“Tôi đã cống hiến cả đời mình cho cuộc đấu tranh của người dân châu Phi. Tôi chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng và tôi cũng chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi luôn khát khao một xã hội dân chủ và tự do, nơi mọi người sống hòa thuận và bình đẳng với nhau. Tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho lý tưởng đó”, ông Mandela nói trước phiên tòa ở Rivonia ngày 20/4/1964.
Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Ảnh: Blogspot.
|
“Tôi không đứng trước mặt các bạn với tư cách một nhà tiên tri mà là một người đầy tớ khiêm nhường của nhân dân. Sự đấu tranh không mệt mỏi và hy sinh anh dũng của các bạn giúp có tôi ngày hôm nay. Tôi sẵn sàng giao cả tính mạng vào tay các bạn”, ông Mandela phát biểu trước đám đông ủng hộ sau khi ông được trả tự do ngày 11/2/1990.
“Đừng bao giờ để thế hệ tương lai nói rằng sự thờ ơ, ích kỷ hay hoài nghi khiến chúng ta sống ngược lại với lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn mà giải Nobel Hòa bình gửi gắm”, cựu tổng thống Nam Phi phát biểu khi nhận giải Nobel Hòa bình danh giá ngày 10/12/1993.
“Chúng ta không bao giờ để vùng đất xinh đẹp này phải chịu sự áp bức thêm một lần nữa. Những vết thương trong quá khứ đã đến lúc cần được chữa lành. Đây là lúc chúng ta thu hẹp khoảng cách tưởng như vô tận. Chúng ta vừa bước vào giai đoạn xây dựng xã hội mới để tất cả người dân Nam Phi, cả người da trắng và da màu, có thể đứng vững mà không phải sợ hãi bất cứ điều gì. Xã hội này đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về nhân phẩm đối với mọi người, ánh sáng mới cho hòa bình của dân tộc và thế giới”. Anh hùng dân tộc Nam Phi phát biểu khi nhậm chức ngày 10/5/1994.
Trong cuốn tự truyện Hành trình dài tới tự do, cựu tổng thống Nam Phi kể về 27 năm tù đày: “Khi tôi đứng giữa một đám đông, tôi giơ tay lên và đáp lại là tiếng hò reo vang dội. Tôi không thể làm điều đó trong 27 năm tù đày nhưng nó cho tôi sức mạnh đột biến và niềm hân hoan tột độ. Khi bước chân qua những cánh sửa sắt để trở lại thế giới, tôi cảm thấy mình trẻ lại dù ở tuổi 71. Mười nghìn ngày tù đày của tôi đã bị bỏ lại phía sau”.
“Tôi đã đi con đường dài để đến với tự do. Tôi cố gắng hết mình để không do dự. Tôi có những bước đi sai lầm trong suốt chặng đường nhưng tôi khám phá ra điều bí mật sau khi trèo lên đỉnh ngọn đồi vĩ đại bởi người ta chỉ có thể nhìn thấy xa hơn khi chinh phục đỉnh đồi. Chỉ qua những khó khăn, hy sinh hay đấu tranh, con người mới đưa tự do đến được vinh quang. Đấu tranh là cuộc sống của tôi. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng”, ông Mandela viết trong cuốn tự truyện.
Tuyên chiến với đại dịch AIDS, tổng thống Mandela nói: “Đây là một trận chiến. Nó giết chết nhiều người hơn tất cả những cuộc chiến trước đây hay trong những thảm họa tự nhiên từng ập xuống. Chúng ta không được phép ngồi đây tranh luận khi mọi người đang hấp hối”.
Bức ảnh chụp ông Nelson Mandela khi còn trẻ. Ảnh: Wikipedia. |
“Tôi cơ bản là một người lạc quan. Tôi không thể nói đó là thiên bẩm hay do cách sống, cách suy nghĩ. Khi đầu của một người luôn hướng về phía mặt trời, đôi chân của họ sẽ thẳng tiến lên phía trước. Tôi từng nhiều lần lạc lối trong bóng tối khi niềm tin của mình vào nhân loại bị lung lay. Tuy nhiên, tôi không cho phép mình tuyệt vọng bởi tuyệt vọng là con đường dẫn tới thất bại và cái chết. Tự do không đơn thuần là tự do của bản thân mà nó còn là trách nhiệm tôn trọng và mang lại sự tự do cho người khác”, ông Mandela viết trong cuốn tự truyện Đường dài tới Tự do.
“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi thế giới”.
“Người ta luôn nghĩ điều đó không thể xảy ra tới khi nó trở thành hiện thực”.
“Tôi nhận ra rằng, lòng can đảm không đơn thuần là né tránh sự sợ hãi mà phải chiến thắng được nó. Người đàn ông dũng cảm không phải là người không biết sợ mà phải là người chiến thắng được sự sợ hãi của bản thân mình”.
“Khi một người đàn ông bị tước đi quyền được sống trong cuộc sống mà mình tin tưởng, anh ta sẽ trở thành một tên tội phạm bởi không có lựa chọn nào khác”.