Tiếp tục loạt bi kịch giữa tâm chấn Ấn Độ: Con quỳ lạy xin oxy cứu mẹ, cụ ông nhường giường bệnh cho người trẻ bằng câu nói "Tôi sống đủ rồi"

Mỗi ngày trôi qua, dư luận thế giới lại ám ảnh với những câu chuyện đầy xót xa giữa "tâm chấn Covid-19" ở Ấn Độ, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh.

Ngày 30/4, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục với gần 400.000 trường hợp. Ít nhất 3.600 người đã tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp, quốc gia này đã phải đón nhận con số đáng báo động, trở thành tâm chấn Covid-19 của thế giới. 

Nhiều câu chuyện thương tâm và ám ảnh đã tiếp tục được chia sẻ trên truyền thông để khắc họa một phần nào đó thực tại ám ảnh tại "địa ngục" Ấn Độ nơi số người chết không ngừng tăng lên mỗi ngày.

 Con quỳ xin oxy cứu mẹ mắc Covid-19

Vào hôm 27/4, cô Shruti Saha đã mất hàng giờ tìm kiếm nơi nạp bình oxy ở New Delhi cho người mẹ đang mắc Covid-19. Đây là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát Covid-19 lần 2 tại Ấn Độ, khiến các bệnh viện quá tải và gây tình trạng thiếu oxy.

Sau khi tìm được một xưởng nạp oxy tại khu công nghiệp tồi tàn ở thủ đô, Saha phải chờ qua đêm, sang ngày 28/4 để mong đến lượt mình. Trong lúc đứng đợi, Saha bắt đầu hoảng sợ, cô khuỵu gối cầu xin cơ sở này hãy mở cửa. Tuy nhiên, cảnh sát và nhân viên an ninh bảo cô hãy đợi.

Tiếp tục loạt bi kịch giữa tâm chấn Ấn Độ: Con quỳ lạy xin oxy cứu mẹ, cụ ông nhường giường bệnh cho người trẻ bằng câu nói Tôi sống đủ rồi-1

Người phụ nữ quỳ xin oxy cho mẹ nhưng đành bất lực.

Vài giờ sau, khi vẫn đang đứng xếp hàng chờ, Saha được người nhà gọi điện báo tin mẹ cô đã qua đời. Cô suy sụp và gục ngã tại chỗ, trong khi những người xung quanh cố động viên, an ủi cô. Bình oxy rỗng bị bỏ lại nơi cô đã đứng xếp hàng.

"Chúng tôi ra khỏi nhà từ 2h sáng. Ở New Delhi không có oxy. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được đây. Tôi liên tục nói với họ rằng tình trạng của mẹ tôi rất nghiêm trọng", Saha vừa khóc vừa nói.

New Delhi ghi nhận một ca tử vong sau mỗi 4 phút trong nhiều ngày qua. Do các bệnh viện quá tải, không có đủ giường bệnh, nhiều gia đình bệnh nhân đã cố chữa trị tại nhà bằng cách liên tục cho thở oxy nhưng giờ đây đến việc hít thở thôi cũng là điều trở nên xa xỉ.

"Tôi đã sống đủ rồi"

Trước tình trạng quá tải, nhiều bệnh viện đã phải đưa ra sự lựa chọn đau đớn nhất: Rút máy thở của người già để nhường sự sống cho người trẻ. Ông Narayan Dabhalkar, 85 tuổi đang trở thành biểu tượng đầy xúc động và ám ảnh của Ấn Độ trong thời điểm khủng hoảng này.

Theo trang tin địa phương, ông Narayan Dabhalkar đã nhập viện ở Nagpur vào ngày 22/4 với các triệu chứng Covid 19 cấp tính và trong tình trạng khó thở. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, ông quyết định xuất viện và đi bộ trở về nhà, đồng nghĩa với việc ông chấp nhận cái chết. Vậy lý do vì đâu?

