4 kỹ năng “sống còn” cần dạy con trước ngày khai giảng

Trước thềm khai giảng, biết bao nỗi lo con đến trường bị bắt nạt, bắt cóc, sinh hoạt không hợp vệ sinh khiến bố mẹ mất ăn mất ngủ.

Trước thềm khai giảng, biết bao nỗi lo con đến trường bị bắt nạt, bắt cóc, sinh hoạt không hợp vệ sinh khiến bố mẹ mất ăn mất ngủ.

Để bé bắt đầu một năm học mới an toàn, lành mạnh, vui vẻ, cha mẹ cần dạy con 4 kỹ năng cần thiết sau:

Kỹ năng đi nhà vệ sinh

Đi vệ sinh ở trường thường đứng đầu danh sách những mối lo lắng của trẻ. Những bé mới vào lớp (tầm 5-6 tuổi) đôi khi xảy ra một số sự cố “tè dầm” do khả năng kiểm soát việc đi tiểu chưa tốt hoặc mải chơi đùa, học tập mà cố nín nhịn việc đi tiểu. Có một số bé vì quen đi vệ sinh ở nhà sạch sẽ, thoải mái, đến môi trường lạ lẫm như trường học cảm thấy sợ hãi, hoặc ngại đi vệ sinh. Có bé ở trường cả ngày mà không dám đi vào nhà vệ sinh, rất hại cho đường tiết niệu.

Mẹ cần dạy cho con biết, bé có thể đi vệ sinh bất cứ khi nào bé cảm thấy có nhu cầu. Mẹ cũng cần chỉ cho bé cách xin phép cô để đi ra ngoài đi WC trong giờ học, tránh để tình trạng muốn đi tiểu nhưng lại cố nín nhịn đến tận giờ ra chơi mới dám đi. Ngoài ra, phải nhắc nhở bé nên đi ngay sau bữa trưa vì các tai nạn “tè dầm” hay xảy ra tầm 2-5 giờ chiều. Đừng quên dặn bé có vấn đề rắc rối gì cũng mạnh dạn báo với thầy cô giáo để nhận được sự giúp đỡ, kể cả việc bé lỡ làm “ướt quần”.

Đối với các bé gái, mẹ còn phải rèn cho con thói quen lau vùng kín sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, tránh để viêm nhiễm rất nguy hiểm.

Kỹ năng bắt chuyện làm quen

4 kĩ năng “sống còn” cần dạy con trước ngày khai giảng - 1

Dạy con kỹ năng bắt chuyện làm quen với bạn mới vô cùng cần thiết. (Ảnh minh họa)

Bước vào một thế giới mới với những gương mặt lạ lẫm có thể khiến bất kì đứa trẻ nào sợ hãi. Để tăng lòng can đảm và tự tin cho con, bố mẹ hãy dành thời gian tâm sự với con. Thứ nhất, hãy cho con biết rằng tất cả các bạn cùng lớp đều lo lắng và sợ hãi như trẻ. Thứ hai, hãy kể cho con nghe về cách bố mẹ bắt chuyện làm quen với một người bạn mới, một người đồng nghiệp mới ở lớp học, công ty, tổ chức của mình như thế nào – có thể lúc đầu bố mẹ cũng e dè nhút nhát y như con, nhưng cuối cùng thì mọi chuyện đều ổn cả.

Bố mẹ có thể đóng vai một người bạn mới để con học cách làm quen một cách thoải mái nhất. Cuộc hội thoại có thể bắt đầu bằng: “Xin chào. Tớ là Minh, ở nhà mọi người gọi tớ là Bi. Cặp sách của cậu có màu cam đẹp thế. Tớ thích màu cam lắm. Cậu thích màu gì?” Ngoài ra, bố mẹ nên đưa con đi thăm ngôi trường bé sẽ theo học trước ngày khai giảng để bé bớt đi cảm giác lạ lẫm, sợ hãi. Cũng cần khuyến khích con đến nơi đông người để thực hành gặp gỡ người mới như công viên, quán ăn,...

Kỹ năng tự vệ

Cho trẻ đến trường, một trong những mối lo ngại lớn nhất của bố mẹ là con bị bắt nạt hoặc bị tổn thương. Xung đột giữa trẻ em rất phổ biến và chuyện đánh nhau, xô xát, nhẹ thì dùng tay cấu, véo, túm tóc, nặng thì dùng xô đẩy, đấm, đá,... là chuyện hoàn toàn có thể diễn ra. Cha mẹ cần dạy cho con biết cách làm thế nào để tự bảo vệ mình và biết bảo vệ những bộ phận dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể. Cần dạy con cách báo ngay với thầy cô giáo hoặc người lớn tin cậy nếu bé cảm thấy nguy hiểm.

Ngoài ra, dạy con kỹ năng cần thiết để không bị kẻ lạ bắt cóc cũng là điều cần thiết vì rất nhiều trường hợp lợi dụng bố mẹ bận chưa đến đón con để dụ dỗ, lừa bé đi theo. Cần để các thầy cô giáo biết rõ mặt, số điện thoại của phụ huynh, tránh tình trạng cho người lạ đến đón bé.

Kỹ năng giữ vệ sinh

Trường học là môi trường có rất đông người, dễ phát tán và lây lan vi khuẩn, vi rút mang bệnh truyền nhiễm. Cha mẹ phải rèn cho con một số kỹ năng giữ vệ sinh như: không dụi tay vào mắt, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không dùng chung đồ cá nhân như bàn chải, khăn mặt, ống hút,... với bạn,... để con không mắc phải những bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp,...

Theo Khám Phá



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.