Không để các hội phụ huynh lạm thu

Liên tiếp những vụ việc lùm xùm thu - chi tại một số cơ sở giáo dục gần đây đều có liên quan đến ban đại diện cha mẹ học sinh (thường gọi là hội phụ huynh) khiến dư luận đặt ra yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của ban này

Điều lệ hoạt động, cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) đã được quy định rõ ràng, cụ thể nhưng vì sao từ trước đến nay hễ nhắc đến ban này thì chỉ nghĩ đến việc thu tiền?

Nhiệt tình với các khoản thu

Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành điều lệ BĐD CMHS quy định rõ nhiệm vụ của BĐD là phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục HS; tham gia giáo dục đạo đức cho HS; bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém, vận động HS đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập, giúp đỡ HS nghèo, HS khuyết tật và HS có hoàn cảnh khó khăn khác...

Ngoài ra, đối với việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục cũng đã được quy định rõ tại Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT và quy định của UBND TP HCM. Cụ thể, kế hoạch vận động phải được phê duyệt trước khi tổ chức vận động và trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt...

Không để các hội phụ huynh lạm thu-1

Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP HCM) lùm xùm về vận động tiền bị phụ huynh phản ánh trong thời gian qua

Quy định rõ ràng là vậy nhưng vì sao vẫn có những bảng tính toán thu - chi phớt lờ quy định? Theo lý giải của một chuyên gia giáo dục, hầu hết BĐD tại các trường học đang hoạt động theo nguyên tắc đơn giản là chỉ lo việc vận động phụ huynh sao cho thật suôn sẻ, được thật nhiều kinh phí càng tốt.

Những bảng dự toán kinh phí gần đây do BĐD lập ra ở một số cơ sở giáo dục tại TP HCM như Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7), Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú)... không khỏi khiến dư luận ngao ngán, phụ huynh xót xa. Nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 bày tỏ: "Tôi tìm đỏ mắt trong bảng kinh phí vận động của BĐD mà không thấy có một khoản nào tổ chức thăm hỏi, chia sẻ hoặc hỗ trợ những HS khó khăn, những hoàn cảnh cần giúp đỡ trong nhà trường. Chẳng lẽ toàn bộ phụ huynh trong lớp, trong trường đều có điều kiện kinh tế khá giả? Tôi cũng không thấy có BĐD nào thông tin dành kinh phí cho các chương trình học bổng, các hoạt động hỗ trợ hoạt động thiết thực. Bảng thu - chi thậm chí quá cao, hầu hết chỉ xoay quanh chăm lo cho cá nhân, lễ, Tết, quà cáp thầy cô. BĐD với nhiều nhiệm vụ nhưng chỉ tập trung nhiệm vụ thu tiền thì dư luận phản ứng là đúng" - vị này nhìn nhận.

Rục rịch trả lại tiền

Để chấn chỉnh công tác quản lý thu - chi, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhấn mạnh nghiêm cấm các cơ sở giáo dục lợi dụng danh nghĩa BĐD thu các khoản ngoài quy định. Theo ông Nam, các phòng GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo phòng, ban liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát, thành lập đoàn kiểm tra tình hình thu - chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định; có hình thức xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục thực hiện thu - chi không đúng quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau khi có công văn chấn chỉnh về tình hình thu - chi của Sở GD-ĐT thành phố, nhiều cơ sở giáo dục đã rục rịch trả lại tiền cho phụ huynh. Tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn đã dừng thu các khoản vận động kinh phí của BĐD CMHS cấp trường và cấp lớp sau khi rà soát thấy chưa đúng. "Các khoản vận động này nếu CMHS đã đóng cho BĐD lớp sẽ trả lại ngay cho phụ huynh…" - thông báo của trường này nêu rõ. Trước đó, nhiều cơ sở giáo dục đã phải thông báo dừng ngay các khoản thu do BĐD vận động sau khi bị phản ánh.

Câu hỏi đặt ra là nếu không có những biện pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý, liệu các trường và BĐD CMHS có trả lại tiền đã đóng góp cho phụ huynh? "Để BĐD không mang tiếng là "ban phụ thu" thì cần chế tài, xử lý nghiêm minh nếu vi phạm. Không thể cứ mỗi năm rộ lên vài trường hợp, đến khi lắng xuống rồi lại tiếp tục vận động thu. Nếu BĐD nào bị phản ánh, thu các khoản không chính đáng, nhà trường cần ngay lập tức xử lý và thay thế BĐD mới" - ông Hoàng Lý Gia, một phụ huynh tại quận Gò Vấp (TP HCM), nêu giải pháp.

Thành viên BĐD bị tố cáo lạm thu, lạm quyền

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh về trường hợp một trưởng BĐD CMHS ở Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TP HCM) lạm thu, hách dịch, trong báo cáo giải trình với Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hội thông tin đã xử lý vụ việc. Trường nhận được phản ánh từ phụ huynh về bà T. (nhân vật trong clip - PV) lạm dụng quyền để lạm thu. Vì vậy, hiệu trưởng nhà trường và trưởng BĐD CMHS trường đã tham dự cuộc họp với BĐD CMHS lớp 3/10 để giải quyết dứt điểm sự việc. Trong cuộc họp này, các bên đã thống nhất cách xử lý: ngưng thu, bà T. phải bàn giao tất cả số tiền cho BĐD CMHS mới, công khai các chứng từ, nếu phụ huynh yêu cầu lấy lại tiền thì bà T. phải hoàn trả cho phụ huynh đã đóng góp.

 Theo NLĐ


phụ huynh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.