Những thí nghiệm rợn người của quân đội Mỹ

Mùa hè này, khán giả yêu thích điện ảnh khắp thế giới có dịp làm quen với dị nhân bí ẩn nhất trong nhóm X-men qua bộ phim “Nguồn gốc dị nhân: Người sói” (X-men Origins: Wolverine). Câu chuyện về những chiến binh mình đồng da sắt cùng những khả năng siêu phàm tưởng như chỉ có trong thần thoại, tiểu thuyết giả tưởng hay màn bạc, nhưng trên thực tế nó là khát khao và tham vọng của Lầu...

Dũng sĩ không ngủ: Trong những trận chiến kéo dài, ngủ gật luôn là kẻ thù lớn nhất của các binh sĩ. Từ lâu, quân đội Mỹ đã hi vọng sẽ tạo ra được những dũng sĩ không ngủ cả ngày lẫn đêm trong vòng 1 tuần liền. Gần đây, Cục kế hoạch nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho thử nghiệm modafinil - một loại thuốc có tác dụng kích thích trung khu thần kinh, khiến con người có thể thức liên tục trong 40 giờ mà không gây bệnh tật cho người sử dụng. Không chỉ có vậy, cơ quan này còn tài trợ cho việc nghiên cứu nhiều biện pháp chống buồn ngủ khác thường như dùng điện từ trường kích thích đại não và tiêu trừ mỏi mệt.

Quân đội Mỹ hi vọng sẽ tạo ra những chiến binh mình đồng da sắt như siêu nhân X-men hoặc Ironmen.

Tạo bộ giáp cho cơ thể: Thực chất, theo Tiến sĩ Michael Callaghan, lãnh đạo chương trình nghiên cứu này, đó là việc tạo cho các chiến binh khả năng tự bảo vệ trong điều kiện môi trường ác liệt, không bị lây bệnh truyền nhiễm, chống lại được những tác động của vũ khí sinh hóa và chịu được độ cao lẫn nhiệt độ cao. Ngoài ra, con người sẽ có một số khả năng siêu phàm như bay ở trên cao như chim, lặn sâu dưới nước như sư tử biển... Nếu thành công, rõ ràng, thời của các siêu chiến binh sẽ không còn xa nữa. Công trình này do Cục kế hoạch nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ chủ trì thực hiện.

Cảm giác siêu nhiên: Các nhà khoa học vốn không tin vào cảm ứng tâm linh. Nhưng quân đội Mỹ lại tỏ ra rất hứng thú với lĩnh vực này. Từ năm 1972 đến năm 1996, Lầu Năm Góc đã tiêu tốn 20 triệu USD vào việc kiểm tra cái gọi là “cảm giác siêu nhiên”. Thực chất là nghiên cứu những người có khả năng “thiên lý nhãn” để giúp họ phát hiện được các cơ sở hạt nhân và những công sự trận địa dưới lòng đất của đối phương ở nơi cách xa cả vạn dặm. Dù những thí nghiệm này được thực hiện trong thời gian dài, nhưng kết quả thu được thường đi ngược với những tin tức liên quan do cơ quan tình báo thu lượm được, nên cuối cùng nó đã bị dừng lại.

Đôi mắt cú vọ: Trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ II, hải quân Mỹ hi vọng sẽ nâng cao khả năng nhìn ban đêm cho các binh sĩ. Biết vitamin A có các thành phần hóa học cần thiết cho việc tăng cường thị lực, các nhà khoa học Mỹ liền nghĩ cách sử dụng vitamin A để nâng cao độ mẫn cảm với ánh sáng của mắt. Họ cho những người tình nguyện tham gia thí nghiệm uống dầu gan cá. Mấy tháng sau, quả nhiên thị lực của những người này có sự thay đổi tích cực. Nhưng thí nghiệm này buộc phải chấm dứt, nhường sứ mệnh nhìn xuyên màn đêm cho các thiết bị hồng ngoại.

