Ông Tập Cận Bình đả 'hổ' để săn 'rồng'?

Trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô, sau khi hạ bệ Chu Vĩnh Khang và một loạt các quan chức cấp cao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa dừng lại và sẽ tiếp tục triệt hạ những thế lực lớn hơn.

Ông Tập Cận Bình đả

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang kiên quyết thực hiện chống tham nhũng trên quy mô lớn

Ngay sau khi lên nắm quyền trong chính phủ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng với quy mô và cấp độ lớn chưa từng có, mà ông tuyên bố sẽ nhổ tận gốc bất kỳ quan chức tham nhũng nào, dù cho người đó là “hổ” hay “ruồi”. 

Với màn dạo đầu trong cuộc “thập tự chinh” ấy, ông Tập đã thẳng tay xử lý những “con ruồi” lâu bâu và những “hổ lớn” như cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Tướng Từ Tài Hậu và mới nhất là vụ điều tra Chu Vĩnh Khang. Liệu tiếp sau đó, “con hổ” nào sẽ sa bẫy? Liệu rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có “gậy ông đập lưng ông” khi kiên quyết thực hiện chính sách của mình?

The Diplomat ngày 1/8 bình luận, trong tuần qua truyền thông Trung Quốc khẳng định rằng việc điều tra Chu Vĩnh Khang không phải là kết thúc của chiến dịch chống tham nhũng. 

Trang National Interest nêu lên những dấu hiệu cho thấy sau khi “bắt cọp” Chu, ông Tập còn muốn bắt thêm “rồng”. Vậy sau Chu Vĩnh Khang, nhân vật quyền lực nào sẽ bị “sờ gáy”? Phải chăng là người tiền nhiệm Giang Trạch Dân?

Người ta nghi ngờ điều ấy vì khi đi thăm cán bộ chiến sĩ PLA ở tỉnh Phúc Kiến nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập PLA mới đây, ông Tập hứa sẽ “đánh mạnh nạn tiêu cực trong quân đội”, nhằm xây dựng lực lượng vũ trang mạnh “sẵn sàng bảo vệ tổ quốc vào lúc đang có những thế lực thù địch đe dọa”, theo Tân Hoa Xã.

National Interest nhận định việc hướng mũi điều tra vào PLA và Thượng Hải cho thấy ông Tập đã nhắm đến “cọp lớn” hơn cả Chu Vĩnh Khang là vị tiền nhiệm Giang Trạch Dân, nguời đã về hưu từ năm 2002 nhưng vẫn còn tầm ảnh hưởng lớn lên Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc (PLA) và thành phố Thượng Hải. Đó chính là những yếu tố mà Chủ tịch Tập Cận Bình muốn ngăn chặn khi ông đang trong quá trình thâu tóm quyền lực.

Ông Giang Trạch Dân, 87 tuổi, từng là bí thư thành ủy Thượng Hải và PLA cũng là “hùng cứ” của ông Giang, một cựu chủ tịch Quân ủy trung ương.

Ông Tập Cận Bình đả

Dù đã về hưu nhưng cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân vẫn có tầm ảnh hưởng lớn

Như vậy dường như quân đội Trung Quốc đang trở thành mục tiêu tập trung chống tham nhũng, trong đó không chỉ điều tra và truy tố những "con hổ" cao cấp như Từ Tài Hậu, mà còn tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn các đặc quyền quân đội được hưởng, từ xe sang đến bất động sản.

Cùng với chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội, Tập Cận Bình còn tập trung mũi nhọn chiến dịch này vào Thượng Hải. Ủy ban Kiểm tra - kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử một đoàn công tác đến Thượng Hải làm việc trong hai tháng tới.

