Xăng dầu xa xỉ, biệt thự triệu đô hàng bình dân?

Mỗi lít xăng dầu phải “cõng” tới 6 loại thuế và phí các loại bao gồm thuế nhập khẩu, thuế VAT, phí xăng dầu (còn gọi là phí giao thông), tiền trích trả nợ tiền bù giá ngân sách, tiền trích quỹ bình ổn

Mỗi lít xăng dầu phải “cõng” tới 6 loại thuế và phí các loại bao gồm thuế nhập khẩu, thuế VAT, phí xăng dầu (còn gọi là phí giao thông), tiền trích trả nợ tiền bù giá ngân sách, tiền trích quỹ bình ổn.

Đặc biệt với mặt hàng xăng còn bị đánh thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Đây thực sự là một vấn đề gây nhiều suy nghĩ khi giá xăng dầu liên tục tăng, mỗi lít xăng gánh tới 6 ngàn tiền thuế.

Tuy nhiên, sự bức xúc ở đây không chỉ có vậy, nó khiến người ta bất bình vì một lý do thật sự vô lý: xăng dầu cũng bị đánh thuế TTĐB như những mặt hàng xa xỉ. Vậy thế nào là hàng xa xỉ và thế nào là thuế TTĐB và ai đáng phải chịu và ai không phải là những vấn đề cần phải làm rõ ràng.

Như đã biết, bản chất của thuế TTĐB là thu trên các mặt hàng không khuyến khích sử dụng, hàng xa xỉ như rượu bia, thuốc lá... Nếu xét như vậy một mặt hàng thiết yếu như xăng lại bị đánh thuế TTĐB e rằng còn khiên cưỡng. Thậm chí có điều gì đó khập khiễng khi đây là mặt hàng thiết thực, có ý nghĩa quan trọng mà nhiều bộ, ngành tham gia điều hành với cơ chế rất chặt chẽ. Mỗi lần xăng dầu có biến động là ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội.

Tuy nhiên, từ câu chuyện xăng dầu, người ta lại liên tưởng đến một thông tin thậm chí còn “sốc” hơn về một loại hàng xa xỉ đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng: biệt thự bỏ hoang lại không phải đóng một đồng thuế nào!


Chỉ tính riêng trên địa bàn thủ đô Hà Nội đang có hàng ngàn biệt thự trị giá “triệu đô” bỏ hoang dăm bảy năm nay không có người tới ở, bị cỏ dại và rác thải bao vây, thậm chí thành chỗ tụ tập của các tệ nạn xã hội. Điều này không chỉ gây lãng phí ghê gớm cho nền kinh tế của đất nước, bởi ai cũng biết BĐS hiện đang được xem là một vấn đề của nền kinh tế. Sự đóng băng của thị trường này đã gây tắc nghẽn nền kinh tế, bởi bao nhiêu tiền, tài sản và các nguồn lực khác bị “đào sâu chôn chặt” vào đó mà còn gây nên sự bức xúc lớn trong dư luận nhân dân trong bối cảnh mà hàng triệu người lao động không có nhà ở mà những biệt thự sang trọng này lại đang bị rêu phong, hoang hóa.

Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, yêu cầu một số chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt.

Ngoài mặt có vẻ như giới kinh doanh bất động sản rất tán thành chủ trương này khi tất cả tán đồng với Chính phủ về câu chuyện xử lý biệt thự bỏ hoang là chủ trương đúng để hạn chế những trường hợp mua nhà để đầu cơ.

Có điều họ chỉ “giơ tay biểu quyết” cho vui chứ trên thực tế thì vẫn viện dẫn ra nhiều lý do để “khất thuế”, trốn thuế, nào là cần phải xem xét kỹ, rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan như chủ đầu tư, người mua nhà, cơ quan chức năng cấp phép, cơ quản quản lý quy hoạch, căn cứ vào nguyên nhân bỏ hoang để quy trách nhiệm, từ đây mới có thể đưa ra biện pháp xử lý cụ thể, thỏa đáng…

Ở đây, dù không đi sâu vào yếu tố “kỹ thuật” nói trên, tuy nhiên chuyện một số “chuyên gia nhà đất” có những ý định “thanh minh hộ” cho những ngôi biệt thự “triệu đô” bỏ hoang là: do tác động của suy thoái kinh tế, thị trường BĐS trầm lắng giờ lại phải chịu thuế thì “khó chồng lên khó” thật khó chấp nhận.

Bởi lẽ, hàng triệu người tiêu dùng đang hàng ngày phải è cổ gánh tới dăm bảy loại phí cho mặt hàng thông dụng là xăng dầu thì không gặp hoàn cảnh “khó chồng lên khó” như các ông chủ của các khu biệt thự “triệu đô” sao? Đó là chưa nói đến chuyện nếu thuốc lá, rượu Tây, thậm chí cả xăng dầu còn bị liệt vào “xa xỉ” thì chẳng nghĩa lý gì những khu biệt thự “triệu đô” lại chỉ là thứ “hàng hóa thông dụng”?

Được biết sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, UBND TP Hà Nội đã đệ trình lên Chính phủ những biện pháp xử lý cụ thể. Theo đó, dự kiến mức thuế đánh biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm mà vẫn bỏ hoang thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự.

Đề xuất nói trên của Thủ đô Hà Nội xét dưới mọi góc độ từ kinh tế, tài chính và xã hội đều rất hợp lý và được dư luận trông chờ sẽ sớm được áp dụng, bởi xăng dầu là mặt hàng thông dụng thì bị áp thuế TTĐB, còn loại hàng hóa xa xỉ thứ thiệt là biệt thự bỏ hoang thì vẫn chẳng chịu loại thuế nào, đó là chuyện khó có thể chấp nhận được.
Tất nhiên, để làm được điều này những khó khăn không nhỏ sẽ hiện hữu là điều hoàn toàn có thể tiên liệu được, ví như vì lợi ích của nhóm người nào đó đang sở hữu những biệt thự này sẽ bị động chạm, rồi lộ trình để ra các văn bản xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai, quyền sở hữu đất đai chưa bao giờ là vấn đề đơn giản.
 
Theo VEF


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.