Giật mình với quỹ “khủng” tại các lớp tại chức

Một năm 2 kỳ, mỗi kỳ 2 tháng và chỉ học vào ba buổi cuối tuần nhưng số tiền quỹ của một số lớp tại chức thu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Một năm 2 kỳ, mỗi kỳ 2 tháng và chỉ học vào ba buổi cuối tuần nhưng số tiền quỹ của một số lớp tại chức học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa thu lên đến hàng trăm triệu đồng. Đã có nhiều học viên phải bỏ học vì không thể theo nổi khoản tiền quỹ “khủng” đó.

 

Tại chức là hệ đào tạo dành cho những đối tượng vừa đi làm, vừa đi học hoặc những sinh viên không có điều kiện tham gia chương trình học chính quy. Giống như hệ học chính quy, sinh viên tại chức nếu nghỉ quá số buổi quy định sẽ không được thi hết môn và phải học lạị. Theo quy định, giảng viên sẽ lên lớp 70% số tiết học phần, 30% còn lại sinh viên sẽ tự nghiên cứu ở nhà có hướng dẫn.

Việc học viên học tại các lớp tại chức phải đóng khoản quỹ “khổng lồ”, “bất thường” đã không còn là chuyện lạ. Nhưng việc đóng quỹ lớp cao ngất ngưởng lên tới tiền trăm triệu cho một kỳ học dài hai tháng thì chắc ít nơi nào như ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa.

Giật mình với quỹ khủng” tại các lớp tại chức-1
Danh sách thu tiền quỹ của một lớp tại chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa.

Tiền quỹ là số tiền mà tất cả các cấp học thường phải đóng để phục vụ cho quá trình học. Thế nhưng, khi số tiền đóng lên đến hàng trăm triệu đồng thì khiến không ít người phải giật mình.

Một số học viên đang theo học tại một số lớp học tại chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa cho hay, họ vô cùng mệt mỏi mỗi khi nhắc đến khoản tiền quỹ. Mặc dù thời gian học không bao nhiêu nhưng lại tỷ lệ nghịch với số tiền quỹ được đóng vào.

“Số tiền quỹ càng ngày càng được tăng thêm theo mỗi kỳ học. Nếu kỳ 1 thu 400 nghìn/học viên thì kỳ 2 thu lên tới 800 nghìn, kỳ 3 thu tới 1200.000 đồng, còn kỳ này thì lớp mình đang thu tới 800 nghìn đồng/người. Lớp có tổng trên 132 học viên. Như vậy số tiền quỹ được nhân lên không hề nhỏ. Một số học viên do không thể theo nổi đã phải nghỉ học giữa chừng, nếu cứ đà tăng thế này thì không biết kỳ cuối thi tốt nghiệp thì không biết phải đóng quỹ là bao nhiêu nữa” – một học viên lớp Luật K55E cho biết.

Cũng theo học viên này thì đó là chưa tính số tiền quỹ đóng chi cho thi đầu vào là 700.000 đồng/học viên. Khi được hỏi về những khoản chi thì cán bộ lớp cho biết tiền bồi dưỡng cho thầy cô sau mỗi tiết dạy, tiền ăn uống, ngủ nghỉ của giáo viên... “Tất cả mọi hoạt động đi lại của giáo viên chúng tôi phải lo hết. Theo tôi được biết thì quy định khi giáo viên đến giảng dạy, Trung tâm liên kết phải lo chỗ ăn ở cho giáo viên nhưng không hiểu sao, học viên chúng tôi vẫn phải lo ăn ở cho các giáo viên đến giảng dạy” – học viên này nói.

Tại một lớp tại chức Luật khác, ngoài khoản tiền đóng đầu vào 1 triệu, ngay ở học kỳ 1 các học viên của lớp này đã phải đóng 900 nghìn/người tiền quỹ. Trong khi lớp này, sĩ số lên đến gần 70 học viên.

“Đáng ra là kỳ 1 phải đóng 1 triệu/người nhưng do cân bằng tiền đầu vào (đầu vào cũng phải đóng 1 triệu) thừa ra nên cán bộ lớp thông báo đóng 900 nghìn/ người. Do chưa có tiền nên mình chỉ mới đóng tiền học phí và tiền đầu vào còn tiền quỹ kỳ 1 thì mình vẫn để đó” – học viên lớp Luật K57 phàn nàn.

Cũng bức xúc với khoản quỹ lớp tại lớp học tại chức của mình, một học viên lớp Luật K55E nêu quan điểm: “Nếu học viên có nghề nghiệp ổn định, mức thu nhập cả chục triệu đồng/tháng, nếu đóng góp 800.000 đến 1.200.000 đồng/kì học là chuyện bình thường, nhưng trong lớp có rất nhiều học viên chủ yếu là hợp đồng tại các xã, đi học để hoàn thiện bằng cấp và nâng lương, nên lương hợp đồng rất thấp, việc đi học phải gồng mình lên để đóng góp”.

Điều đáng nói là khi làm một phép tính đơn giản, lấy số tiền nhân lên với số học viên thì tổng quỹ thu về vô cùng lớn. Nếu mức đóng 1200000 đồng/người với một lớp 132 học viên thì số quỹ thu về gần 160 triệu đồng. Tính sơ bộ, để duy trì một lớp học tại chức như lớp K55E tại Trung tâm GDTX Thanh Hóa cho đến hiện tại (đang học kỳ thứ 4) thì các học viên trong lớp này đã phải đóng số tiền quỹ “khổng lồ” gần nửa tỷ đồng. Số tiền đó vẫn chưa bao gồm liên hoan hay hoạt động du lịch của lớp vì nếu có những hoạt động đó, các thành viên lại phải đóng riêng. Rất nhiều học viên hoang mang cho biết: mỗi kỳ học tiền quỹ lớp đều tăng lên gấp đôi, gấp ba không biết đến kỳ cuối thì con số tiền quỹ sẽ dừng lại ở mức nào.

Giật mình với quỹ khủng” tại các lớp tại chức-2
Ông Đào Phan Thắng- Giám đốc TTGDTX cho biết chỉ hướng dẫn chứ không kiểm soát được việc đóng quỹ của học viên

 

Với mức đóng quỹ trên, ông Đào Phan Thắng - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa cũng phải cho rằng đó là số tiền nhiều. “Tôi không dám nói là số tiền đó cao hay thấp mà tôi cho như vậy là nhiều. Không biết học viên chi cái gì mà khiếp như thế. Trung tâm chúng tôi tháng nào cũng hợp đồng nơi ăn, chỗ ở cho giáo viên đến dạy. Còn học viên muốn đãi các thầy cô ở nơi cao sang hơn thì đó là việc của họ. Chúng tôi không bắt ép họ phải ăn ở nơi Trung tâm hợp đồng được”.

Cũng theo ông Thắng thì do nhu cầu của học viên, quỹ lớp được thu đủ bù chi, Trung tâm chỉ nhắc nhở chứ không thể kiểm soát được việc họ đóng bao nhiêu, chi những cái gì. “Cũng không tránh khỏi việc cán bộ lớp lợi dụng để kê khai thêm. Trước đây còn có tình trạng “nghề cán bộ lớp” – ông Thắng nói.

Chi nhiều là nguyên nhân việc thu quỹ cao đang diễn ra tại các lớp tại chức có liên kết với Trung tâm GDTX Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc thu chi quỹ lớp hợp lý hay không, tự nguyện hay ép buộc dưới danh nghĩa tự nguyện lại là một vẫn đề nhức nhối tại nhiều lớp tại chức ở đây.

 

 

Theo Dân Trí

quỹ lớp

tại chức


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.