Điều chưa từng có trong 30 năm nghề giáo của thầy hiệu trưởng

Đã công tác trong ngành giáo dục 30 năm nay,  đợt nghỉ Tết dài như thế này là điều chưa từng có của thầy Chực, hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lôi 1.

Nói chuyện với cháu qua Zalo, đi họp không dám bắt tay

Nhà thầy Chực có nuôi 2 con bò. Từ khi xã Sơn Lôi bị cách ly, bò nhà thầy không được sang ăn cỏ ở cánh đồng xã bên nữa. Vợ thầy nhốt bò một chỗ, nấu cám và cho chúng ăn thêm rơm.

Cũng từ khi Sơn Lôi bị cách ly, vợ thầy – vốn làm công việc nấu ăn cho một công ty gần đó – cũng nghỉ ở nhà. Cô được hỗ trợ 80% số lương cơ bản 3,9 triệu/tháng. Thầy bảo “như thế là quý quá rồi, nếu người ta không hỗ trợ đồng nào thì cũng phải chịu thôi”.

Thầy Chực có 2 cô con gái. Cô lớn lấy chồng ở xã bên. Hôm mồng 2 Tết, chị cho con sang thăm ông bà 1 lần. Vài hôm sau, nghe ngóng dịch bắt đầu có dấu hiệu bùng phát, chị gọi ngay cho bố mẹ dặn "đừng sang thăm cháu nữa nhé”. Thế là từ đó đến giờ, vợ chồng thầy chỉ nói chuyện với con cháu qua Zalo.

Còn cô con gái thứ 2 nhà thầy, từ hôm ra Hà Nội đi làm tới giờ, làm được vài buổi cũng được yêu cầu tự cách ly tại nhà trọ. Bây giờ, chị đã được gỡ cách ly rồi nhưng thầy Chực vẫn bảo con từ từ hẵng về nhà, để khi nào tuyên bố Vĩnh Phúc hết dịch rồi về cũng chẳng sao. Thầy còn dặn con chưa phải đến công ty vội, khiến mọi người e dè, hoang mang.

Còn riêng vợ chồng thầy, ngay cả khi cả xã chưa bị cách ly, cũng từ chối đến các đám cưới hỏi, giỗ chạp ở ngoài xã. ‘Đi họp tôi cũng không dám bắt tay mọi người, nói mọi người thông cảm vì mình đang ở vùng dịch’.

Điều chưa từng có trong 30 năm nghề giáo của thầy hiệu trưởng-1Thầy Nguyễn Bá Chực - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lôi B - vẫn tới trường hằng ngày suốt thời gian học sinh được nghỉ học. Ảnh: Nguyễn Thảo


Thầy bảo, có thể với một số thầy cô giáo trẻ sẽ không tránh khỏi tâm lý hoang mang. "Ai mà không sợ? Mình không thể trách mọi người được, kể cả những người bên ngoài có ý né tránh người dân Sơn Lôi. Hay thậm chí với cả một số thầy cô ở ngoài xã cũng ngại đến trường thời điểm trước cách ly. Điều đó cũng là dễ hiểu. Là hiệu trưởng, mình chỉ còn cách động viên các thầy cô thôi".

Cách đây 16 năm, thầy cũng từng có những trải nghiệm tương tự khi dịch bạch hầu bùng phát. 2 học sinh đã tử vong. Khi đó, thầy Chực còn làm hiệu trưởng ở trường tiểu học xã bên. Trường của thầy phải đóng cửa 2 tuần.

‘Tôi đã qua cái tuổi dễ hoang mang, căng thẳng trước những chuyện như thế này. Điều may mắn nhất là tính đến thời điểm này, Sơn Lôi và cả nước đã tạm thời kiểm soát được dịch bệnh mà không có tổn thất nào về người’.

‘Đây cũng là lúc mà chúng tôi nhận thấy rõ nhất tinh thần đoàn kết, tấm lòng hảo tâm của rất nhiều cơ quan, đơn vị dành cho ngôi trường của chúng tôi nói riêng và người dân xã Sơn Lôi nói chung’.

Điều chưa từng có trong 30 năm nghề giáo của thầy hiệu trưởng-2Sơn Lôi thời điểm còn cách ly


Giao bài tập ở điểm chốt chặn

Là giáo viên dạy lớp 3 ở Trường Tiểu học xã Sơn Lôi, thầy Tuân không phải dân trong xã, mà sống ở TP. Vĩnh Yên – cách trường khoảng 7km.

Từ khi xã bị cách ly, thầy Tuân chưa đến trường ngày nào. Nhưng cứ thứ 2 hằng tuần, thầy lại cầm 7-8 trang bài tập đứng ở chốt chặn vào xã, đợi phụ huynh đến lấy đề. Hai người trao nhau mấy tờ giấy qua barie. Vị phụ huynh này sẽ làm nhiệm vụ photo đề cho cả lớp rồi gửi đến các phụ huynh khác trong xã.

Cũng có hôm, thầy còn mua cả thuốc men, rút tiền ở cây ATM hộ một số người quen ở phía bên kia barie. Công tác ở đây 27 năm, Sơn Lôi cũng đã như ngôi nhà thứ 2 của thầy với rất nhiều mối quan hệ thân sơ.

Điều chưa từng có trong 30 năm nghề giáo của thầy hiệu trưởng-3Thầy Trần Minh Tuân - giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lôi B làm nghề tay trái của mình. Ảnh: NVCC


Có một điều thầy Tuân lờ mờ nhận ra là “hình như học sinh nghỉ nhiều quá cũng chán, hay là vì bố mẹ chúng nghỉ làm ở nhà, chịu khó đốc thúc con cái nên các em chịu khó làm bài tập hơn hẳn”. Thầy Tuân cũng phấn khởi ra mặt cho dù có là lý do gì đi chăng nữa.

