Bi kịch của "học bá" tương lai xán lạn nhưng phải tự kết liễu cuộc đời: Bị chính mẹ mình ép vào đường cùng

Vốn có thể có một tương lai tốt đẹp, nhưng cô gái đáng thương này lại lựa chọn ra đi mãi mãi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Con gái hỏi về lựa chọn tương lai, người cha trả lời một câu đã khiến cuộc đời con thay đổi hoàn toàn 
Dương Nguyên Nguyên sinh năm 1979 trong một gia đình lao động ở Nghi Xương, Hồ Bắc, Trung Quốc. Cô là một “học bá” tốt nghiệp trường danh tiếng, nhưng cuộc đời lại kết thúc trong bi kịch gây nhiều thương tiếc.

Dương Nguyên Nguyên có cha là một kỹ sư, mẹ làm nội trợ. Vào thời điểm đó, với mức lương của cha, gia đình cô sống khá sung túc đầy đủ. Khi còn nhỏ, Dương Viên Viên rất được cha cưng chiều, thường xuyên mua cho cô những bộ quần áo đẹp. Trong mắt bạn bè, cô giống như một cô công chúa nhỏ xinh xắn.

Khi Dương Nguyên Nguyên lên 6 tuổi, cha cô đột ngột qua đời vì bạo bệnh, để lại 2 con thơ và người vợ góa không có việc làm. Mẹ cô phải ra ngoài làm lao động chân tay vô cùng vất vả, tình cảnh gia đình sa sút nghiêm trọng. Dù vẫn cố gắng hết sức để nuôi 2 con nhưng vì cuộc sống quá vất vả, bà trở thành một con người tiêu cực độc đoán, cả ngày than vãn không ngớt và thậm chí oán hận con gái vì cho rằng vì phải nuôi cô mà mình phải chịu cuộc sống tồi tệ.

Bi kịch của học bá tương lai xán lạn nhưng phải tự kết liễu cuộc đời: Bị chính mẹ mình ép vào đường cùng-1
Dương Nguyên Nguyên

Do khao khát được thay đổi cuộc đời, hai chị em Dương Nguyên Nguyên từ nhỏ đã rất chăm chỉ học tập, luôn ở top đầu lớp. Năm 1998, Dương Nguyên Nguyên được nhận vào Đại học Vũ Hán - ngôi trường danh tiếng nhất tỉnh với số điểm xuất sắc.

Trong thời gian học đại học, nữ “học bá” vẫn không ngừng học tập chăm chỉ. Cô vốn nghĩ rằng tốt nghiệp đại học xong mình có thể tìm được một công việc tốt, sẽ thoát ra khỏi được cảnh nghèo khó. Thế nhưng một biến cố xảy ra đã thay đổi tất cả.

Tương lai tươi sáng bị người mẹ hủy hoại hoàn toàn

Khi Dương Nguyên Nguyên học năm cuối, em trai cô cũng trúng tuyển vào Đại học Vũ Hán. Lúc này, nhà máy nơi người mẹ đang làm việc đột ngột phải chuyển địa điểm và không còn cung cấp chỗ ở cho công nhân. Vì tiếc tiền thuê nhà, bà bỏ việc và đưa ra một lựa chọn kỳ lạ: chuyển đến ký túc xá của con gái sống chung.

Trong thời gian này, những sinh viên ở chung ký túc xá với Dương Nguyên Nguyên đã nhiều lần phàn nàn với văn phòng quản lý ký túc xá yêu cầu mẹ cô chuyển ra khỏi trường. Ban giám hiệu nhà trường đã nhẹ nhàng yêu cầu người mẹ rời khỏi, nhưng bà hoàn toàn không quan tâm, thậm chí ngồi khóc “ăn vạ” trong hành lang. Điều này khiến Dương Nguyên Nguyên mất mặt trước các bạn học và giáo viên, khiến tính cách của cô vốn khép kín càng trở nên hướng nội hơn trước. Sau đó, do đuổi cũng không đi, bà vẫn sống cùng con gái trong ký túc xá của Đại học Vũ Hán cho đến khi tốt nghiệp.

Nhờ thành tích tốt, sau khi ra trường Dương Nguyên Nguyên được nhận vào học thạc sĩ tại Trường Luật Đại học Bắc Kinh. Khi đó em trai của Dương Nguyên Nguyên vẫn đang đi học. Sau khi tốt nghiệp, cô không chỉ phải lo cho cuộc sống của mẹ mà còn phải chịu gánh nặng về em trai mình. Trong cơn tuyệt vọng, cô không còn cách nào khác đành từ bỏ cơ hội lớn này và chọn đi làm kiếm tiền.

Bi kịch của học bá tương lai xán lạn nhưng phải tự kết liễu cuộc đời: Bị chính mẹ mình ép vào đường cùng-2
Mẹ con Dương Nguyên Nguyên

Cô được mời về quê làm công chức ở huyện. Đây là công việc này tương đối ổn định, nhưng mẹ cô phản đối vì bà không muốn trở về quê hương. Không chịu nổi áp lực của mẹ, Dương Nguyên Nguyên lại phải từ bỏ tương lai xán lạn này.

Sau đó, cô tiếp tục nhận được rất nhiều lời mời làm việc tốt, nhưng đều có điểm chung là phải rời đến tỉnh khác. Tất cả đều bị mẹ cô phản đối vì bà không muốn đi xa, khăng khăng ngăn cản con gái mình rời Vũ Hán.

