Nhảy xuống đường tàu để kết liễu cuộc đời, vì sao nhiều người Nhật lại chọn cách tự sát đau đớn như vậy?

Nhiều người Nhật Bản đã tự tử bằng cách nhảy xuống đường ray ngay trước đầu tàu đang lao tới.

Có một sự thật không thể phủ nhận rằng Nhật Bản có tỷ lệ tự tử cao. Dù đây không phải con số cao nhất thế giới nhưng thực tế cho thấy nhiều người dân nước này đã tự giải thoát khỏi bế tắc bằng cách tiêu cực nhất là tìm đến cái chết. Và rất nhiều trong số đó chọn “ga tàu điện” là nơi kết thúc cuộc đời.

Nếu theo dõi tin tức thường xuyên ở Nhật Bản, người ta sẽ không khó để bắt gặp những mẩu tin như thế này:

"Vào lúc 5h15', một người đàn ông 51 tuổi ở tỉnh Ibaraki đã tử vong sau khi bị tàu hỏa đâm tại ga Tokyo thuộc quận Chiyoda, Tokyo. Một nhân viên nhà ga và vài hành khách đã nhìn thấy người đàn ông nhảy từ sân ga xuống đường ray. Mặc dù không tìm thấy thư tuyệt mệnh nhưng người đàn ông này có tiền sử cố gắng tự tử".

"Vào lúc 17h55' chiều, một người đàn ông 65 tuổi đã bị tàu hỏa cán tử vong sau khi đi vào ngã tư đường sắt Keisei Line ở quận Katsushika, Tokyo. Người đàn ông này không có việc làm, hưởng trợ cấp xã hội và sống trong một căn nhà trọ rẻ tiền ở quận Sanya, Tokyo. Theo bạn bè, sức khỏe của người đàn ông ngày càng xấu đi.

"Vào lúc 18h09', một phụ nữ được cho là người nước ngoài đã bị tàu cán tử vong ở thành phố Saitama. Người này ở lại Nhật Bản để chuẩn bị chăm sóc đứa cháu sắp chào đời. Bà để lại một bức thư tuyệt mệnh có dòng chữ: 'Tôi đã rất căng thẳng vì sự khác biệt về ngôn ngữ và lối sống'".

"Vào lúc 7h25' tối, một dược sĩ đã nhảy về phía một con tàu đang tới sân ga trên Tuyến Tokyu ở Yamato, tỉnh Kanagawa. Những đồ vật bên trong chiếc túi đeo vai mà anh mang theo nằm rải rác khắp hiện trường, trong đó có một tờ giấy ghi nội dung 'Tôi xin lỗi'".

Điều gì khiến cho nhiều người ở Nhật chọn cách lao vào đầu tàu tự tử?
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Khủng hoảng kinh tế, công việc căng thẳng cao độ, mất danh dự hoặc bị tổn hại về tinh thần, lòng tự ái, sự kỳ thị xung quanh bệnh tâm thần và sức khỏe sa sút đều được coi là những yếu tố khiến người Nhật tìm đến cái chết. Thực tế là, không có sự cấm đoán nào về mặt pháp lý hoặc tôn giáo, đã góp phần vào việc chấp nhận văn hóa tự tử của người Nhật.

Nhảy xuống đường tàu để kết liễu cuộc đời, vì sao nhiều người Nhật lại chọn cách tự sát đau đớn như vậy?-1Ảnh minh họa.

Theo tờ New York Times, năm 2008, gần 2.000 người Nhật Bản đã tự tử bằng cách nhảy xuống đường ray ngay trước đầu tàu. Con số này chiếm khoảng 6% số vụ tự tử trên toàn Nhật Bản.

Với lịch sử lâu đời coi tự sát là một cách chết danh dự - gắn liền với các khía cạnh văn hóa của "thể diện", nghĩa vụ và sự chuộc tội - việc tự sát ở Nhật Bản ít bị kỳ thị hơn so với các nước khác.

Tuy y học Nhật Bản phát triển, nhưng vẫn có những bệnh nan y không thể chữa. Nếu chết tại nhà, các người bệnh sẽ khiến gia đình thêm bận tâm lo lắng nên có nhiều người chọn đường ray tàu điện, nơi có những chuyến tàu lao như bay qua để kết liễu đời mình một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, có những người tự tử sợ sau khi chết đi không ai nhớ đến mình. Khi sống họ đã chịu cảnh cô độc, không bạn bè nên không muốn mình rơi vào cảnh "chết không ai hay". Với những người này, ga tàu điện là địa điểm lý tưởng để gây sự chú ý.

Cuối cùng, vì bị đè nén cả một đời, nên khi chết những người này muốn giải thoát tất cả, bất chấp mọi định kiến xã hội. Người Nhật quan niệm “không gây phiền toái cho người khác”. Nhưng cũng chính vì lối sống này, áp lực của họ ngày càng lớn. Khi không biết phải làm sao, họ chọn cách cực đoan nhất.

Ảnh hưởng không nhỏ
Ga Shin-Koiwa ở Tokyo là một trong những điểm tự sát "khét tiếng" nhất Nhật Bản. Nó thậm chí còn được đề cập trên trang Wikipedia tiếng Nhật về những địa điểm nổi tiếng nơi mọi người tự kết liễu đời mình.

Trong những năm qua, nhà ga này liên tục xảy ra các các sự cố chết người. Ví dụ, từ năm 2011 đến năm 2013, đã xảy ra 13 sự cố tại nhà ga này. Một số vụ dường như là tự sát, số khác có thể là do nạn nhân vô tình trượt chân rơi xuống đường ray.

