Obama: Từ 'Hy vọng táo bạo' tới mối đe dọa Donald Trump

Điều khác thường là Obama tới cả ba bang tranh chấp quan trọng nhất: Ohio, North Carolina và Florida, vận động cho bà Clinton. Bởi với ông, Trump thực sự là mối đe dọa cho nước Mỹ.

Điều khác thường là Obama tới cả ba bang tranh chấp quan trọng nhất: Ohio, North Carolina và Florida, vận động cho bà Clinton. Bởi với ông, Trump thực sự là mối đe dọa cho nước Mỹ.

Tôi tự hỏi 6.000 người ở sân tập của đại học Capital Univesity ở Columbus, bang Ohio nghĩ gì khi chứng kiến Obama diễn thuyết tối 1/11.

Tôi chỉ thấy không khí như điện giật và đầy cảm xúc khi ông phát biểu. Obama vẫn là nhà diễn thuyết đại tài, một chính trị gia có tầm nhìn, người mang những xúc cảm và mong muốn hướng thượng đến cho đám đông.

Đây là Obama ở vị trí mạnh nhất của ông – nhà vận động kỳ tài, người có thể khuấy động những đám đông rất lớn và đánh bại những đối thủ chính trị sừng sỏ nhất. Tôi đã nghe Trump phát biểu ở Tallahassee, Hillary Clinton phát biểu ở Cincinnati, Bill Clinton tại Columbus nhưng không ai vượt được Obama tại các buổi vận động như thế này.

9 năm trước, ông là biểu tượng của “hy vọng táo bạo”, của “thay đổi”, của “chúng ta có thể” (Yes, we can! – khẩu hiệu của phe Obama năm nào). Làn sóng Obama khi đó thổi bùng sức sống đặc biệt cho người trẻ, những người sẵn sàng lao vào lửa, lao vào các chiến dịch tranh cử với cảm giác mình sẽ mang lại những thay đổi lớn lao cho xã hội.

Cô gái mở đầu buổi vận động tham gia tình nguyện cho Obama khi mới 17 tuổi. Ông thắng cử một tháng trước khi cô tròn 18. Và giờ 8 năm sau, cô đang kêu gọi mọi người hãy đi bỏ phiếu cho Hillary Clinton.

Obama: Tu 'Hy vong tao bao' toi moi de doa Donald Trump hinh anh 1
 Donald Trump đang rút ngắn khoảng cách với Hillary Clinton và Tổng thống Obama đã xuất hiện tại bang quan trọng Ohio để vận động cho cựu ngoại trưởng. Ảnh: Thanh Tuấn

9 năm trước, Obama đã mang cách làm mới cho vận động tranh cử: sử dụng công nghệ để vận động cử tri, tập trung quyên góp tiền số nhỏ từ các cá nhân thay vì tập trung vào các đại gia như cũ, ông phá các kỷ lục quyên góp từng có trước đó... Đó là bước ngoặt mà đến giờ các phe đều học hỏi.

Cơn gió Obama từng hy vọng đem lại thay đổi lớn lao cho cả chính trường Mỹ. Ông đánh bại đế chế chính trị chi phối bao trùm suốt 15 năm trước đó: gia đình Clinton – điều không tưởng khi vị thượng nghị sĩ trẻ từ Illinois bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình giữa 2007.

Thắng cử, ông làm một việc không tưởng: mời đối thủ cũ Hillary Clinton trở thành ngoại trưởng (vị trí cao nhất trong nội các, đứng thứ 4 trong danh sách kế nhiệm tổng thống). Trong cuộc đấu cực kịch liệt của bầu cử sơ bộ, cả hai dùng đủ những lời lẽ cay nghiệt và mánh khoé để hạ bệ nhau, nhưng khi kết thúc ông mời bà vào nội các của mình. Bởi Hillary có thể giúp ông ở một mảng mà ông thật sự yếu và không kinh nghiệm: đối ngoại.

Và bà Clinton đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó. Hình ảnh nước Mỹ sau khi trở nên rất xấu trong thời George W. Bush với những Guantanamo, cuộc chiến khủng bố và chiến tranh ở Afghanistan - Iraq, đã dần được phục hồi lại.

Tổng thống Obama 

Nước Mỹ chuyển trục về châu Á, kết nối và củng cố với các đồng minh, mở rộng quan hệ với các đối tác mới (trong đó có Việt Nam). Bà Clinton trở thành một trong những ngoại trưởng đi công du nhiều nhất trong lịch sử Mỹ khi đặt chân đến 112 quốc gia với quãng đường đi tổng cộng 1,54 triệu km (tương đương khoảng 38,5 lần vòng quanh thế giới). Ông Obama đã vượt qua những thù hằn chính trị để làm điều ông tin là tốt cho đất nước ông.

Ông không phải mẫu chính trị gia hoàn hảo – cả phe Dân chủ và Cộng hoà đều chỉ trích ông là thiếu mạnh mẽ. Ông không giỏi làm việc với quốc hội, đặc biệt là với phe Cộng hoà luôn kịch liệt chống đối.  

Maureen Dowd của New York Times thường xuyên “phanh thây” ông trên báo vì ông thiếu tố chất của các chính trị gia: sẵn sàng “quan hệ” hay làm bạn với các nhóm để đẩy các chính sách của mình – ông khó chịu và không thoải mái với việc phải tạo hay giữ các mối quan hệ. Obama của “hy vọng táo bạo” vẫn là con người của những lý tưởng, vẫn dáng vóc của một giáo sư luật hơn là sự thực dụng của các chính trị gia lão luyện.

Có lẽ vì vậy mọi người cũng cảm thấy trân trọng ông hơn. Năm 2012, trong cuộc bầu cử cuối cùng của ông, Obama được coi là “thành thật” và “đáng tin cậy” hơn nhiều so với đối thủ Mitt Romney (tỷ lệ đánh giá ông “thành thật” trong phe Dân chủ lên tới 88%).  

Obama: Tu 'Hy vong tao bao' toi moi de doa Donald Trump hinh anh 2
Ông Obama thể hiện sự ủng hộ với bà Clinton trong Đại hội đảng Dân chủ hồi tháng 7. Ảnh: Getty

Và giờ thì cả vợ chồng ông Obama – hai người có tỷ lệ ủng hộ cao trong dân chúng Mỹ – đang cùng đi vận động cho Hillary Clinton. Tuần cuối cùng này, ông tới cả ba bang tranh chấp quan trọng nhất: Ohio, North Carolina và Florida. Riêng tại Florida, ông sẽ tới vận động tại ba điểm khác nhau. 

Đây là điều khá khác thường vì trong 100 năm qua, các tổng thống đương nhiệm thường không làm việc này cho ứng viên kế nhiệm mình.

Bill Clinton chưa bao giờ hết lòng vận động cho Al Gore trong năm 2000. Ronald Reagan cũng không hề giúp George H.W. Bush trong năm 1988.

Hôm nay phát biểu ở North Carolina ông nói: “Tôi chạy đua chống John McCain, chống Mitt Romney vì tôi nghĩ tôi sẽ là tổng thống tốt hơn. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ nền cộng hoà này sẽ bị đe doạ nếu họ đắc cử.”

Nhưng với Donald Trump thì Obama đang thật sự lo ngại. Ông vẫn muốn giữ ngọn lửa và di sản của “Hy vọng táo bạo” năm nào.

Theo Thanh Tuấn
Zing

Hillary Clinton

Donald Trump

tranh cử tổng thống Mỹ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.