Tự dưng cô “dí” cho con tôi chức lớp trưởng, cháu học không tốt thì phê bình rồi cắt chức: Sao cứ thích làm tổn thương con trẻ?

"Mình đâu có xin chức cho con đâu. Tự cô "dí" cho con cái chức đấy rồi bắt nó phải làm gương, phải như này như nọ để các bạn noi theo", chị Linh bức xúc chia sẻ.

Chị Nguyễn Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái đang học lớp 5 tại một trường tiểu học. So với các bạn khác trong lớp, con chị có học lực thuộc dạng khá, tính cách cũng ngoan ngoãn, nghe lời. "Chính vì thế nên đầu năm nay, cô giáo "dí" cho con mình cái chức lớp trưởng dù cả mình, cả cháu đều không muốn. Cháu học cũng không quá xuất sắc, chỉ khá thôi. Với lại cháu cũng không có kỹ năng quản lý. Mà cái chức này lại thường xuyên bị cô giáo giao nhiều trọng trách, các bạn trong lớp thì hầm hè", chị Linh kể lại.

Dù không muốn nhưng khi được cô giáo thuyết phục và cả nài nỉ, bà mẹ này đành đồng ý cho con nhận chức. Cũng theo chị Linh, đây là quyết định cực kỳ sai lầm. "Con mình các năm trước vừa học, vừa chơi, nói chung tinh thần rất thoải mái. Nhưng từ lúc làm lớp trưởng thì cảm giác hốc hác hẳn. 

Mỗi hôm nó lại về than một kiểu: "Cô bảo con phải làm gương cho các bạn mẹ ạ", "Hôm trước con bị phê bình vì làm lớp trưởng mà giải sai mấy bài toán", "Hôm trước cô gọi riêng con ra để nhắc nhở", "Cái Mai cùng lớp bảo con là tay sai của cô. Cô cứ mắng ai mất trật tự là chúng nó lại đổ cho con mách lẻo", "Hay thôi con chẳng làm lớp trưởng nữa đâu, mệt lắm",... Nhiều hôm nó đi học về mắt đỏ hoe, trông rất tội".

Tự dưng cô dí” cho con tôi chức lớp trưởng, cháu học không tốt thì phê bình rồi cắt chức: Sao cứ thích làm tổn thương con trẻ?-1
Chức lớp trưởng khiến cho chị Linh bị nhiều bạn cùng lớp ghét (Ảnh minh họa).

Chị Linh sau đó chỉ biết động viên, an ủi con cố gắng bởi: "Cô có yêu mến, tin tưởng thì mới giao cho làm". Tuy nhiên sau một tháng làm lớp trưởng, con chị đột ngột bị cắt chức. "Hôm kia đón con đi học về, mình đã thấy lạ. Mắt nó sưng húp chẳng nói chẳng rằng, tối lại bỏ cơm. Mình động viên mãi thì con mới mếu máo kể: "Nay cô phê bình con vì làm lớp trưởng mà không quán xuyến, bao quát được hết lớp giúp cô. Mấy bài tập thì làm không tốt bằng các bạn. Cô bảo con không phù hợp rồi cắt chức, cho bạn Ngọc lớp phó lên làm thay 1 tuần rồi tìm lớp trưởng mới". Con thấy mấy đứa trong lớp ngồi cười con, xong gọi con là "lớp trưởng thất thế". 

Theo chị Linh, hành động của cô giáo là thiếu tinh tế, phản giáo dục. "Mình đâu có xin chức cho con đâu. Tự cô "dí" cho con cái chức đấy rồi bắt nó phải làm gương, phải như này như nọ để các bạn noi theo. Chuyện đó thì mình cũng bỏ qua, bởi dù gì nó cũng một phần khiến con chăm chỉ, học tốt hơn. Nhưng cái chuyện cắt chức đột ngột thì không chấp nhận được. Đáng lẽ ra cô nên nói chuyện trước để chuẩn bị tinh thần cho con hoặc có cách nói nào đó khiến con không bị tổn thương tinh thần. Mấy hôm nay, con mình vẫn buồn lắm, đi học còn bị các bạn trong lớp trêu". 

"Con tôi chỉ cần khá hơn so với bản thân nó ngày hôm qua, không phải so đo với bạn nào cả..."

Có con trai hiện học lớp 7 và cũng đang đảm nhận chức vụ lớp trưởng, anh Quân (Đống Đa, Hà Nội) từng trải qua kha khá cảm giác giống chị Linh. "Con mình làm lớp trưởng từ năm lớp 6, là do cô với các bạn trong lớp bầu. Nói chung cháu được làm lớp trưởng thì bố mẹ cũng tự hào, hãnh diện. Vì con mình học giỏi, đạo đức tốt thì mới được tập thể tin tưởng. Nhưng nhận chức mà khiến con trở thành rô bốt, lúc nào cũng phải giữ hình tượng thì mình không muốn".

