Siêu điệp viên không hoàn hảo

Là một đặc vụ kì cựu, ông ta biết rõ các mánh khóe nghề nghiệp. Chính vì thế, sau khi trở về từ hòm thư chết,ông ta đã viết thư gửi KGB: "Địa điểm liên lạc mà các anh chọn cho tôi không thật lý tưởng. Tôi mặc comlê, lẽ nào lại phù hợp với nơi nước đen bẩn như thế".

Ông ta tự tin cho rằng ngay cả trong trường hợp có một điệp viên KGB nào đó bội phản, cơ quan an ninh Mỹ cũng không thể lần ra mình vì khi liên lạc ông ta không bao giờ dùng tên thật và cũng không bao giờ gặp trực tiếp một điệp viên KGB nào. Tuy nhiên, "nhân vô thập toàn", chỉ tiếc rằng khi biết được điều này, ông ta vĩnh viễn mất đi cơ hội làm lại.

Kỳ 1: Chủ động bán mình

Aldrich Hazen Ames - điệp viên được trả lương cao nhất thế giới

Sáng 4/10/1985, khi kiểm tra hộp thư tại nhà mình ở Alexandria, bang Virginia (mỹ), Đại tá KGB Viktor M. Degtyar phát hiện một lá thư đề ngày 1/10, hạt Prince George, bang Maryland. Điều kỳ lạ là người gửi không ghi tên và bên trong lại có một chiếc phong bì khác ghi dòng chữ: "Không được mở. Yêu cầu giao bức thư này cho Viktor I. Cherkashin!". Với linh cảm nghề nghiệp, Charkshin cho rằng bức thư rất có thể là sự khởi đầu cho một cuộc chơi mới với một kẻ có nghề, không manh động như Aldrich Hazen Ames - điệp viên được trả lương cao nhất thế giới.

Đúng như nhận định của Cherkashin, bức thư viết: "Kính gửi ngài Cherkashin! Không lâu nữa, tôi sẽ gửi cho một thùng tài liệu cho ngài Degtyar. Đó là những thông tin tình báo nhạy cảm nhất, được bảo mật nhất của cộng đồng tình báo Mỹ. Tất cả đều là bản gốc để kiểm chứng tính sát thực của nó. Hãy xem xét tới lợi ích lâu dài của chúng ta với cái nhìn không bị hạn chế bởi sự hào nhoáng bên ngoài. Từ những gì được biết, tôi tin rằng một sĩ quan kinh nghiệm như ngài có thể xử lý vấn đề một cách đúng đắn. Tôi cũng tin rằng số tài liệu đó đủ giá trị để các ông trả cho tôi 100.000 USD".

Để minh chứng cho giá trị bản thân, người vô danh còn thông báo cho Cherkashin biết việc 3 điệp viên KGB, gồm Sergey Motorin, Valeriy Martynov và Boris Yuzhin đã trở mặt, làm việc cho người Mỹ. Nhờ sự cảnh báo này, kết hợp với tin báo trước đó của Amse, KGB nhanh chóng có biện pháp đối phó với sự phản bội của 3 điệp viên trên, giảm thiểu tổn thất. Ba năm sau, với tội hoạt động gián điệp cho Mỹ, Motorin và Martynov bị tuyên án tử hình, Yuzhin phải bóc lịch 15 năm trong một nhà tù ở Siberia. Trong bức thư, người vô danh khẳng định ông ta sẽ không bao giờ tiết lộ thân phận thật của mình cũng như gặp một gián điệp viên Xô Viết nào. Ông ta cung cấp mã đơn giản chứa ngày, địa điểm liên lạc để nhân viên KGB đến lấy tài liệu và yêu cầu "đối tác" phải tuân thủ.

