Kỳ tài Tam Quốc khiến Gia Cát Lượng "phục sát đất"

Bậc anh tài này chính là người đã khiến Khổng Minh tiên sinh Gia Cát Lượng phải tự nhận bản thân "mãi mãi thua kém".

Bậc anh tài này chính là người đã khiến Khổng Minh tiên sinh Gia Cát Lượng phải tự nhận bản thân "mãi mãi thua kém".

Vào thời Tam Quốc loạn thế, Gia Cát Lượng đã trở thành cái tên "danh chấn thiên hạ" với tài năng được ngàn người ngưỡng mộ.

Để tán dương về tài năng của Khổng Minh và mưu sĩ cùng thời là Bàng Thống, ẩn sĩ Tam Quốc Tư Mã Huy từng nói: "Ngọa Long (Gia Cát Lượng), Phượng Sồ (Bàng Thống), được một trong hai người, có thể an định thiên hạ."

Vậy nhưng, vị Ngọa Long tiên sinh ấy cả đời vẫn phải "phục sát đất" một người. Đó chính là danh sĩ Lưu Ba.

Sinh thời, Khổng Minh từng dùng đủ mọi cách để "chiêu hiền đãi sĩ", thu phục Lưu Ba về làm quan dưới trướng quân chủ Lưu Bị. Thậm chí, người cao minh như ông còn thẳng thắn thừa nhận: "Luận về mưu lược, cả đời ta vĩnh viễn không bằng Tử Triệt (tức Lưu Ba)."

Cao nhân lắm tài nhiều tật

Lưu Ba tự là Tử Triệt (có tài liệu viết là Tử Sơ), sinh ra tại nam quận Linh Lăng, thuộc Kinh Châu thời bấy giờ. Lưu vốn xuất thân trong một gia đình nhiều đời làm quan lại.

Ông nội của Lưu Ba là Lưu Diệu, từng làm quan tới chức Thái thú Thương Ngô. Phụ thân Lưu Tường cũng từng đảm nhiệm chức Thái thú Giang Hạ, Tướng quân Đãng Khấu.

Lưu Ba từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, nhưng lại kiêu ngạo, hay khinh thường người khác. Bởi vậy, ngay cả khi cùng mang họ Lưu, nhưng Lưu Ba vẫn luôn coi rẻ Lưu Bị vì xuất thân làm nghề bán giày dép.

Kỳ tài Tam Quốc khiến Gia Cát Lượng phục sát đất - Ảnh 1.

Sở hữu tài năng xuất chúng nhưng tính cách của Lưu Ba lại giống như một con ngựa bất kham. (Tranh: nguồn Baike).

Nổi tiếng là người "học rộng tài cao", năm 18 tuổi, Lưu Ba đã làm quan tới chức Chủ Bộ ở Kinh Châu. Trong khi đó, Lưu Bị lúc bấy giờ chưa làm nên đại nghiệp, phải về nơi đây nương nhờ Lưu Biểu.

Từ lâu đã mến mộ tài năng của người họ Lưu này, Lưu Bị liền bảo cháu họ bái Lưu Ba làm thầy. Lưu Ba lạnh nhạt từ chối: "Về học vấn, ta chẳng đáng nhắc tới. Ngài cho cháu bái ta làm thầy, ta chỉ sợ làm trễ nải việc học của nó. Ngài vẫn nên tìm cao nhân khác đi."

Điều này khẳng định Lưu Ba từ sớm đã không vừa mắt Lưu Bị.

Sau khi Lưu Bị thua quân Tào Ngụy ở dốc Trường Bản vào đêm trước đại chiến Xích Bích, quân dân Kinh Châu phần lớn đều theo ông chạy trốn. Chỉ có Lưu Ba là ngược lên mạn phía Bắc để đầu quân cho Tào.

Hành động trên đủ để chứng minh Lưu Ba không phục Lưu Bị. Vậy nhưng, càng bị cự tuyệt bao nhiêu, Lưu Bị càng muốn có được tài năng của "con ngựa bất kham" này.

Tuy nhiên, Lưu Ba chỉ được Tào Tháo trọng dụng trong thời gian ngắn ngủi. Khi đại chiến Xích Bích kết thúc, quân Tào thua cuộc, Lưu Bị đoạt lại Trường Sa, Linh Lăng, Lưu Ba lại vất vả chạy trốn xuống Giao Chỉ.

Trước khi Lưu Ba chạy trốn, Gia Cát Lượng từng viết thư "cầu hiền", khuyên ông quy thuận Lưu Bị. Nhưng Lưu Ba từ chối với lý do: "Vâng mệnh mà đến, liệu có còn mạng?"

Cơ trí khiến Khổng Minh phải bội phục

Luận về cơ trí, Lưu Ba quả thật không hổ danh là một mưu sĩ khiến cho Gia Cát Lượng "ngả mũ bái phục".

Khi chạy trốn tới đất Giao Chỉ, Lưu Ba đổi thành họ Trương. Sau một hồi lưu lạc, ông gặp được Lưu Chương tại Ích Châu, được Chương trọng dụng. Lưu Chương từ lâu đã muốn thân Tào, từng cử thuộc cấp là Trương Tùng tới bày tỏ thành ý với Tào Tháo nhưng không thành.