Nhảy xuống đường tàu để kết liễu cuộc đời, vì sao nhiều người Nhật lại chọn cách tự sát đau đớn như vậy?-2Ảnh minh họa.

Các vụ tự tử đã gây thêm sự chậm trễ giờ tàu chạy, ảnh hưởng lớn đến hành trình di chuyển và các hành khách. Một hành khách ngoại quốc tên Justine Underhill từng cho biết: "Người Nhật rất tự hào vì có hệ thống tàu chạy đúng giờ nhất thế giới. Nếu tàu điện ngầm ở Tokyo bị chậm trễ, điều đó thường có nghĩa là một vụ tự tử vừa xảy ra.


Tôi có thể trực tiếp xác nhận điều này. Khi tôi bước vào ga tàu điện ngầm Tokyo tuần trước, có một thông báo cảnh báo rằng các chuyến tàu bị hoãn, tôi phải chờ đợi có lẽ khoảng 1 giờ đồng hồ hoặc hơn thế. Trong khi cứ mỗi 2 phút lại có 1 chuyến tàu chạy qua.

Người bạn đồng hành của tôi, người đã sống ở Nhật Bản được một năm, nói với tôi về một thực tế rằng có ai đó đã tự tử bằng cách nhảy xuống đường ray, trước đầu tàu và nói rằng "điều đó xảy ra ít nhất 2 lần một tuần". Tức cứ mỗi tuần, sẽ có khoảng 2 người tự sát bằng cách nhảy vào đường ray tàu".

Những giải pháp thiết thực
 

Nhảy xuống đường tàu để kết liễu cuộc đời, vì sao nhiều người Nhật lại chọn cách tự sát đau đớn như vậy?-3Ở Tokyo, nhiều nhà ga có rào chắn ở sân ga để ngăn chặn các vụ tự tử, cũng như để ngăn mọi người vô tình trượt chân rơi xuống đường ray.

Rào chắn

Đi vào các ga dọc theo Tuyến Yamanote ở Tokyo, tuyến nhộn nhịp nối các ga lớn nhất và đông đúc nhất thủ đô của Nhật Bản - người ta được chào đón bởi một hàng rào kim loại cao ngang ngực có cửa tự động mở khi tàu đến.

Được biết đến với tên chính thức là Cửa chắn sân ga (PSD), những rào chắn này chạy dọc theo rìa của sân ga được thiết kế để ngăn chặn sự xâm nhập - cố ý hoặc không - vào đường ray.

Theo một nghiên cứu năm 2015, việc lắp đặt các PSD như vậy ở các ga tàu điện ngầm và đường sắt tại Tokyo giúp giảm 76% số vụ tự tử.

Đèn xanh và gương

Đứng dọc theo các sân ga của Ga Shinjuku như mê cung tại thành phố Tokyo – ga đông đúc nhất thế giới với hơn 1 tỷ hành khách mỗi năm – người ta có thể quan sát những bảng đèn LED phát ra ánh sáng xanh dễ chịu giống đèn diệt côn trùng.

Ít ai biết rằng đây là một phần của "thao tác tâm lý ẩn giấu" trong thiết kế nhà ga đường sắt Nhật Bản. Những tấm đèn này được đặt ở vị trí "chiến lược" dọc theo các điểm nóng tự sát - thường là phần cuối của sân ga - như một phương tiện ngăn cản những người muốn nhảy xuống đường ray.

Nhảy xuống đường tàu để kết liễu cuộc đời, vì sao nhiều người Nhật lại chọn cách tự sát đau đớn như vậy?-4Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy số vụ cố gắng tự tử giảm 84% khi lắp đặt các đèn LED màu xanh này.

Lý thuyết cho rằng tác dụng xoa dịu của ánh sáng xanh sẽ giúp một cá nhân quẫn trí thoát khỏi ý nghĩ tự tử. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy số vụ cố gắng tự tử giảm 84% khi lắp đặt các đèn LED này.

Ngoài ra, những tấm gương lớn thường được lắp đặt cùng với hệ thống đèn xanh. Người Nhật cho rằng nhiều nỗ lực tự tử về cơ bản là tự phát và những người có ý định tự tử đang trải qua những cảm giác phân ly. Theo đó, bằng cách nhìn thoáng qua chính mình trong gương, một người trải qua những cảm giác này sẽ được "nâng cao" ý thức về bản thân hơn.

Tín hiệu thông báo

Hành khách đi tàu trên toàn thế giới đều quen thuộc với các tín hiệu âm thanh được sử dụng để báo hiệu các chuyến tàu sắp khởi hành, từ những tiếng chuông đơn giản đến những tiếng chuông rộn ràng, như hối thúc. Trong nhiều thập kỷ, các tuyến đường sắt của Nhật Bản cũng sử dụng âm thanh rộn ràng báo hiệu một đoàn tàu sắp khởi hành.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhà khai thác đường sắt Nhật Bản đã chuyển sang sử dụng những “giai điệu” du dương dễ nghe hơn. Đó được xem là một phần trong nỗ lực nhằm làm cho các nhà ga trở nên thân thiện hơn với mọi người.

Những giai điệu nhẹ nhàng này không hẳn là được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn các vụ tự tử mà là một phương tiện giúp xoa dịu hành khách đang chờ đợi và giảm bớt căng thẳng khi đi lại hàng ngày.

Theo Phụ nữ mới

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunumoi.net.vn/nhay-xuong-duong-tau-de-ket-lieu-cuoc-doi-vi-sao-nhieu-nguoi-nhat-lai-chon-cach-tu-sat-dau-don-nhu-vay-d278352.html

tự tử


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.