Chu Hồng Minh là cựu thủ khoa xuất sắc Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Chị tốt nghiệp năm 2006 và được Thành ủy xét tuyển công chức vào công tác tại Thành đoàn Hà Nội từ 01/11/2006 đến nay.
Hồng Minh có cuộc trò chuyện xung quanh lựa chọn của chị sau khi tốt nghiệp ra trường.
Chào chị. Tốt nghiệp ra trường, chị có nhiều lựa chọn công việc không?
- Các thủ khoa xuất sắc khi tốt nghiệp ra trường về cơ bản sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt. Tuy nhiên, một số ngành nghề đặc thù thì cũng khó để tìm được công việc phù hợp trong các cơ quan nhà nước.
Cựu thủ khoa xuất sắc Trường ĐH Văn hóa Hà Nội - Chu Hồng Minh hiện là Trưởng ban Thanh niên Trường học, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội. (Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô). |
Bạn cũng biết biên chế trong các cơ quan nhà nước là có hạn, tùy từng năm mới có trống chỉ tiêu biên chế. Nếu bạn thủ khoa nào tốt nghiệp ra gặp đúng thời điểm cơ quan nào đó đang có nhu cầu và còn chỉ tiêu liên quan tới chuyên ngành mình theo học thì đó là may mắn và là cái duyên.
Có những năm bạn đó ra trường nhưng không gặp đúng thời điểm thì cũng không phải lỗi của bạn đó hay lỗi của cơ quan nhà nước không thu hút, chiêu mộ như cách nghĩ chưa đầy đủ của một số người.
Khi tốt nghiệp, mình cũng có cơ hội làm việc ở một số nơi, cả doanh nghiệp và nhà nước. Nhưng mình đăng ký nguyện vọng về Thành đoàn Hà Nội vì mình rất yêu thích công tác Đoàn....
Thêm nữa, chuyên ngành mình học là Văn hóa quần chúng rất phù hợp với công tác thanh niên. Do đó mình nghĩ lựa chọn công tác tại Thành đoàn là lựa chọn phù hợp với sở trường và sở thích của mình.
Môi trường làm việc nhà nước có đủ hấp dẫn một thủ khoa như chị?
- Công việc tại các cơ quan nhà nước bên cạnh những thuận lợi mà ai cũng dễ nhìn thấy như sự ổn định, cơ hội thăng tiến cũng có không ít khó khăn.
Một trong những khó khăn của những bạn trẻ mới đi làm đó là thu nhập chưa đủ với nhu cầu của cuộc sống hay vấn đề thích nghi với môi trường làm việc, vận dụng những gì được học vào thực tế công việc của một công chức phải làm hàng ngày.
Đối với công tác Đoàn, khó khăn này có lẽ còn nhiều hơn vì đặc thù công việc phong trào thường phải đi sớm, về muộn, ít khi có ngày nghỉ, công việc khá đa dạng nên yêu cầu cán bộ phải “đa di năng”.
Nhưng may mắn là môi trường công tác Đoàn được làm việc cùng những người trẻ, tiếp xúc với người trẻ và tham mưu, thực hiện những công việc mà người trẻ yêu thích hoặc quan tâm nên đó cũng là động lực và là sức hấp dẫn đặc biệt của công tác thanh niên đối với cá nhân mình và nhiều bạn thủ khoa khác.
Theo mình dù làm công việc ở đâu thì ban đầu sẽ phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Nếu thấy khó mà nản thì sẽ không thể theo đuổi được công việc mình đã chọn.
Đến nay mình đã làm ở Thành đoàn Hà Nội được 9 năm, và chưa có ý định thay đổi công việc.Việc không thu hút được nhiều thủ khoa về làm cho thành phố theo chị có phải là một thất bại?
- Mình không nghĩ vậy. Đã là nhân tài thì dù ở đâu cũng đều có thể phát huy tốt. Và dù không công tác ở thành phố nhưng họ có thể đem tri thức phục vụ cho đất nước đều đáng trân trọng.
Thực tế là nhiều thủ khoa tuy không về công tác trực tiếp tại thành phố nhưng họ lại công tác tại các cơ quan trung ương, các bộ ngành, các trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp….
Các thủ khoa đầu ra đại học năm 2011 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: Văn Chung) |
Và cơ bản các cơ quan này đều đóng trên Thành phố Hà Nội. Như vậy chẳng phải họ vẫn đang hàng ngày đóng góp cho Hà Nội hay sao.
Nếu được đóng góp cho chính sách thu hút nhân tài về cống hiến của thành phố, chị có ý kiến gì?
- Mình nghĩ chính sách thu hút nhân tài hiện nay khá hợp lý, đối với TP Hà Nội đã có riêng Nghị quyết và quyết định rất cụ thể, hấp dẫn về việc này.
Vấn đề mong muốn ở đây là sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách này sao cho đồng bộ.
Đặc biệt, các cơ quan của thành phố quan tâm hơn nữa đến chính sách này và thực hiện cho hiệu quả, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
- Cảm ơn chị!
Theo Văn Chung/VietNamnet