Công sở: “Ở đây tai vách mạch rừng…”

Thế giới đã hòa bình và chấm dứt chiến tranh từ lâu, nhưng những bí kíp để “sống còn” nơi công sở luôn “hao hao” giống các bí kíp để tồn tại trong thời chiến, bạn phải luôn nhớ một câu tục ngữ “Ở đây tai vách mạch rừng/Những điều bí mật xin đừng nói ra!”.Y

Thế giới đã hòa bình và chấm dứt chiến tranh từ lâu, nhưng những bí kíp để “sống còn” nơi công sở luôn “hao hao” giống các bí kíp để tồn tại trong thời chiến, bạn phải luôn nhớ một câu tục ngữ “Ở đây tai vách mạch rừng/Những điều bí mật xin đừng nói ra!”.

Rất nhiều khi, bạn vô tình nghe được không ít những câu chuyện nói xấu đồng nghiệp, nói xấu sếp, than vãn về áp lực công việc và kể lể về những câu chuyện nhen nhóm chuyện nhảy việc, cạnh tranh, bỏ nghề vì vô thiên lủng những lí do từ các đồng nghiệp. Khi ấy, bạn thường làm gì? Im lặng và lắng nghe hay cũng phát biểu ý kiến, 2 là chia sẻ, 2 là cảm thông, 3 là hùa theo câu chuyện đó?

Nhìn chung, dù bạn cư xử thế nào thì cũng hãy nghĩ đến hậu quả trong lời nói của bạn. Tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện tam sao thất bản chỉ vì không biết giữ mồm giữ miệng và không biết học hỏi đúng người, đúng thời điểm nên bỗng dưng mang vạ.

Công sở: “Ở đây tai vách mạch rừng…”

Cậu Trung là “ma mới” mới vào làm việc được hơn tháng. Nhìn chung, do chưa có kinh nghiệm làm việc nên cậu cứ lúng túng như gà mắc tóc. Lại phải cái tội hay ngại nên chẳng dám hỏi ai, có những từ chuyên môn không hiểu, search google cũng chẳng ra, quay tới quay lui định hỏi thì thấy các anh chị cứ chúi đầu làm việc, sợ làm phiền nên lại giấu dốt. Vì giấu dốt nên nhiều khi sếp giao cho cậu đề tài hay nói về chuyên môn, mặt cậu cứ gật gù làm như mình biết hết rồi, hiểu hết rồi. Sau đó thì lại hì hục tra cứu rồi “om” cái dốt vào người mà chẳng dám nói với ai. Có hôm trong cuộc họp, sếp bảo “dạo này bài lên trang các bạn không index à? Sao cứ để trang khác lấy về rồi index trước mình?”. Trung chẳng hiểu index là cái gì cả, mà quá nhiều thuật ngữ chuyên môn cậu không hiểu rồi, thế nên ngay trong cuộc họp cậu ngồi cạnh một đồng nghiệp trong có vẻ dễ chịu nhất, cậu hỏi nhỏ “chị ơi cho em hỏi, index là gì ạ?”. Chị đồng nghiệp nhìn Trung như một kẻ rơi từ trên trời xuống đất và…im lặng. Trung thấy chị không nói gì thì càng bối rối và ngại ngùng vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Chuyện không dừng lại đó, ngay buổi trưa hôm ấy, Trung đã nghe tiếng xì xào về “ai đó” là “dốt nát, nghiệp dư mà cũng được vào đây làm việc, không hiểu quan hệ thân tình với sếp thế nào? Đến cái thuật ngữ đơn giản nhất cũng không biết thì ngồi đây làm gì cho chật chỗ?”. Trung nghe những lời bóng gió ấy mà suy sụp, cậu càng mất niềm tin vào bản thân, không thể và không muốn kết nối với đồng nghiệp vì sợ lại bị nhìn bằng con mắt khinh thường. Quá trình tự bơi thì lại quá gian nan, vì thế sau hơn 1 tháng làm việc, Trung quyết định xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực từ công việc và đồng nghiệp.

Cô Lanh thì hay có tật gọi điện thoại trong phòng, chuyện gì nhà cô cô cũng cứ hồn nhiên mà buôn: Chuyện con ốm công ty không cho nghỉ, chuyện mẹ chồng khó tính tham tiền, chuyện chồng yếu sinh lý… đủ thứ chuyện nhạy cảm nên đi ra ngoài để buôn với bạn bè thì cô cứ cầm cái điện thoại kè kè bên tai, tay thì đánh máu mồm thì leo lẻo. Đồng nghiệp bên cạnh không muốn nghe cũng bị nghe, nghe nhiều chuyện phức tạp nhà cô họ đâm ra ức chế và tìm kênh để xả “cái chị Lanh ấy xấu tính thật, suốt ngày nói xấu mẹ chồng này kia, đã thế là còn dám mở mồm chê chồng yếu sinh lý, cái ngữ này có khi cắm sừng lên đầu chồng chục cái chứ chả chơi”.

Công sở: “Ở đây tai vách mạch rừng…”

Cô Lanh mồm miệng không dè chừng, nhưng tính tình tốt bụng, chỉ phải cái phổi bò nghĩ gì nói đấy đâm ra đúng là “khẩu thiệt”. Cô cứ vô tư buôn chuyện điện thoại hàng ngày đủ thứ chuyện linh tinh nhà mình cho đến khi có một đồng nghiệp khá thân chia sẻ tiếng đồn cô lang chạ với khá nhiều đàn ông thì Lanh mới té ngửa, không hiểu ai dựng chuyện cho mình? Nghĩ tới nghĩ lui đâm ra lại tuyệt vọng, chẳng hiểu sao chuyện chồng mình yếu sinh lý mà mình lại đi lang chạ khắp nơi? Tin đồn ở đâu ra? Tìm hiểu mãi để minh oan cho mình, cô mới biết họa từ mồm mình mà ra. Chẳng dám trách ai, chỉ biết trách mình, dại mồm dại miệng, vô tư thành vô duyên. Từ sau sự cố ấy, cô Lanh tiệt hẳn cái vụ gọi điện thoại vô tư buôn chuyện với bạn vì sợ “tai vách mạch rừng”.

Đấy, cứ bảo môi trường công sở trí thức, văn minh, tiến bộ. Nào ngờ tinh thần cảnh giác còn phải cao hơn cả thời chiến. Nói chung, sau những sự vụ tai nạn do nói năng không cẩn ngôn, không biết lựa lời, lựa người, lựa thời điểm, lựa nơi mà nói thì ai ai trong công ty cũng đều tự nhắc nhở mình “chớ có dại mà nói linh tinh kẻo lại tai bay vạ gió”.

Theo Congluan


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.