"Vỡ mộng" làm giàu, nhiều tài xế Uber bán xe, tài khoản Grab bị "bán chui"

Không lâu sau cú chia tay đầy bất ngờ của Uber tại Việt Nam, nhiều lái xe Uber bị rơi vào cảnh mất phương hướng.

Không lâu sau cú chia tay đầy bất ngờ của Uber tại Việt Nam, nhiều lái xe Uber bị rơi vào cảnh mất phương hướng. Do quá kỳ vọng vào Uber trước đó nhiều người đã vay mượn để mua xe kinh doanh, khi Uber rút đi, thế sự đã rồi buộc các lái xe phải tính các phương án tồn tại hoặc bán xe trả nợ.

Grab tăng phí, tài khoản Grab bị "bán chui"

Theo chính sách mua lại Uber của Grab, các lái xe Uber được chuyển đổi tài khoản sang Grab khi thỏa mãn điều kiện đăng ký tài khoản Grab lần đầu hoặc không bị hãng Grab trước đó khóa tài khoản.

Việc chuyển đổi này được thực hiện sau khi Uber bán mình cho Grab. Tuy nhiên, hiện mức chiết khấu của lái xe khi đăng ký tài khoản mới cho Grab khá cao, số tiền phải nộp lên đến 25%/cuốc xe, mức này cao hơn so với tỷ lệ chiết khấu 20 - 25% của lái xe cho Uber trước đó.

Một kiểu rao bán tài khoản Grab có kèm theo tài khoản Uber có số tiền thưởng thường thấy trong những ngày gần đây trên mạng
Một kiểu rao bán tài khoản Grab có kèm theo tài khoản Uber có số tiền thưởng thường thấy trong những ngày gần đây trên mạng

Ngoài mức chiết khấu 25%, để có tài khoản mới, lái xe Grab thu thêm 3,6% thuế thu nhập cá nhân. Tổng cộng, nếu người mới tham gia Grab hiện phải trả cho Grab khoảng 28,6%, mức này hiện rất cao trong khi thị trường xe hợp đồng điện tử các hãng trong nước ngày càng đông doanh nghiệp tham gia, nhiều lái xe lo ngại sẽ không thể cạnh tranh với các xe cùng loại và nguy cơ thua lỗ là rất cao.

Theo ông Mạnh, chủ lái xe Uber tại Hà Nội, khi Uber có thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam từ giữa năm 2017, khi lấy mức chiết khấu lái xe mới cao hơn 23% đồng loạt thì các lái xe Uber X đã rất chật vật, đa số phải chuyển sang hình thức thông thường vì nhu cầu xe UberX ít hơn, trong khi Grab cũng có nhiều xe đẹp chạy mức giá bình dân.

"Khi Uber bán cho Grab, tôi đã tính bán xe bởi nếu mức giá chiết khấu cao, càng chạy nhiều càng vất vả, chỉ đủ điểm thưởng hoặc hòa vốn, chứ không lãi cao. Còn nếu chạy ít, nguy cơ lỗ do sắm xe kinh doanh ngày một thường trực. Tuổi cao rồi, nên xác định nghỉ ngơi, không kinh doanh nữa", ông Mạnh cho biết.

Trên thực tế, hiện rất nhiều lái Uber trước đó đã từng có tài khoản Grab nhưng bị khóa tài khoản do vi phạm quy định khi Grab mua lại Uber thì các lái xe này không thể quay trở lại hoạt động được. Cách duy nhất họ chạy xe hợp đồng là phải có tài khoản Grab.

Điều này khiến một loại hình kinh doanh tài khoản Grab phất lên, người có tài khoản Grab bán lại cho người cần mua với mức giá khoảng 2,5 triệu đến hơn 3 triệu đồng..

Tất nhiên, Grab không khuyến khích lái xe sử dụng chiêu thức này để tham gia vào hệ thống, tư vấn viên của Grab cho biết nếu phát hiện trường hợp bán tài khoản, cho người khác mượn tài khoản Grab để kinh doanh sẽ khóa vĩnh viễn và không trả thưởng bất kỳ số tiền nào còn tồn trong mã số tham gia.

Tuy nhiên, việc kiểm soát đối tượng này khá khó vì ít khi Grab kiểm tra thực tế lái xe. Về pháp lý, nếu trường hợp mất tài sản xảy ra, Grab cũng khó bảo vệ tài khoản của khách hàng chứ chưa nói đến việc minh bạch hóa người trong hệ thống kinh doanh của mình.

Tài xế Uber bán xe vì không muốn mạo hiểm

Mấy ngày làm việc với đại lý xe cũ tại đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Minh (Bắc Từ Liêm) đã bán được chiếc xe hatchback Hyundai i10 bản 4 chỗ đời 2014 với giá gần 300 triệu đồng.

Lái xe Uber chấp nhận bán xe vì không muốn mạo hiểm và tránh xuống giá xe cũ
Lái xe Uber chấp nhận bán xe vì không muốn mạo hiểm và tránh xuống giá xe cũ

Theo anh Minh, sau 5 năm trải nghiệm lái xe con chạy taxi, rồi mua xe để chạy Grab, Uber đến khi đem xe về chạy dịch vụ tại nhà, thời điểm này anh khá mệt mỏi với chính sách thay đổi.

"Bản thân tôi vay tiền mua xe cũ để kinh doanh, nhưng càng ngày cuốc xe càng ít, trong khi đó làm càng nhiều thì chiết khấu càng cao, vốn nhỏ nhưng lãi ngân hàng cao, chiết khấu lớn nên anh em lái xe rất khó khăn", anh Minh nói.

Anh Minh tâm sự: Chạy Uber và Grab bây giờ đều phải chi tiền hoa hồng, dịch vụ hạ tầng lớn trong khi đầu vào tự mình phải lo. Mỗi tháng trừ tất cả chi phí, anh Minh chạy trung bình được khoảng 8 triệu đồng tiền lãi, tháng nào nhiều khoảng 10 triệu đồng, nếu trả nợ ngân hàng số tiền mua xe, còn lại chẳng đáng bao trong khi công việc bấp bênh.

Không muốn mạo hiểm thêm, anh Minh quyết định từ bỏ Uber và Grab để xin lái xe cho trường học đưa đón học sinh với mức lương tương ứng và cảm thấy mãn nguyện với quyết định của mình.

Theo nhiều đại lý xe cũ, ngoài trường hợp nhiều hãng taxi bán xe, người đóng "họ" taxi bán xe cũ cho đại lý thì gần đây có khá nhiều khách bán xe từng là lái xe Uber, Grab.

"Người mua xe mới để chạy Uber cũng có song ít hơn người mua xe cũ để chạy Uber nhưng giờ thấy "cơm không lành, canh không ngọt" phải bán xe thì khá nhiều. Những chiếc xe mới có thể ít hỏng hóc, xe cá nhân sử dụng nên khách yên tâm vừa chạy xe vừa lấy xe đi lại. Còn riêng đối với người chỉ mua xe cũ để chạy dịch vụ, việc họ bắt buộc phải bán xe đi là bởi xe cũ hay hỏng vặt, nếu không bán sớm thời gian sắp tới rất khó bán xe do xe nhập không thuế tràn về nước ồ ạt", chủ một đại lý mua bán xe cũ tại Nguyễn Khánh Toàn cho biết.

Theo Dân trí


tài xế Uber

Grab


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.