Chính những động thái này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng, ông Tập đã nhắm tới một mục tiêu cao hơn Chu Vĩnh Khang, đó là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Ông Tập Cận Bình đả

Chủ tịch Tập Cận Bình (bên phải) đã hạ bệ Chu Vĩnh Khang (bên trái) - một nhân vật quyền lực trong chính phủ Bắc Kinh

Đây cũng là điều dễ đoán, khi đang trên đà quyền lực, “Tập Cận Bình rõ ràng đã nhìn thấy tham nhũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với  đảng và đất nước, nhưng ông cũng thấy chống tham nhũng là một cách tốt để xây dựng danh tiếng của mình. Chiến dịch này còn chắc chắn  giúp ông có thể cài đặt thêm nhiều quan chức  theo ý muốn”, Giáo sư khoa học chính trị Dali Yang của Đại học Chicago nhận định.

Trên thực tế, Giang Trạch Dân vẫn có khả năng tham gia vào việc lựa chọn các ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay, 5 trong số 7 thành viên đương nhiệm có quan hệ với phe Giang Trạch Dân.

Trước đó, Reuters đưa tin ông Giang và cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã “duyệt” cho ông Tập xử lý Chu Vĩnh Khang, ám chỉ đến việc ông Tập vẫn cần có sự ủng hộ của hai tiền nhiệm lão thành.

Nhưng Financial Times đưa tin hồi tháng 4 rằng cả hai ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đều yêu cầu ông Tập ngưng hoặc ít ra tạm hoãn chiến dịch chống tham nhũng. Báo này nêu hai đàn anh đồng ý điều tra Chu, nhưng lại ngại ông Tập “làm quá” với cả các cán bộ lãnh đạo cấp cao khác, thì “chính phủ lấy đâu ra người làm việc”.

Nếu đó là sự thật, trong vài tháng tới chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội và ở Thượng Hải sẽ cho chúng ta thấy Tập Cận Bình có nghe theo lời khuyên của hai người tiền nhiệm hay không.

Và cuộc họp diễn ra sắp tới ở Bắc Đới Hà sẽ cho thấy bước tiếp theo trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc khiến “con rồng” lớn phải lộ diện?

Cụ thể, giới quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, kể cả đương nhiệm lẫn nghỉ hưu, sẽ nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà ở tỉnh Hà Bắc cuối tuần này để kiểm tra thẩm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng.

Ông Tập Cận Bình đả

Tình hình "bàn cờ" chính trị Trung Quốc sẽ xoay chuyển như thế nào?

Cuộc họp diễn ra khi các cán bộ cao cấp và các nhóm lợi ích bắt đầu cảm thấy sức nóng từ chiến dịch. “Hai đội quân tham nhũng và chống tham nhũng đang đối chọi và đẩy nhau vào thế bế tắc” - Nhật báo Trường Bạch Sơn trích lời ông Tập trong cuộc họp kín hồi tháng 6.

GS Trương Minh của Trường ĐH Nhân Dân cho biết: “Việc công bố điều tra vụ cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang cho thấy ông Tập không muốn thảo luận vụ đó tại Bắc Đới Hà. Họ có thể bàn về các trường hợp tham nhũng khác lớn hơn”.

Tuy nhiên cũng theo GS Trương, tình hình khá phức tạp, phe đối lập có thể phản pháo ông Tập Cận Bình ngay tại Bắc Đới Hà.

Trước đó, giới truyền thông nhà nước TQ cũng đầy rẫy các cuộc “phản pháo” của phe cựu Chủ tịch Giang. Ví dụ khi Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) vạch trần cựu thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh là “cạ” của Chu Vĩnh Khang, biên tập viên Jing Yidan của Đài truyền hình trung ương (CCTV) nói bóng gió về ông Tập: “Muốn đủ phẩm chất đả hổ, quý vị phải tự hỏi: “Liệu mình có là một bậc anh hùng như Võ Tòng?” .

Tình hình có xoay chuyển trên bàn cờ chính trị trong chính phủ Bắc Kinh. Liệu rằng phần thắng sẽ nghiêng về ai? Quyền lực của Tập Cận Bình có áp chế được phe cánh đối lập hay không? Việc sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để cài đặt người của mình và tăng cường năng lực kiểm soát của đảng nhằm hậu thuẫn vị thế, chủ trương của ông Tập có được như mong muốn hay sẽ đẩy ông vào tình cảnh “gậy ông đập lưng ông”?

Theo Seatimes.com.vn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.