Vắcxin phòng chống vũ khí sinh học: Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lục quân Mỹ đã huy động tổng cộng 2.300 người tham gia thí nghiệm vắcxin phòng chống vũ khí sinh học. Sau khi được tiêm loại vắcxin này, những người tham gia thí nghiệm nhớ lại khi đó họ đã phải chịu những cơn đau dữ dội kéo dài mấy ngày liền như thể bị ai đó bẻ gẫy cột sống, kèm theo là những cơn sốt nóng, sốt lạnh. Các tài liệu giải mật cũng cho thấy thí nghiệm trên được tiến hành ở bang Maryland từ năm 1954 tới năm 1973 và may mắn là không làm ai thiệt mạng.

Nghiên cứu chất phóng xạ: Khi Chiến tranh Thế giới thứ II sắp kết thúc, quân đội Mỹ rất muốn tìm hiểu sâu hơn mức độ nguy hại của các nguyên tố phóng xạ đối với cơ thể người. Ngày 10/4/1945, người ta đã tiêm plutôni vào cơ thể một nạn nhân bị thương do tai nạn ô tô để nghiên cứu cơ chế loại bỏ chất phóng xạ của cơ thể người. Sau này, hơn 400 cuộc thí nghiệm tương tự cũng đã được tiến hành, gồm cả các thí nghiệm trị liệu phóng xạ đối với bệnh nhân ung thư, với lượng phóng xạ đưa vào cơ thể người khác nhau.

Cưỡi xe tên lửa: Trước khi sử dụng tên lửa đẩy đưa du thuyền và người vào vũ trụ, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đã nghiên cứu chế tạo một loại xe trượt giảm áp, có tốc độ lên tới hàng trăm km/giờ. Tham gia vào thí nghiệm với xe trượt giảm áp bắt đầu từ năm 1954 là Đại tá, bác sĩ ngoại khoa John Stamp. Khi tốc độ đạt 1.010 km/giờ, Stamp đã phải chịu áp lực tương đương với 35 lần sức hút của Trái Đất. Hậu quả là Stamp đã bị thương tổn khắp người, không chỉ là việc gẫy mất mấy dẻ xương sườn, dập xương cổ tay, bay cả “hàng tiền đạo”, mà còn bị vỡ mạch máu ở mắt và chấn động não.

Phun chất độc thần kinh: Mối đe dọa của chiến tranh sinh hóa đã khiến Lầu Năm Góc cho thực thi Kế hoạch 112 vào những năm 1960, 1970. Một trong những nội dung của nó là phun các loại chất độc thần kinh như Sarin, VX lên hàng ngàn, hàng vạn binh sĩ hải quân nhằm kiểm tra trình tự làm sạch độc tố và các biện pháp bảo đảm an toàn. Năm 2002, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công khai chi tiết kế hoạch này. Sau đó, Cục quản lý quân nhân về hưu đã cho điều tra về khả năng bị thương tật của các quân nhân tham gia thí nghiệm này.

Gây ảo giác: Các nhà nghiên cứu Mỹ từng hi vọng chuyển hóa các hoạt chất trong cây gai và thuốc lắc làm vũ khí khiến kẻ địch mất đi khả năng tác chiến. Từ năm 1955 đến năm 1972, quân đội Mỹ đã bí mật nghiên cứu, phát triển một loại đạn gây ảo giác, có thể đẩy kẻ địch vào trạng thái mơ màng, lúc nào cũng thèm ngủ trong vài ngày liền. Sự thật này được Tiến sĩ James Ketchum - một người đã tham gia thí nghiệm trên lần đầu tiên tiết lộ trong cuốn: “Chiến tranh hóa học: Những bí mật bị quên lãng” vào năm 2007.

Rơi tự do với tốc độ cận âm thanh: Ngày 16/8/1960, phi công tập sự, Đại úy Joe Kittinger cùng với quả khinh khí cầu bay lên độ cao trên 30.000 mét. Từ đó, Kittinger lao ra khoảng không và rơi tự do với vận tốc 985 km/giờ trước khi bung dù đáp xuống sa mạc thuộc bang New Mexico. Thí nghiệm này góp phần nghiên cứu khả năng sống sót của phi công trong trường hợp phải nhẩy dù khẩn cấp, ngoài sự thay đổi áp suất không khí, Kittinger còn phải chịu cái lạnh có lúc lên tới âm 70 độ C. Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.