- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
11 kỹ năng khó học nhưng giúp ích suốt đời
Những kỹ năng có ích cho cuộc sống, công việc không mất tiền mua, song chúng ta phải bỏ thời gian, mồ hôi và thật kiên trì mới có thể học được.
Trang Business Insider trích dẫn 11 đáp án hay nhất cho câu hỏi được đăng tải trên Quora (mạng xã hội cung cấp dịch vụ hỏi đáp gần giống với Yahoo Answer, nhưng có quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn): “Kỹ năng nào khó nhưng hữu ích nhất chúng ta nên học?”.
1. Ngủ có giờ giấc
Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của con người. Rèn luyện để ngủ vào khung giờ cố định có thể giúp bạn có những đêm ngon giấc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngủ có giờ giấc giúp bạn dễ ngủ hơn và luôn thức dậy đúng giờ vào sáng hôm sau.
2. Quản lý thời gian
“Quản lý thời gian hiệu quả là một trong những kỹ năng cần thiết nhất đối với người lao động chuyên nghiệp. Song không có một khuôn mẫu nào cả, quan trọng là bạn biết cách sắp xếp thời gian phù hợp với mình và nghiêm khắc thực hiện nó” - người dùng Alina Grzegorzewska giải thích.
“Đối với tôi, quản lý quỹ thời gian thật sự không dễ. Khó khăn ở chỗ, bạn phải lập danh sách công việc phải làm và sắp xếp hợp lý để có thể hoàn thành tất cả đúng hạn” - Alina cho biết thêm.
Kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp hiệu suất công việc tăng lên rất nhiều. |
3. Đồng cảm
“Bạn có thể là người có kỷ luật, tài năng, giàu có… nhưng nếu không biết quan tâm và thông cảm với người khác, về cơ bản bạn chỉ là một phần tử sinh học của xã hội, chẳng hoàn toàn thuộc về cộng đồng loài người” - dân mạng Kamia Taylor viết.
Còn Jane Wurdwand cho rằng: “Sự đồng cảm là hạt giống trong tâm hồn mỗi con người. Cũng giống như tinh thần đồng đội, sự đồng cảm thúc đẩy con người cố gắng hơn.
Lòng cảm thông giúp người lao động làm việc tích cực hơn, cố gắng vì mục tiêu chung, không chỉ vì đồng lương hàng tháng”.
4. Yêu cầu giúp đỡ
Nick name Louise Christy chia sẻ kinh nghiệm từ một lần phỏng vấn xin việc trước đây: “Việc bạn biết khi nào mình cần sự giúp đỡ và yêu cầu được giúp đỡ là kỹ năng khó rèn luyện, vì không ai muốn bị coi là không đủ năng lực”.
Một nghiên cứu mới đây của Trường Kinh doanh Harvard chỉ ra rằng, việc bạn nhờ người khác giúp đỡ sẽ khiến bạn được đánh giá cao hơn.
Theo nhóm tác giả, khi bạn xin mọi người lời khuyên cũng đồng nghĩa bạn đánh giá cao tài năng và chuyên môn của họ. Điều đó chứng tỏ, bạn là người có đầu óc quan sát và đánh giá.
5. Kiên định
Cho dù bạn đang cố gắng rèn luyện một thói quen hay làm việc gì đó, kiên định là kỹ năng rất quan trọng để duy trì thành công” - Khaleel Syed bàn luận.
Anh giải thích thêm: “Con người thường dễ dàng thỏa mãn khi họ đạt được một mục tiêu trước mắt. Tuy nhiên, để duy trì thành công đó, họ thậm chí phải lao động chăm chỉ hơn để vươn tới những mục tiêu lớn hơn”.
6. Im lặng đúng lúc
Người dùng Roshna Nazir trả lời: “Bạn không thể đi khắp nơi và than vãn với người khác về những điều bất công đối với mình trong cuộc sống. Bạn nên im lặng thì hơn vì họ chẳng bận tâm”.
Trong rất nhiều trường hợp, im lặng là phương án tốt nhất. “Khi tức giận, buồn bã, kích động... chúng ta thường thốt ra tất cả những điều mình đang nghĩ trong đầu rồi sau đó lại cảm thấy hối hận” - Anwesha Jana cho hay.
Kiềm chế bản thân và giữ mình im lặng khi tâm trạng không tốt rất đáng học song cũng là một trong những kỹ năng khó học nhất.
Im lặng đúng thời điểm là cả một nghệ thuật sống. |
7. Tư duy tích cực
“Trong cuộc sống, suy cho cùng, những gì người khác nghĩ về bạn đều chẳng đáng bận tâm. Những gì bạn nghĩ mới trực tiếp tác động lên chính bạn, tất nhiên là sẽ mất thời gian để có được sự tự tin, tin vào chính mình, ngay cả khi chẳng còn ai tin bạn” - Shobhit Singhal chia sẻ.
Trái ngược với tư duy tích cực là tư duy tiêu cực. Theo bà Betsy Myers - giám đốc sáng lập Trung tâm Phụ nữ và Kinh doanh tại Đại học Bentley (Mỹ), đó được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự tự ti không đáng có.
8. Lắng nghe
Theo Richard Careaga, im lặng nên đi cùng với lắng nghe.
“Chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin mỗi ngày: những tin nhắn khẩn, cuộc gọi quan trọng. Ý tôi là, liệu rằng bộ não của chúng ta có thể xử lý được ngần ấy thông tin không?”, bà Nicole Lipkin - tác giả cuốn sách Tại sao thủ lĩnh lại thức khuyatừng chia sẻ với Business Insider.
Một cách đơn giản khiến việc tiếp nhận thông tin trở nên có hiệu quả chính là lặp lại thông tin đó với một người thứ ba. Bà Lipkin cho biết thêm: “Tốt nhất là cả ba đối tượng đó đều hiểu rõ vấn đề”.
9. Không lo chuyện bao đồng
“Có khi phải mất cả đời để học và nắm vững kỹ năng này” - Aarushi Ruddra nhấn mạnh.
Cô cho rằng, xía mũi vào chuyện của người khác chỉ tốn thời gian và chả mang lại lợi lộc gì cho bạn. Hơn nữa, bạn cũng không có quyền phán xét ai.
10. Làm chủ suy nghĩ
Mark Givert chia sẻ: “Để làm được những gì bạn muốn làm bạn thực sự cần điều khiển suy nghĩ của mình”.
“Khó khăn chính là chúng ta ngày hôm nay là sản phẩm của quá khứ và mọi suy nghĩ đều bị ảnh hưởng bởi những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, không phải những gì đã xảy ra đều lặp lại trong tương lai” - Mark nhận xét.
11. Không ngồi lê đôi mách
“Với tôi, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là những mối quan hệ. Lòng tin là chìa khóa xây dựng và duy trì những mối quan hệ đó” - Jason T Widjaja viết.
Một trong những cách dễ đánh mất sự tin tưởng nhất là buôn chuyện sau lưng người khác, theo Jason. Trong trường hợp đó, hãy nói với người đối diện rằng: “Tôi xin lỗi nhưng chúng ta có thể chuyển chủ đề khác không?”.
Anh cho rằng, không dễ nói ra câu đó, nhưng lòng tin chính là phần thưởng vô giá dành cho bạn.
Buôn chuyện, nói xấu người khác sẽ phá hủy các mối quan hệ trong cuộc sống. |