Qua phân tích Cherkashin nhận định người gửi bức thư chắc chắn biết thông ít về hoạt động KGB tại Mỹ. Ông ta rất có thể là viên chức cao cấp thuộc bộ phận phản gián Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Bởi nếu không, ông ta không thể biết thân phận thật cũng như địa chỉ nhà ở của Degtyar, chứ đừng nói gì đến Cherkashin, một tổ trưởng tình báo đã lặn sâu trong lớp áo của nhân viên ngoại giao thuộc Đại sứ quán Liên Xô ở Oasinhtơn. Thiện ý hợp tác của người gửi thư khá rõ nếu không ông ta đã không giúp KGB lật tẩy 3 kẻ phản bội trên. Mục đích hợp tác lại càng thể hiện rõ và nó thể hiện luôn qua việc người gửi thư yêu cầu KGB trả tiền cho số tài liệu sắp cung cấp.

11 ngày sau, theo chỉ dẫn của người vô danh, một nhân viên KGB tới địa điểm quy ước ở khu vui chơi trong công viên Nottaway lấy tài liệu. Mở ra, Cherkashin không tin vào mắt mình: Tất cả đều là những tài liệu tuyệt mật. Để trả công, KGB đã gửi cho người vô danh 50.000 USD toàn tờ mện giá 100 USD. Vài ngày sau họ nhận được bức thư trả lời, cảm ơn về khoản tiền 50.000 USD, cho biết ông ta sẽ không liên lạc với Cherkashin nếu như không biết Cherkashin là một nhân vật được kính trọng trong KGB, tổ chức mà ông ta đã nghiên cứu nhiều năm. Người vô danh yêu cầu phải cho kênh liên lạc duy trì được giá trị của ông ta trong thời gian dài và đảm bảo an ninh cho mối quan hệ giữa hai bên ngay từ đầu.

Chưa đầy 5 tháng sau khi Ames tới thẳng Đại sứ quán Liên Xô ở Oasinhtơn đặt vấn đề đổi bí mật lấy tiền, bán đứng Cục tình báo Liên bang Mỹ (CIA), nay KGB lại có thêm một điệp viên lợi hại không kém. Họ đặt cho điệp viên mới này mật danh "Ramon" và gọi tắt là "P".

Kỳ 2: Ramon là ai?

Cherkashin

Công viên Faxstone thuộc hạt Fairfax, bang Virginia (Mỹ), ngày 18/2/2001 không có gì khác biệt, vẫn những ông già bà lão và vài thanh niên vơ vẩn dạo chơi. Một người đàn ông mang theo chiếc cặp tài liệu xuất hiện, đi về phía chiếc cầu gỗ dành cho người đi bộ trong công viên. Nhìn quanh không thấy ai để ý, ông ta cúi xuống nhét chiếc cặp vào mố trụ cầu rồi vội vàng bỏ đi. Trước đó, với mẩu phấn trắng giấu kín trong tay, người đàn ông đi sát qua cây cột điện phía ngoài công viên và để lại một vệt phấn nhỏ trên đó để báo rằng có tài liệu mật ở hòm thư chết.

Không bao lâu sau khi ông ta rời khỏi công viên Foxstone, một người Nga tới cây cầu gỗ lấy chiếc cặp tài liệu đi. Ở một địa điểm khác, một điệp viên KGB tới đặt khoản "thù lao" trị giá 50.000 USD vào hòm thư chết. Tất cả các hành động trên đều nằm trong tầm giám sát của các đặc vụ FBI. Tối hôm đó, khi trở về nhà, người đàn ông nhét chiếc cặp vào mố cầu gỗ trong công viên Foxstone đã bị các đặc vụ FBI phục sẵn bắt giải đi.

Ba ngày sau, Giám đốc FBI Louis J. Freeh chủ trì một cuộc họp báo khẩn cấp tại trụ sở FBI ở Oasinhtơn cho biết vào tối chủ nhật ngày 18/2/2001, FBI đã bắt được một con "chuột chũi" lớn. Đó là Robert Hanssen - một đặc vụ đã có nhiều năm làm việc ở bộ phận phản gián của FBI. Hanssen bị cáo buộc là đã hoạt động gián điệp cho Nga và Liên Xô cũ. Cherkashin giờ không còn phải mất công phỏng đoán người gửi thư không đề tên cho mình là ai nữa. Người vô danh chính là Robert Hanssen, điêp viên hai mang được KGB đặt mật danh là "Ramon", gọi tắt là "P".