Tiếp tục loạt bi kịch giữa tâm chấn Ấn Độ: Con quỳ lạy xin oxy cứu mẹ, cụ ông nhường giường bệnh cho người trẻ bằng câu nói Tôi sống đủ rồi-2

Cụ ông nhường sự sống cho người trẻ hơn.

Khi đang ở bệnh viện, ông Narayan nhìn thấy một người phụ nữ khóc lóc van xin để người chồng 40 tuổi của cô được nhập viện. Ngay cả những người con của cặp đôi này cũng bật khóc nức nở. Cụ ông 85 tuổi quyết định nhường giường bệnh để cứu sống người đàn ông trẻ hơn mình.

Cụ ông nói: "Tôi đã 85 tuổi rồi, đã sống hết mình với cuộc đời này. Việc cứu sống người khác quan trọng hơn. Con cái của họ vẫn còn nhỏ. Xin hãy nhường giường của tôi cho họ, tôi sống thế là đủ rồi".

Bất chấp lời khuyên của bác sĩ, ông Narayan vẫn quyết định về nhà và 3 ngày sau ông trút hơi thở cuối cùng bên người thân. Con gái của ông Narayan nói với truyền thông: "Cha tôi muốn dành những giây phút cuối đời bên gia đình hơn là ở bệnh viện. Ông ấy kể cho chúng tôi nghe về bệnh nhân trẻ tuổi hơn, ông ấy thà phó mặc cho số phận thay vì nằm giường thêm 2-3 ngày mà cái giá phải trả là sự sống của người khác".

Lời nói cuối cùng

Cô Barkha Dutt cũng như bao người dân Ấn Độ khác bị mất đi người thân vì Covid-19 trong sự bất lực và tuyệt vọng. Cha cô, ông Barkha Dutt, đã qua đời vào ngày 29/4 sau khi bình dưỡng khí trong xe cấp cứu đưa ông đến bệnh viện cạn sạch oxy.

"Lời nói cuối cùng của cha tôi vẫn văng vẳng bên tai: 'Tôi bị nghẹt thở, xin hãy điều trị cho tôi'", cô Barkha Dutt chia sẻ với CNN.

Cô Barkha Dutt cho biết, dù là tầng lớp thượng lưu hay trung lưu ở Ấn Độ cũng phải bất lực trước sự thiếu hụt oxy trầm trọng. Sau khi cha qua đời, Barkha Dutt rơi vào hoàn cảnh khó khăn khác. Khi gia đình đưa thi thể người thân đi hỏa táng thì "không còn một chỗ trống" và đã nổ ra "một cuộc chiến giữa các gia đình" để kiếm được một chỗ hỏa táng.

Tiếp tục loạt bi kịch giữa tâm chấn Ấn Độ: Con quỳ lạy xin oxy cứu mẹ, cụ ông nhường giường bệnh cho người trẻ bằng câu nói Tôi sống đủ rồi-3

Một phụ nữ đau đớn khi mất đi người thân vì Covid-19.

Số người tử vong vì Covid-19 tăng vọt đã khiến các lò hỏa táng và nghĩa trang rơi vào tình trạng quá tải. Các thi thể phải nằm la liệt trên sàn chờ đến lượt hỏa táng.

Các chuyên gia cho rằng dữ liệu hiện tại dự đoán số người chết ở Ấn Độ có thể lên tới 14.000 người mỗi ngày. Trong khi đó, những người đào mộ đang "làm việc suốt ngày đêm" để chôn cất bệnh nhân trong khi các công viên và bãi đậu xe trở thành lò hỏa táng vì tình trạng quá tải.

Theo Trí Thức Trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/tiep-tuc-loat-bi-kich-giua-tam-chan-an-do-con-quy-lay-xin-oxy-cuu-me-cu-ong-nhuong-giuong-benh-cho-nguoi-tre-bang-cau-noi-toi-song-du-roi-2220211504233269.htm

Covid-19

Ấn Độ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.