Đứng trước thái độ lạnh nhạt của Tào Tháo, Trương Tùng khuyên Lưu Chương thu nhận tập đoàn Lưu Bị để chống Tào. Lưu Chương vốn là kẻ vô năng, liền nghe theo. Lúc bấy giờ, chỉ có Lưu Ba là nhìn ra tình thế, liền khuyên ngăn Lưu Chương không thu nạp Lưu Bị. Ông giải thích:

"Lưu Bị là kẻ hùng tài đại lược, thu về sẽ là mối họa, không thể giữ lại!" Nhưng Lưu Chương vẫn quyết định thu nạp Lưu Bị. Lưu Ba tiếp tục can ngăn: "Để Lưu Bị thảo phạt Trương Lỗ, chẳng khác nào thả hổ về rừng". Lưu Chương vẫn không nghe, Ba liền lấy lý do cáo bệnh mà lui về.

Kỳ tài Tam Quốc khiến Gia Cát Lượng phục sát đất - Ảnh 2.

Mưu sĩ hàng đầu Tam Quốc như Ngọa Long tiên sinh cũng phải "ngã mũ bái phục" trước cơ trí của Lưu Ba.

Quả nhiên sau này, Lưu Bị chiếm được Ích Châu, bắt sống được Lưu Ba. Tới nước này, Lưu Ba bất đắc dĩ phải đầu quân cho nhà Thục Hán, được phong làm Tây Tào Duyện (quản lý việc phân công quan lại trong phủ tướng quân).

Nhân tài về tay, không chỉ Lưu Bị cao hứng, mà Gia Cát Lượng cũng rất đỗi vui mừng. Từ đây, gánh nặng công việc của Khổng Minh được giảm nhẹ rất nhiều.

Sau khi Lưu Bị lên làm Hán Trung vương, Lưu Ba được phong làm Thượng thư. Tới lúc Pháp Chính qua đời, ông lại được tấn thăng làm Thượng thư lệnh, thay thế vị trí của Phượng Sồ, phụ trách việc chính vụ hằng ngày.

Mối "nghiệt duyên" với nhà Thục Hán

Lưu Ba bản tính cao ngạo, từng có không ít xích mích với Trương Phi. Gia Cát Lượng nhiều lần khuyên ông tiết chế cảm xúc của mình, nhưng Lưu Ba đều bỏ ngoài tai.

Lưu Bị vốn là người nặng tình nặng nghĩa, thấy huynh đệ kết nghĩa của mình bị "thuộc hạ" như Ba coi thường thì lấy làm bất mãn, liền nói với Khổng Minh: "Lưu Ba này tài trí hơn người. Nếu không tìm được người thay thế thì dùng, nếu đã tìm được thì không cần nữa!"

Lúc bấy giờ, Gia Cát Lượng liền thừa nhận: "Về mưu lược, thần vĩnh viễn không bằng Tử Triệt". Lưu Bị nghe xong, biết là khó tìm được người tài hơn Lưu Ba, mới mắt nhắm mắt mở bỏ qua thái độ cao ngạo của vị quan này.

Kỳ tài Tam Quốc khiến Gia Cát Lượng phục sát đất - Ảnh 3.

"Ghét của nào trời trao của nấy" là câu nói ứng nghiệm lên Lưu Ba, khi ông không phục Lưu Bị, nhưng vẫn phải làm việc dưới trướng vị quân chủ này. (Tranh minh họa).

Sử cũ đánh giá: Lưu Ba là người thanh liêm, không thích kết giao với nhiều người, chỉ coi trọng công việc. Khi Lưu Bị đăng cơ, rất nhiều văn cáo sách mệnh đều là bút tích của vị trọng thần này.

Công lao lớn nhất của Lưu Ba với nhà Thục Hán phải kế tới kế sách "cứu trợ" quốc khố giúp Lưu Bị. Sau khi Lưu Bị chiếm được Ích Châu, quốc khố trống rỗng. Lưu Ba liền hiến kế: "Việc này đơn giản, đúc tiền lưu hành đồng bộ, thống nhất vật giá, thi hành chế độ mua bán công khai!"

Chỉ vài tháng sau đó, quốc khố đã đầy ắp, Lưu Bị cũng vì vậy mà càng thêm quý trọng vị hiền tài này. Tiếc thay nhân tài đoản mệnh, năm thứ 2 Lưu Bị xưng đế, Lưu Ba qua đời vì bạo bệnh khi mới 39 tuổi.

Trùng hợp thay, 2 năm sau khi Lưu Ba qua đời, Lưu Bị cũng bại trận ở Bạch Đế Thành rồi "cưỡi hạc quy tiên" không lâu sau đó.

Bình luận về mối quan hệ của hai nhân vật lịch sử này, các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng:" duyên" của Lưu Ba và Lưu Bị giống như ý trời, chỉ tiếc rằng đó là "nghiệt duyên".

theo Trí Thức Trẻ


Tam Quốc

Gia Cát Lượng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.