Hanssen sinh ngày 18/4/1944 ở thành phố Chicago, bang Illinois, trong một gia đình bình thường, có bố là cảnh sát. Hanssen không có sở thích gì đặc biệt ngoài đọc tiểu thuyết trinh thám và lướt web. Là người sùng đạo, Hanssen không bao giờ bỏ bất cứ một buổi lễ cầu nguyện nào. Với những người xung quanh, Hanssen luôn tỏ ra lịch sự và hòa nhã, chưa từng cãi nhau, thậm chí chưa từng to tiếng với ai. Trong những người hàng xóm, Hanssen là điển hình của một người đàn ông yêu gia đình. Chính vì thế khi hay tin Hanssen bị bắt vì làm gián điệp, họ rất ngỡ ngàng.

Thời trẻ mặc dù đã "giắt lưng" tấm bằng kĩ sư hóa học, cử nhân tiếng Nga của trường Knox và sau đó học tiếp khoa răng, Đại học Northwestern, nhưng Hanssen vẫn không thỏa mãn, quyết tâm giành lấy học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ra trường, Hanssen đầu quân một công ty kiểm toán trước khi rẽ ngang, vào làm điều tra viên tổ đặc nhiệm chống tham nhũng của Sở cảnh sát Chicago.

Hai năm sau, vào năm 1976, Hanssen chuyển làm việc cho FBI, tại Gary, bang Indiana. Năm 1978, theo sự điều động của FBI, Hanssen cùng đại gia đình (vợ và 3 con, sau này là 6 con) chuyển về sống ở New York. Trở thành đặc vụ thuộc bộ phận phản gián, phụ trách việc theo dõi, lôi kéo các điệp viên Liên Xô, sau này là Nga hoạt động ở Mỹ, vốn tiếng Nga thời đại học của Hanssen trở nên hữu dụng. Nhờ nó, Hanssen được cấp trên để ý, cất nhắc.

Năm 1987, Hanssen được bổ nhiệm làm phó phòng Nga. Ở cương vị này, Hanssen được quyền tiếp cận với toàn bộ tài liệu liên quan tới công tác gián điệp Mỹ tiến hành đối với Liên Xô và sau này là Nga, đồng thời có thể xem, nghiên cứu các tài liệu chống tình báo của CIA, Cục An ninh quốc gia và các cơ quan tình báo khác của Mỹ. từ năm 1995, Hanssen là đại diện cao cấp của FBI tại văn phòng đoàn ngoại giao Mỹ, phụ trách công tác chống gián điệp.

Trong suốt những năm tháng làm việc cho FBI, Hanssen chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phản gián, trở thành "một trong số ít chuyên gia" của Mỹ trong lĩnh vực chống lại ảnh hưởng chính trị của Liên Xô trước đây và Nga sau này. Vào những năm 1980, Hanssen là người phụ trách chính của chương trình điều tra mức độ trung thành của công dân Mỹ với mục đích làm thất bại mọi hoạt động gián điệp của Liên Xô ở Mỹ. Nhằm điều tra các hành động tình báo của Liên Xô ở Mỹ, Hanssen thường xuyên theo dõi Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Liên Xô tại Oasinhtơn. Ngoài ra, Hanssen còn tham gia vào việc đánh giá những tin tức tình báo về Liên Xô ở Mỹ, phân tích các tài liệu liên quan tới hoạt động tình báo Liên Xô ở Mỹ, tham mưu cho cấp trên biện pháp ngăn chặn, chống lại hoạt động của tình báo Liên Xô.

Sự thăng tiến trong sự nghiệp và sự tin cậy của cấp trên chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho "chuột chũi" Hanssen làm tiền trong "cuộc chơi" nguy hiểm với KGB.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.