- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
6 nguyên tắc dạy con căn bản nhất mọi bố mẹ cần nắm vững
Học hỏi những nguyên tắc này, các bố mẹ có thể nuôi dạy con trở thành những đứa trẻ cẩn thận, độc lập và hiểu chuyện.
Học hỏi những nguyên tắc này, các bố mẹ có thể nuôi dạy con trở thành những đứa trẻ cẩn thận, độc lập và hiểu chuyện.
Tự cổ chí kim, trong gia đình người “mẹ hiền” luôn chiều con hơn còn cha luôn là người nghiêm khắc dạy con. Nhưng gia đình tôi lại hoàn toàn trái ngược. Người “cha hiền” là tôi đây luôn hài lòng và thầm cảm ơn những nguyên tắc dạy con nghiêm khắc của vợ mình. Con càng lớn, tôi càng nhận thấy những điều mà vợ kiên quyết đưa ra lúc ban đầu là đúng.
1. Cùng phòng nhưng không chung giường
Từ khi con còn nhỏ, cả 3 người chúng tôi đã sống chung 1 phòng nhưng tuyệt đối ngủ riêng giường. Ngay khi mới sinh, con tôi đã được chuẩn bị cho một chiếc giường riêng, từ nhỏ đã rèn luyện tính cách độc lập bằng cách tự tập thói quen ngủ cho bản thân. Trong khoảng không gian riêng của mình, con bé có thể vẫy vùng, làm ồn trong phạm vi riêng mà không ảnh hưởng đến chúng tôi ở giường bên cạnh. Như vậy, mặc dù ở chung 1 căn phòng nhưng vợ chồng tôi vẫn có không gian riêng. Cho đến bây giờ khi đã có bé thứ 2, chúng tôi vẫn áp dụng quy tắc đó nên phòng ngủ có tận 2 chiếc giường nhỏ xinh xinh của các con.
2. Đúng là đúng, sai là sai, giờ nào làm việc nấy
Khi con gái dần hiểu chuyện hơn, vợ tôi rất nghiêm khắc trong việc giáo dục nhận thức đúng sai của con, con phải nắm rõ điều gì được làm và không được làm, rèn thói quen giờ nào thì phải làm việc đó.
Ví dụ như, chỉ cần nói với con: “Hết giờ chơi rồi, đi ngủ thôi con” thì dù cho con có phụng phịu hay không muốn thì vẫn phải ngoan ngoãn lên giường đi ngủ để bố mẹ còn được nghỉ ngơi. Người lớn không thể cứ chiều theo thói quen vô giờ giấc của các con được, lúc ngủ muộn, lúc ngủ sớm, có lúc chẳng ngủ được. Như vậy vừa hại sức khỏe lại vừa hình thành nên nếp sống vô tổ chức.
3. Đồ chơi bừa bộn phải tự dọn, nhà bẩn phải giúp bố mẹ dọn
Mỗi lần con ăn quà vặt, đồ ăn vương vãi khắp nơi. Mỗi lúc con chơi, đồ chơi bày bừa mỗi chỗ một thứ con cũng chẳng thèm dọn. Thế mà chỉ cần có mặt vợ tôi là con gái lém lỉnh lại thay đổi hoàn toàn.
Chỉ cần vợ tôi nhỏ nhẹ nói: “Sao phòng bừa bộn toàn đồ chơi thế nhỉ? Con dọn không được thì lần sau đừng chơi nữa nhé?” là
con gái vội vàng xếp đồ chơi ngay ngắn vào hộp. Bé còn tự giác đi lấy
máy hút bụi để dọn sạch những mẩu vụn bánh trên sàn. Dù con làm chưa
thật sự có hiệu quả nhưng đó cũng là cách để con biết được đó là việc
mình phải làm.
4. Thói quen nói: Cảm ơn, Xin lỗi, Tạm biệt
“Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Tạm biệt” là những lời cần thiết nhưng nhiều người lại thường quên bày tỏ thành lời. Chẳng biết từ bao giờ, con gái tôi đã có thói quen sử dụng những từ đó một cách thường xuyên.
