Tokyo loay hoay khôi phục hệ thống tàu điện của thế kỷ trước

Nhiều khu vực ở Tokyo, Nhật Bản đang nỗ lực khôi phục hệ thống tàu điện trước kia

Nhiều khu vực ở Tokyo, Nhật Bản đang nỗ lực khôi phục hệ thống tàu điện trước kia nhằm giảm ùn tắc giao thông dù vấp phải sự phản đối của không ít người.

Những chiếc tàu điện từng xuất hiện khắp Nhật Bản giờ chỉ còn là hình ảnh hiếm hoi. Phương tiện này ra mắt vào năm 1895 và đạt đỉnh cao vào năm 1932 khi được lưu hành ở 65 thành phố trên cả nước.

Số thành phố sử dụng tàu điện đã giảm còn 1/4 khi ôtô cá nhân, xe buýt và tàu điện ngầm dần trở thành nét đặc trưng trong xã hội Nhật Bản hiện đại.

Tuy nhiên, gần đây, mọi người đã quay lại sử dụng tàu điện như một giải pháp cho vấn đề giao thông công cộng.

Tiện lợi và thân thiện

Khu Katsushika ở phía đông Tokyo gặp khó khăn trong việc kết nối khu vực phía bắc và phía nam trong nhiều năm nay. Những người đi lại trên tuyến đường này phải sử dụng xe buýt và có thể bị chậm trễ do giao thông tắc nghẽn.

Hầu hết tuyến tàu ở Katsushika đều chạy từ đông sang tây. Do đó, chính quyền đang cân nhắc sử dụng tuyến đường bắc - nam mang tên Đường Shinkin. Tuyến đường dài 7 km này được xây dựng khoảng 90 năm trước nhưng chỉ được sử dụng chủ yếu cho tàu chạy.

Chính quyền địa phương đang nghiên cứu kế hoạch triển khai hệ thống tàu điện trên tuyến đường nói trên.

Tokyo loay hoay khoi phuc he thong tau dien cua the ky truoc hinh anh 1
Hệ thống tàu điện Toden là phương tiện giao thông chủ yếu ở Tokyo những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh: PhotoJapan.

"Một số thành phố ở Nhật đang đầu tư nguồn lực vào các dự án tàu điện. Vì vậy, chúng tôi sẽ nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm của họ", Thị trưởng Katsunori Aoki nói.

Toyama, thành phố khoảng 400.000 dân ở ven biển miền trung Nhật Bản, đã triển khai hệ thống tàu điện thành công. Đối với nhiều người ở đây, tàu điện là phương tiện phổ biến để di chuyển quanh thành phố.

Thành phố ra mắt Hệ thống đường sắt đô thị Toyama vào năm 2006 bằng cách tái sử dụng tuyến đường sắt cũ đã đóng cửa vì số lượng hành khách giảm.

Trong giờ cao điểm, tàu điện chạy với tần suất 10 phút một chuyến và chạy thường xuyên cả trong thời gian vắng khách. Số lượng hành khách sử dụng tàu điện hàng ngày đã tăng gấp đôi so với dịch vụ tàu điện cũ.

"Anh chỉ cần chờ nhiều nhất 15 phút là tàu điện tới", Yasuo Awashima, chủ tịch Hệ thống đường sắt đô thị Toyama, cho biết.

"Vì sàn xe thấp và không có bậc nên người cao tuổi và người khuyết tật có thể dễ dàng lên xuống. Chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ các hành khách. Họ nói tàu điện tốt hơn nhiều so với các đoàn tàu cũ", ông nói.

Khó khăn khi triển khai

Tuy nhiên, việc đưa hệ thống tàu điện đi vào hoạt động không hẳn là dễ dàng. Kế hoạch ra mắt hệ thống tàu điện ở thành phố Utsunomiya, phía bắc Tokyo, đang đi vào bế tắc. 

Ý tưởng của họ là xây dựng một đường tàu điện dài 15 km giữa Utsunomiya và một thành phố lân cận. Các quan chức hy vọng tàu điện sẽ làm giảm tắc nghẽn giao thông. Tổng chi phí xây dựng ước tính khoảng 400 triệu USD.

Nếu được hoàn thành, đây sẽ là đường tàu điện đầu tiên được Nhật Bản xây mới hoàn toàn. Các quan chức thành phố và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ kế hoạch này vì những lợi ích kinh tế mà nó mang lại.

Tokyo loay hoay khoi phuc he thong tau dien cua the ky truoc hinh anh 2
Một phụ nữ đi xe đạp băng qua các đường ray tàu điện tại khu mua sắm Sugamo Jizo-dori ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 13/1/2015. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, một số cư dân và thành viên của hội đồng thành phố đang đặt câu hỏi về hiệu quả của dự án.

"Việc khởi công xây dựng đúng hạn đang trở nên khó khăn do chúng tôi mất nhiều thời gian điều phối dự án hơn dự kiến", Thị trưởng Utsunomiya Eiichiro Sato nói.

Các khu vực khác ở Nhật cũng đang nghĩ đến việc khôi phục hệ thống tàu điện nhưng để đạt được sự đồng thuận của mọi người không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Trả lời trên NHK, Ryo Takagi, chuyên gia về hệ thống tàu điện của Đại học Kogakuin, Tokyo, cho biết những ý kiến trái chiều về hệ thống tàu điện là do việc triển khai thường tốn kém hơn so với xe buýt. Ngoài ra, các khu vực ở xa tuyến đường tàu điện thường khó tiếp cận với hệ thống.

Theo ông, điều quan trọng là phải tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng trong thành phố để đảm bảo cân bằng lợi ích cho toàn bộ cộng đồng dân cư.

"Đối với các thành phố có dân số dao động từ 100.000 đến 1 triệu, hệ thống đường sắt đô thị có khả năng trở thành phương tiện chiếm ưu thế của giao thông công cộng đô thị.

Nếu thành phố đã sẵn có mạng lưới đường sắt, việc sử dụng tàu điện có thể trở nên hấp dẫn hơn bằng cách cung cấp dịch vụ kết hợp các loại hình giao thông chẳng hạn", chuyên gia này cho biết.

Theo Zing.vn


ùn tắc giao thông

Hệ thống tàu điện

giao thông công cộng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.