa đón hai đứa đi học, đi chợ giúp tôi và lo việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.

Đợt vừa rồi, mẹ chồng tôi luôn than hay đau bụng, ăn không tiêu, người lúc nào cũng cảm thấy khó chịu. Chồng tôi đưa bà đi khám ở một bệnh viện lớn, kết quả là bà bị viêm loét dạ dày. Bác sĩ kê đơn, dặn bà về uống thuốc, ăn uống, kiêng khem nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị.

Chồng giận dỗi vì nghĩ tôi kỳ thị mẹ chồng bệnh tật-1

Mẹ chồng và chồng trở nên khó chịu, lạnh nhạt chỉ vì tôi muốn giữ an toàn cho cả gia đình (Ảnh minh họa: iStock).

Khi biết bà bị nhiễm khuẩn HP, đến bữa cơm, tôi quyết định chia thức ăn riêng và nước mắm ra bát riêng cho bà. Tôi từng nghe bác sĩ nói, đây là loại vi khuẩn có khả năng sống trong môi trường axit của dạ dày, gây viêm loét dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Vi khuẩn này chủ yếu lây qua con đường tiêu hóa, nhất là ăn chung, uống chung.

Con gái lớn của tôi hồi 5 tuổi cũng hay kêu đau bụng, đi khám nội soi dạ dày cho kết quả viêm dạ dày do nhiễm khuẩn HP, điều trị hai đợt kháng sinh mới khỏi. Cu nhỏ nhà tôi mới 4 tuổi, tôi không muốn con phải dùng kháng sinh kéo dài như chị trước đây.

Thế nhưng, khi nhìn thấy mâm cơm được chia riêng thức ăn cho bà, chồng tôi tỏ ra khó chịu. Trước mặt cả nhà, anh tuyên bố cứ ăn chung như bình thường, không riêng rẽ gì cả. Anh còn bảo, có khi cả tôi cả anh cũng bị nhiễm vi khuẩn này rồi.

Mẹ chồng thấy thế cũng bảo: "Thôi, để mẹ ăn riêng kẻo lây bệnh cho các con các cháu" với giọng giận dỗi rồi bê bát ra ngồi ăn riêng một góc. Tôi cố giải thích tôi chỉ muốn giữ an toàn cho bọn nhỏ nhưng chồng tôi lại cho rằng, tôi kỳ thị khi thấy mẹ chồng bệnh tật. Bữa cơm trở nên ngột ngạt, căng thẳng. Mẹ chồng chỉ ăn vài đũa rồi thôi.

Tối đó, chồng kéo tôi ra ngoài, chỉ trích tôi không tiếc lời. Anh nói, trong lúc mẹ bệnh tật, tôi lại có thái độ như vậy thật quá đáng. Anh hỏi tôi có kiêng được cả đời không? Tôi đi ăn quán, ăn cỗ, ăn tiệc có ăn riêng một mình được không? Con đi học ăn bán trú ở trường có tránh được không? Bao nhiêu nguồn lây tôi có biết để tránh được hết không mà lại làm thế với mẹ chồng?

Tôi biết anh nói không sai, nhưng cũng chẳng đúng. Đành rằng mình không biết thì thôi, biết rồi thì nên tránh. Vả lại như anh nói, nếu tôi và anh cũng nhiễm bệnh, bà có điều trị mà ăn chung với chúng tôi thì cũng khỏi bệnh làm sao được.

Anh quên rằng hồi con mình bị bệnh, chính anh là người bảo tôi mua khay đồ ăn, mua cốc riêng cho con để con ăn uống riêng, kẻo sợ bố mẹ cũng bị mà không biết. Giờ anh lại nói trẻ con thế nào cũng được, người già cả nghĩ, làm vậy sẽ khiến bà tủi thân.

Mấy hôm nay, cứ đến bữa ăn, chồng tôi lại chia riêng thức ăn, anh với bà ăn riêng một mâm, để 3 mẹ con tôi ăn riêng một mâm. Nhìn cảnh ấy, quả thật tôi có chút buồn. Mẹ chồng từ hôm đó cũng có thái độ lạnh nhạt với tôi, không còn nói cười vui vẻ như trước.

Chẳng lẽ, tôi muốn giữ an toàn cho con mình là sai sao?

 

 

Theo dân tri '

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/chong-gian-doi-vi-nghi-toi-ky-thi-me-chong-benh-tat-20240405102455390.htm

mẹ chồng nàng dâu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.