Vào Tết Trung thu, người dân Sri Lanka tới
chùa cầu nguyện, dân Triều Tiên tới nghĩa trang để thắp hương cho người
thân quá cố, trong khi đây là ngày hội lớn của trẻ em Việt Nam.
|
Tết Trung Thu hay còn gọi là
Chuseok tại Hàn Quốc là một lễ hội thu hoạch lớn và thường được tổ chức
từ những đêm trước ngày rằm và chỉ kết thúc sau ngày 15/8 âm lịch. Người
Hàn Quốc sử dụng các sản phẩm mới thu hoạch như thịt, cá, các loại rau,
hoa quả, bánh gạo... để chế biến nhiều món ăn kính dâng lên tổ tiên.
Bánh songpyeon là món không thể thiếu trong ngày lễ Chuseok. Nó thể hiện
sự sum vầy, yêu thương, gắn bó giữa các thành viên trong gia
đình. Ảnh: IC |
|
Một tín đồ Phật giáo tại Sri
Lanka cầu nguyện tại một ngôi chùa ở thành phố Palmadulla hôm 31/8/2012.
Đảo quốc 19 triệu dân thường tổ chức “Tết trăng tròn” vào ngày rằm hàng
tháng. Người dân sẽ tới các ngôi chùa để nghe giảng đạo và cầu nguyện
vào ngày Trung thu, vốn được coi là quốc lễ tại Sri Lanka. Ảnh: IC |
|
Tết Trung thu là một trong
những ngày lễ quan trọng nhất tại Trung Quốc, đánh dấu mùa thu hoạch kết
thúc. Theo truyền thống, các thành viên trong gia đình và bạn bè sẽ
cùng nhau ngắm trăng và “phá cỗ”. Nhiều hoạt động cũng diễn ra trong dịp
này như thả đèn lồng, trả lời câu đố, thưởng thức rượu vang hay xem
thủy triều ở các khu vực ven biển. Ảnh: IC |
|
Người gốc Hoa tại Singapore tổ
chức lễ Trung thu với nhiều hoạt động như xem múa rồng, du lịch vườn,
thả đèn hoa đăng, thưởng thức bánh Trung thu cùng gia đình, bạn bè.
Người dân hòa vào không khí náo nhiệt tại nhiều con phố tràn ngập lồng
đèn. Ảnh: IC |
|
Trung thu tại Malaysia diễn ra
rộn ràng với nhiều hoạt động như ngắm trăng, thưởng thức bánh Trung
thu, rước đèn lồng và kiệu hoa mô hình chị Hằng, tiên nữ. Ảnh: IC |
|
Trung thu hay Chuseok là một
trong số những lẽ hội truyền thống quan trọng nhất ở Triều Tiên. Vào dịp
này, các gia đình nấu bánh songpyeon và cùng thưởng thức. Người dân
cũng thường tới nghĩa trang để thắp hương những người thân quá cố. Ảnh: IC |
|
Tết Trung thu thực sự là một
ngày hội của trẻ em Việt Nam. Các em sẽ tham gia nhiều hoạt động như
rước đèn, ca hát, cùng nhau "phá cỗ" và đón chị Hằng. Không khí Trung
thu tại các con phố luôn nhộn nhịp với lồng đèn muôn hình vạn trạng và
đủ màu sắc. Ảnh: Vietnamtourism |
|
Ở Nhật Bản, người dân gọi Tết
Trung thu là Tsukimi hoặc Otsukimi (có nghĩa là “ngắm trăng”). Truyền
thuyết về dịp lễ này tại đất nước mặt trời mọc gắn với hình ảnh Thỏ
Ngọc. Người dân thường ăn bánh bao Tsukimi dango (bánh mặt trăng). Mọi
người sẽ mặc trang phục truyền thống để tới Chùa lễ Phật. Ảnh: IC |
|
Người dân Campuchia tổ chức lễ hội “bái nguyệt” vào ngày
15 của tháng 7 và 8 hàng năm, khi trăng lưỡi liềm xuất hiện. Họ chuẩn bị
lễ vật gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt và nước mía từ sáng sớm. Vào buổi
tối, khi mặt trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm bái
nguyệt. Sau nghi lễ, người lớn sẽ đút gạo dẹt vào miệng trẻ con cho tới
khi không nhét được thêm nữa mới thôi. Ý nghĩa của tục tục lệ này là cầu
viên mãn và những điều tốt đẹp. Ảnh: Blogspot
|
|
Người dân Thái Lan gọi Tết
Trung thu là “lễ hội trăng”. Tất cả mọi người từ già đến trẻ, con trai
hay con gái đều tham gia vào các nghi thức thờ cúng mặt trăng. Họ sẽ
cùng cầu phước cho nhau trước bàn thờ Phật Bà Quan Âm và 8 vị thần bất
tử của Đạo giáo trong truyền thuyết Trung Quốc. Những trái đào và bánh
trung thu là những lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ vào dịp này. Ảnh:
Blogspot |
Theo Hải Anh
Zing