Anh Quân chia sẻ, học kỳ II năm ngoái, con anh bị stress vì cô giáo lúc nào áp: "Lớp trưởng thì phải hơn các bạn", "lớp trưởng gì mà lại điểm thấp hơn các bạn",... Điểm cao thì không sao mà điểm thấp một cái là bị phê bình ngay. Rồi sáng nào cũng đi học sớm hơn 15, 20 phút để làm gương. Tối cũng học muộn vì lại sợ "không thành tấm gương". Học lớp 6 mà lụ khụ, dậy sớm thức khuya y như học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học".

Tự dưng cô dí” cho con tôi chức lớp trưởng, cháu học không tốt thì phê bình rồi cắt chức: Sao cứ thích làm tổn thương con trẻ?-2
Lớp trưởng và áp lực phải làm gương, bị chê cười nếu thành tích sa sút (Ảnh minh họa)

Anh Quân sau đó đã chủ động nói chuyện với cô giáo, đề xuất cho con thôi cái chức lớp trưởng. "Mình bảo với cô: "Gia đình cho cháu xin thôi chức, chứ nhìn cháu lúc nào cũng mệt mỏi, áp lực. Bố mẹ chỉ mong cháu ngày hôm nay khá hơn so với bản thân của ngày hôm qua thôi. Còn cứ phải làm gương, so sánh với các bạn khác thì không nên, dễ gây ra áp lực tâm lý không tốt". Sau khi nói chuyện thẳng thắn, thân tình thì cô giáo cũng rút kinh nghiệm và không nặng nề "hình mẫu lớp trưởng" với con nữa. Nói chung hai bên đạt được sự thỏa thuận rồi thì mình cũng vui vẻ cho con làm tiếp". 

Giáo viên cần tinh tế nếu muốn thay lớp trưởng

Cô Thanh Nga (TP. Thái Nguyên) đã có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục. Nói về chuyện lớp trưởng, cô giáo tiểu học này cho biết: "Hầu hết giáo viên đều lựa chọn những bạn xuất sắc về học tập, ngoan ngoãn để giữ chức lớp trưởng, lớp phó. Điều này không chỉ để làm gương cho các bạn trong lớp mà mục đích còn giống như một trợ lý thân cận để giúp đỡ thầy cô. Bên cạnh đó nếu chọn các bạn học kém làm lớp trưởng thì dễ gây ra tâm lý chống đối, không phục của các thành viên trong lớp. 

Chẳng hạn như ở một doanh nghiệp, nếu người năng lực yếu kém lên làm lãnh đạo thì nhân viên cũng không phục rồi xì xào, bàn tán sau lưng".  

Tự dưng cô dí” cho con tôi chức lớp trưởng, cháu học không tốt thì phê bình rồi cắt chức: Sao cứ thích làm tổn thương con trẻ?-3


Về việc có nên chỉ định một cá nhân làm lớp trưởng, lớp phó hay không, cô Nga cho rằng không nên. "Cho các con tự tranh cử là tốt nhất. Các con tự thể hiện được điểm mạnh của mình, mà cô giáo cũng không mang tiếng thiên vị, các bạn trong lớp không tị nạnh. Trường mình hiện đang giảng dạy theo phong cách VNEN (cách dạy hướng tới việc học tập chủ động. Mô hình VNEN đòi hỏi phát huy tính tích cực của cả người dạy và người học) nên cứ 2 tháng sẽ cho các con bầu Chủ tịch hội đồng tự quản 1 lần. Các con ứng cử chức chủ tịch, phó chủ tịch, sau đó phải đứng trước lớp tranh cử. Bạn nào được nhiều phiếu bầu, bạn đó thắng cử làm lớp trưởng".

Theo cô Nga, có nhiều thầy cô vì cầu toàn nên luôn đòi hỏi học sinh phải toàn diện trong khi chính mình cũng không toàn diện. Điều này là không tốt và cần loại bỏ. Trong trường hợp lớp trưởng thực sự không phù hợp thì giáo viên cần có cách thay đổi thật tinh tế, tuyệt đối không phê bình rồi đột ngột cắt chức của các con. "Chẳng hạn giáo viên có thể nói là: Cô thấy con làm rất tốt. Bắt đầu từ hôm sau con sẽ giúp đỡ bạn B vì cô hy vọng bạn ấy giỏi và ngoan như con", cô Nga gợi ý. 

 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tu-dung-co-di-cho-con-toi-chuc-lop-truong-den-khi-chau-hoc-khong-tot-thi-phe-binh-roi-cat-chuc-sao-cu-thich-lam-ton-thuong-con-tre-162201110130220765.htm

lớp trưởng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.