Sinh viên chi chục triệu học làm giám đốc

Phải dùng tiền trợ cấp của bố mẹ, làm thêm kiếm tiền ăn học nhưng nhiều sinh viên nghèo không tiếc tiền để đăng ký khóa học làm giàu với mong muốn thoát nghèo.

Phải dùng tiền trợ cấp của bố mẹ, làm thêm kiếm tiền ăn học nhưng nhiều sinh viên nghèo không tiếc tiền để đăng ký khóa học làm giàu với mong muốn thoát nghèo.

Ở trọ cùng 3 người bạn trong căn phòng rộng chỉ 15 m2 ở Tân Phú (quận 9, TP HCM), bữa cơm chỉ loáng tháng vài miếng thịt bên đĩa rau to, nhưng Phương, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tại TP HCM sẵn sàng chi 15 triệu đồng để tham gia khóa học làm chủ.

2 năm lên Sài Gòn học, mỗi tháng cậu nhận được 1,5 triệu đồng tiền chu cấp của bố mẹ. Để kiếm thêm tiền đi lại, Phương phải làm phục vụ cho một quán ăn ở Gò Vấp.

Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Hà Tĩnh. Cuộc sống nghèo và mong mỏi làm giàu, cậu đăng ký tham gia khóa học làm giám đốc tại một trung tâm ở đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh, TP HCM). Học phí lên tới 15 triệu đồng một khóa.

"Song, để hỗ trợ sinh viên và những người đam mê kiếm tiền nhưng chưa có vốn, trung tâm giảm còn 500.000 đồng một khóa, cho 12 người đăng ký đầu tiên. Để giành được suất này, tôi phải nhanh chân lắm, bon chen mãi mới được", Phương kể.

Dù khó khăn, nhiều sinh viên chi chục triệu đồng để tham gia những khóa học làm giàu. Ảnh: T.M
Dù khó khăn, nhiều sinh viên chi chục triệu đồng để tham gia những khóa học làm giàu. Ảnh: T.M.

Chia sẻ về khóa học đầu tiên, Phương cho biết, cậu đang phân vân chưa biết chọn sản phẩm nào để kinh doanh nên phải học lại lớp "bảo hành" (1 khóa học tại đây được bảo hành 2 năm). Trong khi đó, cậu đã chi trả 1/4 tiền vốn gom góp bấy lâu cho khóa học làm giàu này.

Lớp học làm giàu trên thường xuyên cho học viên học thử. Lần này, trung tâm có 30 người tham gia. Hơn nửa lớp là sinh viên, còn lại phần lớn là những người ở tỉnh lẻ vào Sài Gòn làm thuê. Mỗi lần học thử kéo dài 3,5 tiếng và học viên không phải đóng bất cứ khoản phí nào.

Giáo viên duy nhất và cũng là chủ trung tâm độc thoại chia sẻ về những vấp ngã ông đã trải qua. Sau những câu nói được cho là "thuốc thần", ông yêu cầu các học viên vỗ vai người ngồi bên cạnh và hô to "ngộ rồi, ngộ rồi", "bạn thật là tuyệt vời",...

Trước khi kết thúc buổi học, thầy giáo bắt đầu tung những gói học khác nhau, học phí từ 15 đến 150 triệu đồng một khóa. Song, với lý lẽ của người hoạt ngôn, người này cho biết sẽ giảm 5 lần học phí cho 12 người đăng ký tham gia. Mục đích là hỗ trợ sinh viên, người đam mê kiếm tiền.

Đặc biệt hơn nữa, trung tâm còn bảo hành 2 năm. Nghĩa là học viên nào chưa thành công sau khi kết thúc khóa học có thể học lại trong thời gian bảo hành.

Tin vào những khóa học
Tin vào những khóa học "làm giàu không khó", "kiếm tiền không cần vốn", nhiều sinh viên sẵn sàng chi tiền triệu đăng ký tham gia. Ảnh: T.M.

Cũng có mặt trong lớp, Hoàng, sinh viên một đại học ở quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết đến nghe giảng để "ngộ", giảm stress khi nhận kết quả học sa sút trong thời gian vừa qua.

Tỏ ra kinh nghiệm vì đã tham gia khóa học thử trước đó, sinh viên này cho biết: "Thầy giáo đã nói, nếu không chịu đầu tư đi học sẽ không bao giờ kiếm được tiền". Vì thế, cậu dồn hết tiền tiết kiệm và nhờ bố mẹ hỗ trợ đăng ký liền lúc 5 khóa học tại đây. Trừ số tiền đặt cọc cho trung tâm, cậu phải nộp 14,5 triệu đồng.

Hoàng cho biết có dự định kinh doanh bóng bay, hoa giấy trang trí trên toàn quốc từ lâu. Sắp tới, sau khi kết thúc khóa học, cậu sẽ ngay lập tức thành lập công ty, đăng ký doanh nghiệp để hoạt động chuyên nghiệp, dễ dàng hơn.

Nhắc lại lời giảng của thầy giáo trong buổi học thử, Hoàng tâm đắc: “Trên đời này, những người có bằng cấp, học giỏi chỉ làm công. Ngược lại, người không thông minh, không bằng cấp đều làm chủ. Những người này, không chỉ có tiền mà sẽ có rất nhiều tiền!”.

Phạm Duyên, hiện làm nhân viên môi giới bất động sản ngồi kế bên cho biết, 2 năm trước, khi anh là sinh viên trường đại học Kinh tế (khoa Kinh tế đối ngoại), thấy tò mò nên đã đăng ký học thử. Tuy nhiên, do lịch học dày đặc, ra trường bận kiếm việc nên cậu chưa tham gia được. Trong suốt 2 năm đó, cậu liên tục nhận được các cuộc gọi, thư điện tử của trung tâm này với nội dung mời học thử.

Phần vì bị làm phiền quá nhiều, lại tò mò nên Duyên tham gia. Sau 3,5 tiếng ngồi gật gù, anh cho biết, những gì "thầy giáo" giảng đi ngược lại với suy nghĩ mà giảng viên ở trường đại học dạy, không như cậu mường tượng trước đó.

Tuấn còn cho biết, gần đây cũng thường xuyên bị một trung tâm học làm giàu ở Mạc Đĩnh Chi (quận 1, TP HCM) gọi điện nhiều lần mời đến tham gia thử khóa học kinh doanh làm giàu. Song, sau 3,5 tiếng ngồi "gật gù" tại trung tâm Điện Biên Phủ, anh lắc đầu: "Không bao giờ tham gia bất kỳ khóa học nào tương tự!".

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.