Vốn dĩ có thừa khả năng có được tương lai tốt đẹp, nhưng vì một người mẹ như vậy, Dương Nguyên Nguyên từng chút từng chút mất niềm tin vào cuộc sống. Không có việc phù hợp ở Vũ Hán, cô phải đi làm gia sư dạy thêm để nuôi mẹ và em. Mức lương không đủ tiêu, lại càng không đủ trả nợ tiền học hồi sinh viên.

Đến lúc không thể chịu đựng được nữa, Dương Nguyên Nguyên mới dám phản kháng, đòi đến tỉnh khác tìm cơ hội phát triển. Người mẹ ích kỷ cuối cùng cũng đồng ý, nhưng với điều kiện là cô phải đến nơi duy nhất mà bà thích là Thượng Hải.

Khi người mẹ đẩy con mình vào đường cùng

Năm 2009, Dương Nguyên Nguyên đưa mẹ lên tàu đến Thượng Hải để thi tuyển sinh sau đại học. Vẫn như lần trước, mẹ cô nhất quyết muốn sống trong ký túc xá của trường mặc cho người quản lý ký túc xá ra sức ngăn cản.

Tuy nhiên, những người bạn cùng phòng lần này khác với những người bạn cùng phòng ở Đại học Vũ Hán. Khi mẹ của Nguyên Nguyên chuyển đến ký túc xá, họ đều tỏ thái độ chán ghét cực độ. Chỉ trong vài ngày, họ đã nảy sinh mâu thuẫn với cô.

Bi kịch của học bá tương lai xán lạn nhưng phải tự kết liễu cuộc đời: Bị chính mẹ mình ép vào đường cùng-3
Dương Nguyên Nguyên học giỏi nhưng không thoát khỏi sự thao túng của mẹ

Được ban giám hiệu nhà trường đứng ra hòa giải, người mẹ vẫn kiên quyết sống trong ký túc xá của trường cùng con gái và giở trò khóc lóc, quậy phá rồi đòi treo cổ tự tử để được ở lại. Hành động lần này của mẹ làm Dương Nguyên Nguyên tổn thương cùng cực, khiến cô không thể ngẩng cao đầu trước các bạn cùng lớp, bị cả trường tẩy chay. Một số bạn học thậm chí còn dán áp phích lớn trong ký túc xá, ghi rằng Dương Nguyên Nguyên là một sinh viên nghèo đến từ vùng quê và còn đưa một người mẹ già đến trường cùng mình làm ảnh hưởng không gian sống của mọi người.

May mắn thay, một trong những giáo viên của Dương Nguyên Nguyên đã cảm thương trước hoàn cảnh của cô và tìm giúp một ngôi nhà giá rẻ bên ngoài để cô dọn ra sống riêng với mẹ. Vì giá thuê rẻ, ngôi nhà khá xập xệ và thiếu tiện nghi. Người mẹ tiếp tục phàn nàn cả ngày rằng con gái bất tài, kém cỏi, để mẹ già sống trong một ngôi nhà như vậy.

Vào một buổi sáng như thường lệ, Dương Nguyên Nguyên dậy sớm đến ký túc xá dọn đồ còn để lại của mình, nhưng sau đó vĩnh viễn không trở về. Mãi một lúc sau mọi người mới phát hiện cô đã treo cổ tự tử trong phòng tắm của ký túc xá trường.

Bi kịch của học bá tương lai xán lạn nhưng phải tự kết liễu cuộc đời: Bị chính mẹ mình ép vào đường cùng-4Bi kịch của học bá tương lai xán lạn nhưng phải tự kết liễu cuộc đời: Bị chính mẹ mình ép vào đường cùng-5

Hiện trường nơi cô gái trẻ tự vẫn

Sau khi Dương Nguyên Nguyên tự tử, mẹ cô thay vì đau buồn và tự vấn bản thân thì lại cùng người thân đi rải đơn, treo những tấm áp phích cỡ lớn ở cổng trường yêu cầu nhà trường phải bồi thường cho bà 350.000 NDT (khoảng 1,1 tỷ VNĐ), trong đó 50.000 NDT để bồi thường tinh thần, và 300.000 NDT để bà mua nhà.

Sau tất cả, người mẹ dường như không coi Dương Nguyên Nguyên là con gái mình mà là đối tượng để bà không ngừng đòi hỏi, cho đến khi chết cũng không quên vắt kiệt chút giá trị cuối cùng của cô.

Bi kịch của học bá tương lai xán lạn nhưng phải tự kết liễu cuộc đời: Bị chính mẹ mình ép vào đường cùng-6
Mẹ Dương Nguyên Nguyên vẫn đi kiện để đòi bồi thường sau cái chết của con gái

Mặc dù Dương Nguyên Nguyên xuất thân từ một gia đình nghèo khó, nhưng cô đã thi đỗ vào một trường đại học trọng điểm nhờ nỗ lực của bản thân và có thể có một tương lai tươi sáng. Nhưng vì sự ích kỷ và tham lam cùng cực của người mẹ, Dương Nguyên Nguyên đã phải chịu cả một đời đau đớn, bức bối và chỉ có cách giải thoát là kết thúc cuộc đời mình khi còn trẻ. Nếu cô phản kháng sớm hơn và đủ dũng khí thoát khỏi xiềng xích của mẹ mình, mọi chuyện có thể đã khác.

Nguồn: Toutiao

Theo Phụ nữ Thủ đô 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuso.baophunuthudo.vn/bi-kich-cua-hoc-ba-tuong-lai-xan-lan-nhung-phai-tu-ket-lieu-cuoc-doi-bi-chinh-me-minh-ep-vao-duong-cung-193230808145456147.htm

bi kịch


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.