Chủ cửa hàng rút súng, nạn nhân của bão Haiyan vẫn hôi của

Một chủ cửa hàng thịt tại Philippines rút súng ngắn để dọa khi những người hôi của xuất hiện. Bất chấp hành động đó, đám đông vẫn xông vào và ông chỉ biết gào thét trong cơn tuyệt vọng.

Một chủ cửa hàng thịt tại Philippines rút súng ngắn để dọa khi những người hôi của xuất hiện. Bất chấp hành động đó, đám đông vẫn xông vào và ông chỉ biết gào thét trong cơn tuyệt vọng.

Bất chấp việc chính phủ điều động binh sĩ, cảnh sát và cả xe bọc thép để ngăn chặn nạn hôi của, cướp bóc ở thành phố Tacloban, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi siêu bão Haiyan, tình hình dường như vẫn trở nên tồi tệ hơn. Vì đói, những người sống sót sau bão trở nên manh động hơn.


Người dân trèo lên nhà kho ở tầng hai của một tòa nhà tại thành phố Tacloban hôm 11/11 để hôi của. Ảnh: Reuters.

Một chủ cửa hàng thịt kể rằng ông đã chuẩn bị khẩu súng ngắn để phòng trường hợp những người đói sẽ tấn công cửa hàng. Khi một đám đông tiến về phía cửa hàng, ông rút súng ra và dọa. Nhưng họ phớt lờ khẩu súng và xông vào cửa hàng, Inquirer đưa tin.

"Không dám bắn họ nên tôi chỉ có thể vung vẩy khẩu súng, gào thét và nhìn họ cướp thịt. Cuối cùng tôi rời khỏi cửa hàng để không phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng", người bán thịt nói.

Ở cửa hàng bánh ngọt gần đó, bà chủ Emma Bermejo nói rằng nạn cướp bóc đang lan rộng bởi tình trạng vô chính phủ.

"Chẳng cảnh sát hay binh sĩ nào xuất hiện trên đường phố, còn hàng cứu trợ chưa tới. Người dân đói, khát và bẩn thỉu. Tôi sợ rằng vài ngày nữa họ sẽ giết lẫn nhau để tồn tại", Emma bình luận.
 

Hàng trăm người chờ bên dưới để nhận "chiến lợi phẩm" mà những người ở nhà kho
trên tầng hai ném xuống tại thành phố Tacloban. Ảnh: Reuters.

Emma cảm thấy xấu hổ và giận dữ vì hành vi cướp bóc của những người xung quanh bà.

"Thiên tai giáng xuống thành phố và chúng tôi mất hết cơ nghiệp bởi những kẻ hôi của. Tôi có thể hiểu nếu họ cướp thực phẩm và nước. Nhưng tại sao họ lại lấy cả tivi và máy giặt chứ?", bà đặt câu hỏi.

Richard Gordon, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Philippines, nói rằng một số người hôi của là phần tử bất hảo.

"Họ đã cướp một đoàn xe tải chở hàng cứu trợ của chúng tôi gần thành phố Tacloban", ông kể.
 


Người chủ cửa hàng rút súng để dọa đám người hôi của ở thành phố Tacloban, nhưng họ vẫn xông lên. Ảnh: AP.

Nạn cướp bóc hoành hành ở Tacloban do lực lượng an ninh quá mỏng. Thành phố có 390 cảnh sát, song chỉ 20 người đi làm sau bão, bởi phần lớn cảnh sát phải ở nhà để chăm sóc gia đình của họ. Một cảnh sát thấy hàng chục người xông vào một cửa hàng tạp hóa để cướp, nhưng anh không thể ngăn chặn vụ cướp bởi số người trong đám đông quá lớn và họ đang phát cuồng vì đói.

Leo Ramos, một cảnh sát khác, kể với kênh truyền hình ABS-CBN rằng anh đã bắn chỉ thiên để cảnh cáo một đám người khi họ xông vào một siêu thị để cướp. Nhưng họ phớt lờ tiếng nổ và vẫn tiếp tục hôi của.

Hôm nay bà Lina Sarmiento, chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh sau bão Haiyan, đã ra lệnh thành lập một sở chỉ huy ở thành phố Tacloban để ngăn chặn nạn cướp bóc.

"Nhiều người dân nói với chúng tôi rằng nạn hôi của có tổ chức đã bắt đầu xuất hiện", bà nói.

Bất chấp sự giận dữ của các chủ cửa hàng và các biện pháp của cảnh sát, nhiều người vẫn hôi của và cướp bóc để tồn tại.

"Chúng tôi không muốn lấy tài sản của người khác, song giờ đây ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sống sót trong những ngày tới", một người đàn ông nói sau khi cướp một cửa hàng tạp hóa.

Với những người không có "gan" để cướp của, chờ đợi và cầu xin sự giúp đỡ từ bên ngoài là cách duy nhất.

"Tôi không còn nhà nhà, cũng chẳng có quần áo. Tôi chẳng biết làm gì để gây dựng lại cuộc sống. Giờ đây chúng tôi chỉ có thể cầu xin và chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Hỡi những người có lương tâm, hãy giúp đỡ chúng tôi", một phụ nữ vừa khóc vừa nói với phóng viên của AP.



Theo Quỳnh Trang (Zing.vn/Tri thức)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.