Âm p (pờ) không được dạy trong sách Tiếng Việt 1 NXB GDVN: Hệ luỵ nghiêm trọng?

Vừa qua, nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh đã rất bất ngờ và bày tỏ nghi ngại trước việc Sách Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) đã bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục.

Phá vỡ cấu trúc khoa học của văn bản tiếng Việt, giao tiếp tiếng Việt

Trong bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có ý kiến việc, sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ dạy chữ P khi kết hợp với H tạo thành PH đọc là " phờ". Ông cũng rất ngỡ ngàng khi một chủ biên của bộ sách này có phản hồi với ông và lý giải việc chưa dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai (!?).

“Trang 64 sách Tiếng Việt 1 bộ Kết Nối tri thức với cuộc sống chỉ nêu p ghép với h thành ph đọc là phờ, và không dạy đọc chữ p với âm pờ. Nhưng đùng một cái trang 105 sách này lại cho bài về Sa Pa…” – Thầy Đào Quốc Vịnh đặt nhiều dấu hỏi trước bất cập trên.

Âm p (pờ) không được dạy trong sách Tiếng Việt 1 NXB GDVN: Hệ luỵ nghiêm trọng?-1

Thầy Đào Quốc Vịnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội).

Với các công trình dịch thuật ở các lĩnh vực như dược, hóa học, văn học… khi dịch sang tiếng Việt thì tần suất sử dụng chữ P là tương đối lớn. Nếu thay thế P bằng PH sẽ cho kết quả ra sao?

Hàng triệu học sinh Tiểu học vô tình “què quặt” ngay với tiếng mẹ đẻ, khi trong cả cách nói và cách hành văn đều gặp nhiều lúng túng. Ai sẽ chịu trách nhiệm với hệ quả đau lòng này, chỉ vì sự tùy tiện của người biên soạn sách?

Hệ quả về nhận thức chính trị

Cũng theo thầy Đào Quốc Vịnh, có rất nhiều địa danh, tên người cụ thể có chữ P đứng trước nguyên âm, chưa kể tên một số dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số cũng có chữ P đứng trước nguyên âm nên việc không dạy chữ p và âm "pờ" là một lỗi nghiêm trọng. Sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh. Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc.

Một ví dụ liên quan đến địa danh ở tỉnh Lai Châu :

Tỉnh Lai Châu có 9 cấp quận huyện, thị xã thì có 9 xã đứng đầu có phụ âm P và liên quan đến chữ cái P: Huyện Mường Tè có 2 xã: Pa Ủ, Pa Vệ Sử. Huyện Sìn Hồ có 3 xã: Pa Tần, Pu Sam Cáp, Pa Khoá. Huyện Phong Thổ có xã Pa Vây Sử. Huyện Tân Uyên có xã Pắc Ta. Huyện Nậm Nhùn có 2 xã : Pú Đao, Nậm Pì.

Biết sai nhưng vẫn làm?

Theo quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 đã quy định bảng chữ cái chuẩn cho tiếng Việt gồm 29 chữ cái. Trong đó có phụ âm P. Cũng trong Quyết định số 31 kể trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai khi đó cũng đã kí ban hành Mẫu chữ viết trong Trường Tiểu học gồm 29 chữ cái, trong đó có chữ P. Như vậy, bảng chữ cái đã được chuẩn hóa, có tính khoa học, tính pháp lí và thống nhất trong phạm vi cả nước. Không một tập thể, một cá nhân nào được phép tùy tiện thay đổi, cắt xén, chỉnh sửa. Với việc biên soạn SGK, việc tuân thủ các nguyên tắc kể trên càng phải chặt chẽ với yêu cầu cao nhất. PGS.TS Bùi Mạnh Hùng là chuyên gia của Bộ GD&ĐT trong biên soạn SGK, không thể không biết những quy định trên. Nhưng thật khó hiểu khi ông cùng cộng sự vẫn “thẳng tay” bỏ không dạy chữ P cho học sinh Tiểu học. Vậy biết sai nhưng vẫn làm, có hay không hành vi cố ý làm trái quy định của đội ngũ biên soạn?

Thầy Đào Quốc Vịnh cho rằng, Bộ GD&ĐT và các cơ quan hữu quan cần vào cuộc, yêu cầu NXB GDVN và cụ thể là PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên bộ sách Kết nối tri thức với sống cần bổ sung ngay việc dạy chữ P, đưa chữ cái này trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy đinh.

Theo baophapluat


sách Tiếng Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.