Ngoài việc không phải đến trường, cuộc sống của thầy giáo sinh năm 1973 không có thay đổi gì nhiều ngoài việc nghề tay trái của thầy được dịp đắt khách hơn đôi chút.

Thầy Tuân ‘bén duyên’ với công việc phun thuốc muỗi đã 17 năm nay sau nhiều lần xem phim ‘tây’ rồi tự hỏi “sao bên ấy không phải mắc màn nhỉ”.

Nếu như không có dịch bệnh, thầy thường tranh thủ đi phun thuốc muỗi cho nhà dân vào dịp cuối tuần hoặc sáng sớm trước giờ lên lớp. Trung bình, mỗi gia đình cần phun 1 bình thuốc trong vòng 30 phút với giá 100 nghìn cả tiền thuốc lẫn tiền công. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh, thầy còn được thuê phun cả thuốc khử khuẩn cloraminB. "Hầu như ngày nào cũng có việc. Công việc nhiều hơn khoảng 10-15% so với ngày thường" – thầy Tuân kể. Nhưng chắc chắn thầy chẳng bao giờ mong muốn nguồn thu nhập của mình tăng lên nhờ lý do này.

Điều chưa từng có trong 30 năm nghề giáo của thầy hiệu trưởng-4Thầy Trần Minh Tuân trên bục giảng. Ảnh: NVCC


"Thời khắc giao thừa thứ 2 của chúng tôi"

Ngày 13/2 khi Sơn Lôi bị cách ly, đứa con thứ 3 của thầy Trần Quang Thành mới sinh được 1 tháng. Từ trước khi cả xã bị cách ly, vợ chồng thầy đã mua sắm sẵn các nhu yếu phẩm cần thiết cho trẻ sơ sinh tích trữ trong nhà.

Nếu Vĩnh Phúc là điểm nóng của cả nước những ngày qua thì Sơn Lôi là điểm nóng của Vĩnh phúc và thôn Ái Văn là điểm nóng của Sơn Lôi trong số 6 thôn của xã. Gia đình thầy Thành sống ở thôn Ái Văn – cách nhà cô gái trở về từ Vũ Hán khoảng 1km. Cả nhà có 7 người thì 2 người già, 3 đứa trẻ con đang tuổi hiếu động. Không chỉ phải thận trọng từng ly từng tí để phòng dịch, vợ chồng thầy còn bận trông nom việc học hành, ăn uống của 3 đứa trẻ.

Thầy Thành là giáo viên duy nhất của Trường THCS xã Sơn Lôi là người trong xã, vì thế thỉnh thoảng thầy có ghé qua trường để giúp việc giấy tờ, công văn cho thầy hiệu trưởng. Ngoài ra, cả nhà chẳng dám đi đến đâu. ‘Chuyện trò với hàng xóm cũng chỉ ghé qua bờ rào rất dè dặt’.

Vì thế, trong ngày đầu tiên Sơn Lôi gỡ cách ly, thầy quyết định “làm một chuyến đi chợ sang thị trấn Hương Canh, mua chút đồ ăn tươi cho gia đình”.

Thầy giáo sinh năm 1983 chia sẻ, “hình như khung cảnh cũng có khác, hay là vì tâm trạng mình khác”.

Điều chưa từng có trong 30 năm nghề giáo của thầy hiệu trưởng-5Sơn Lôi ngày đầu tiên gỡ cách ly. Ảnh: Nguyễn Thảo


Tối qua, khi theo dõi lễ tuyên bố gỡ cách ly Sơn Lôi qua các phương tiện thông tin đại chúng, thầy giáo dạy Văn cảm thấy rất xúc động.

“Lần đầu tiên, mình chứng kiến một đợt chống dịch dài ngày, cam go như thế ở địa phương mình, mà chính mình lại là người trong cuộc”.

“Rất may mắn là người dân Sơn Lôi đã vượt qua. Khi xem những thước phim do các bạn phóng viên, các bạn trẻ gửi qua Facebook, mình thấy rất xúc động. Đặc biệt, khi nhìn thấy đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ bắt tay các y bác sĩ và công an ở chốt số 1, mình cảm thấy như thể các đồng chí cũng có chút quyến luyến với Sơn Lôi. Bởi vì khi về làm nhiệm vụ ở Sơn Lôi, thực ra các đồng chí cũng đang cùng cách ly với người dân. Có thể nói thời khắc hôm qua giống như nhiều người ví - là thời khắc giao thừa thứ hai của chúng tôi”.

Trong số những đề bài giao cho học sinh ôn tập suốt 1 tháng nghỉ học vừa qua, thầy Thành có ra một đề bài mang tính ứng dụng thực tiễn cao như sau: Trong bối cảnh và tinh thần hỗ trợ chống dịch của các đoàn thể, cá nhân dành cho người dân Sơn Lôi, các em hãy kể lại một câu chuyện mà các em được chứng kiến hoặc trải qua khiến các em xúc động.

Thầy Thành hi vọng, vào giờ giảng đầu tiên khi quay lại trường, thầy sẽ nhận được nhiều câu chuyện ý nghĩa từ các học trò từng ở nơi "tâm dịch".

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/ky-nghi-ky-luc-cua-nhung-nguoi-thay-o-son-loi-621624.html

virus corona

dịch bệnh

nghề giáo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.