Cách phụ huynh ứng phó với vấn nạn sách nhảm

Sách truyện thiếu nhi xuất hiện nhiều dị bản, nội dung biến tấu, nhiều chi tiết bạo lực, nhảm nhí… khiến không ít phụ huynh lo ngại con mình bị tiêm nhiễm.

Gần đây, truyện cổ tích có chi tiết cha muốn cưới con khiến dư luận không khỏi bức xúc vì cho rằng chi tiết này là phi đạo đức. Ngay sau đó, nhà xuất bản đã thu hồi và ngừng xuất bản, tuy nhiên, nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang, tìm cách chọn lọc sách cho con hoặc giáo dục con sớm về giới tính, luân thường đạo lý.

Kiểm duyệt trước khi sách/truyện đến tay con

Đây là giải pháp được đại đa số các phụ huynh lựa chọn trước vấn nạn sách "nhảm".

Chị Nguyễn Thu Hiền (Long Biên, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi thật sự sốc khi đọc cho con nghe truyện Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm. Không thể ngờ được người ta đưa cả chi tiết "cha muốn cưới con" vào trong truyện tranh cho trẻ em.… Từ nay trở đi, tôi sẽ "kiểm duyệt" thật kỹ trước khi mua hay nhận sách được tặng cho con”.

Đoạn gây tranh cãi
Đoạn gây tranh cãi trong truyện Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm

Anh Dũng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Năm ngoái, báo chí từng phản ánh truyện Cổ tích về các loài chim và muông thú có nội dung thiếu lành mạnh, miêu tả phản cảm về chuyện ấy. Đợt đầu năm phát hiện dị bản Thạch sanh, ngoài dùng từ ngữ bạo lực, còn có chi tiết nhạy cảm mẹ nhường khố chẳng hay ho gì. Rồi truyện Thỏ trắng và Hổ xám dùng từ tục tĩu. Giờ lại đến “cha muốn cưới con” không phù hợp luân thường đạo lý… Tôi luôn phải chọn thật kỹ, xem sách là của NXB nào, tác giả nào và sẽ ưu tiên chọn sách của NXB và tác giả có uy tín. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đọc qua nội dung sách trước khi quyết định mua, tránh để lọt sách nhảm vào tay con".

Với các bậc phụ huynh bận rộn như chị Hồng Nam (Hà Nam), chị thường tham khảo ý kiến của cô giáo và các phụ huynh có kinh nghiệm khác. Họ thường trao đổi và chia sẻ các đầu sách và ấn phẩm hay, có giá trị nên mua cho con đọc.

Dành thời gian đọc sách cùng con

Theo bà Vũ Thị Thu Nhi, Phó ban biên tập thiếu nhi Nhà xuất bản Trẻ: Việc lựa sách xuất bản là trách nhiệm của nhà xuất bản, nhưng để tạo ra văn hóa đọc thì có phần trách nhiệm không nhỏ của cha mẹ. Nếu phụ huynh dành nhiều thời gian đọc sách cùng con sẽ an tâm hơn với trẻ.

Trang sách trong truyện cổ tích về các loài chim và muôn thú miêu tả phản cảm khiến độc giả bức xúc

Tương tự, chị Thanh Vân (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho rằng: Có những truyện của con được tặng/cho hoặc khi mua về mà chưa kịp xem qua trước nội dung thì tốt nhất cha mẹ nên đọc cùng con. Điều này không chỉ tạo sự gần gũi giữa bố mẹ và con cái, còn giúp phụ huynh kịp thời can thiệp khi phát hiện nội dung không lành mạnh như tịch thu không cho con đọc tiếp, giải thích cho con hiểu tại sao không nên đọc….

Biến nguy cơ thành cơ hội

Đa phần độc giả cho rằng với những sách truyện nội dung phản cảm, thiếu lành mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý và hành vi của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có một số người lại coi đây là cơ hội tốt để người lớn dạy dỗ con trẻ về những nguyên tắc trong cuộc sống.

Một độc giả chia sẻ trên báo Người lao động về truyện cổ tích có chi tiết cha muốn cưới con: Tại sao bố mẹ không giải thích cho con trẻ lý do vì sao không thể có chuyện đó xảy ra? Nếu quyết định thế thì ông vua kia là người thế nào? Suy nghĩ của các đại thần và công chúa có đúng hay không? Tôi thấy quá hay để giải thích cho trẻ. Bạn phải đọc hết truyện đã rồi hãy phê phán, đọc đến đấy thôi thì chỉ thấy được cái nút thắt, mở nút là phải đọc tiếp đoạn sau nữa.

Phụ huynh nên chọn lựa sách truyện và dành thời gian đọc cùng con

Anh Ngọc (32 tuổi, Hưng Yên) không tán thành việc đưa những nội dung nhạy cảm vào sách truyện của trẻ em. Nhưng nếu con trót đọc rồi, tiếp xúc với những thông tin đó rồi thì bố mẹ thay vì lo lắng hãy biến những sản phẩm “rác” ấy thành tư liệu để dạy con. Chẳng hạn, hãy nói với con rằng truyện này có nhiều chi tiết không đúng, không phù hợp…. và giải thích rõ cho con tại sao. Sau đó có thể dặn con, lần sau có sách truyện gì nên đưa để bố mẹ xem qua trước khi đọc…

Ngoài ra, phụ huynh có thể nói chuyện với trẻ về những vấn đề về giới tính, sức khỏe sinh sản hay đạo lý làm người từ nhỏ (khi có cơ hội và phù hợp với độ tuổi) để trẻ có thể tự phân biệt được đúng sai khi đọc sách, truyện có những nội dung thiếu đúng đắn.

V.K (tổng hợp)/VietNamNet




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.