Con bé thậm chí còn bày tỏ những lời đó với cả các đồ vật vô tri vô giác xung quanh. Tắm xong, con sẽ nói “Tạm biệt” với bồn tắm, rồi lại nói “Cảm ơn” với nước tắm. Khi làm sai điều gì, con đã biết nói “Xin lỗi”. Khi được cho đồ ăn, con sẽ vui vẻ nói “Cảm ơn”. Con được như vậy là nhờ mẹ bé ngay từ đầu đã nghiêm khắc dạy con lễ phép, dạy con biết bày tỏ với người khác.
5. Việc gì con làm được thì bố mẹ không giúp, để con thử sức
Vì con làm việc còn rất chậm khiến tôi cảm thấy sốt ruột, không chịu được lại chạy đến giúp con làm cho xong. Vợ tôi thấy thế sẽ đuổi tôi ra chỗ khác. (Thực ra đó là cách chúng tôi “hợp tác” hỗ trợ nhau để dạy con). Mẹ bọn trẻ luôn nhấn mạnh rằng: Những việc con có thể tự mình làm được mình không được giúp, việc gì có thể thử cứ để con tập làm vì có nhiều việc, phải thử làm mới biết, có nhiều điều, phải thử học mới hiểu.
Những việc đối với người lớn chúng ta tưởng chừng như rất đơn giản nhưng với con trẻ, đó lại là những thử thách mới mẻ, khó khăn cần phải làm quen dần. Bố mẹ nên nhẫn nại, cho các con thời gian để chúng tìm tòi, học hỏi.
6. Đừng luôn coi con như một đứa trẻ, con cũng cần được tôn trọng
Vợ nói với tôi rằng, trước khi mình làm việc gì với con, cần phải được con đồng thuận chứ không thể tự ý làm, phải luôn tôn trọng con. Tôi thì cho rằng, một đứa trẻ 2 tuổi thì biết gì là tôn trọng chứ? Nhưng cho đến một hôm, tôi giúp con thay đồ, cởi váy của con ra thì đột nhiên bé òa khóc giận dỗi.
Lúc này, vợ tôi giải thích: “Anh chẳng tôn trọng con gì cả. Anh muốn thay đồ của con thì phải hỏi con trước, con gật đầu anh mới được cởi”. Tôi mới vỡ lẽ, thì ra các con cũng không còn nhỏ nữa.
Đối với một số phụ huynh, 6 nguyên tắc tôi đã nêu ở trên có thể không phải là cách dạy con mà họ thấy hợp lý nhất. Thế nhưng, áp dụng 6 điều đó với con gái lớn 2 tuổi của mình, tôi nhận thấy con ngày càng cẩn thận, độc lập và hiểu chuyện. Đặc biệt là khi bé thứ 2 nhà tôi chào đời, con gái lớn còn tự giác giúp đỡ bố mẹ rất nhiều việc.
Vợ tôi đã tự đề ra được 6 nguyên tắc dạy con, điều duy nhất mà một người chồng như tôi đồng tình với vợ mình đó là: Lúc mẹ dạy con, người khác không được can thiệp vào. Bất kể là tôi hay người khác, đều không can thiệp, không tham gia, không giúp đỡ.
Không nên để con có thói quen cứ bị mắng là lại đòi bố hay người nhà giúp đỡ, người dạy con phải có cái “uy” riêng của mình. Đây cũng là nguyên tắc dạy con duy nhất của tôi.
Hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ không giống nhau nên tôi không nói đến việc phải làm cha, làm mẹ thế nào là đúng. Các cách dạy con tôi đưa ra cũng chưa chắc sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Dù cho mọi người có đánh giá vợ tôi hay cách dạy con của cô ấy thế nào thì trong mắt tôi, cô ấy vẫn rất tuyệt vời.
Theo Trí thức trẻ