Hàng loạt giáo viên cấp 2 chuyển sang dạy... mầm non

Do tình trạng dôi dư nhiều nên trong năm học 2015 - 2016, giáo viên huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã ra quyết định luân chuyển hơn 20 giáo viên THCS sang bậc học mầm non.

Hiện nay, tình trạng giáo viên dôi dư đang là vấn đề “nóng” của huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Do tình trạng dôi dư nhiều nên trong năm học 2015 - 2016, địa phương này đã ra quyết định luân chuyển hơn 20 giáo viên THCS sang bậc học mầm non.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Ngọc Lặc, hiện nay, trên địa bàn huyện này còn dôi dư hơn 180 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên cấp THCS.

Bà Phạm Thị Ngân -Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ngọc Lặc cho biết, địa phương này đang tìm cách để giải quyết dần trên cơ sở tính toán lại nhu cầu hiện nay. Trong đó, năm học 2015 - 2016 sẽ điều chuyển thêm một số giáo viên dôi dư sang bậc học mầm non.

Trường THCS xã Ngọc Khê dôi dư nhiều giáo viên nhất địa bàn huyện Ngọc Lặc
Trường THCS xã Ngọc Khê dôi dư nhiều giáo viên nhất địa bàn huyện Ngọc Lặc

Trước thực tế, những giáo viên lâu nay công tác chuyên môn ở cấp THCS, sau khi được điều chuyển sang bậc học mầm non sẽ có sự “lệch pha”, bà Ngân cho biết, về vấn đề này, Sở GD-ĐT sẽ hỗ trợ tập huấn lại cho những người phải luân chuyển sang bậc học mầm non.

Cũng theo thống kê của Phòng GD-ĐT, hiện nay, đơn vị dôi dư nhiều nhất là Trường THCS Ngọc Khê với 18 giáo viên. Trên thực tế, do tình trạng giáo viên dôi dư nhiều, để đảm bảo đủ thời gian đứng lớp nên lâu nay, phương án mà huyện Ngọc Lặc đưa ra là tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém không thu tiền…

Năm học 2014 - 2015, nhiều giáo viên ngoài giờ lên lớp ở trường, tối đến thường được phân công phối hợp cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đến nhà học sinh để kiểm tra việc học tập, phụ đạo học sinh, kiểm tra góc học tập…

“Việc phân công ngoài tiết dạy trên lớp, nhiều hoạt động ngoài giờ và phân công nhiệm vụ khác để tạo sự công bằng trong công việc. Tư tưởng giáo viên ổn định trong năm học vừa rồi. Kế hoạch đến năm 2017 là giải quyết xong số giáo viên dôi dư”, bà Ngân cho biết.

Được biết, những giáo viên dôi dư chủ yếu là những trường hợp được ký quyết định tuyển dụng năm 2008. Đối tượng luân chuyển đợt này chủ yếu là giáo viên nữ ở các bộ môn thừa giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thầy Đỗ Ngọc Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc cho biết: “Khó khăn nhất của nhà trường là bố trí việc, người thì nhiều mà việc thì ít. Dạy thêm buổi chiều để có giờ làm việc”.

Theo thống kê của nhà trường, bình quân giáo viên chỉ đứng lớp 11,5 tiết/tuần. Thời gian qua, nhà trường bố trí dạy thêm 2 buổi chiều/tuần. Trong năm học này có 4 giáo viên nữ phải chuyển sang dạy mầm non.

Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên Trường THCS Ngọc Khê chia sẻ: “Tôi về trường từ năm 2008, dạy môn Sử, các chế độ được hưởng bình thường, nếu ngành điều công việc gì thì mình làm công việc đó. Tôi sẵn sàng đi theo sự phân công của Phòng GD-ĐT”.

Cũng theo thầy Đức cho biết, hiện nay nhà trường có 16 giáo viên tuổi từ 50 trở lên nên hạn chế trong vấn đề cập nhật thông tin. Trong khi đó, số giáo viên trẻ lại nằm trong diện dôi dư nên phải luân chuyển cũng là một khó khăn của nhà trường. Người dạy không yên tâm làm việc, có những cô rất khó khăn, cần phải ổn định công tác tổ chức.

Ngày 18/9, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc đã ký quyết định điều chuyển 26 giáo viên THCS trên địa bàn sang bậc học mầm non.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.