Cho bé học âm nhạc, ngoại ngữ từ nhỏ, khen bé vì nỗ lực thay vì tư chất thông minh của bé,... là một số những "tuyệt chiêu" để mẹ nuôi dạy được những thiên tài.
Âm nhạc
Rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy học âm nhạc giúp bé phát triển khả năng trí tuệ hơn, nhất là trong toán học và logic. Đặc biệt, học đàn piano cho thấy làm tăng chỉ số IQ đáng kể ở trẻ. Âm nhạc giúp trẻ tiếp cận với các nền văn hóa trên thế giới thông qua các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. Các mẹ còn chần chừ gì mà không đăng kí cho bé một lớp học hát hoặc đàn ngay trong hè này?
Ăn bữa sáng đầy đủ
Một nghiên cứu của các chuyên gia trường Đại học Tổng hợp Florida, Mỹ năm 2013 chỉ ra rằng: "Ăn sáng đều đặn sẽ giúp trẻ thông minh hơn". Các chuyên gia đã tiến hành các bài kiểm tra IQ với 1269 trẻ em trên 6 tuổi. Kết quả cho thấy, loại bỏ những yếu tố có ảnh hưởng đến chỉ số thông minh của trẻ như tình trạng thu nhập của gia đình, sự giáo dục, tác động bên ngoài... những trẻ em ăn sáng đều đặn luôn có điểm IQ cao hơn so với những trẻ em không ăn hoặc bỏ bữa sáng.
Bữa sáng rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể vì đây là lúc các tế bào trong cơ thể hoạt động mạnh nhất và hấp thụ các loại chất dinh dưỡng một cách hiệu quả. Một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào đảm bảo cho sự hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Riêng đối với trẻ nhỏ, bữa ăn sáng vô cùng quan trọng, đây là bữa ăn chính trong ngày bởi những năm đầu đời là nền móng cho sự phát triển của cơ thể chúng ta khi trưởng thành. Trẻ nhỏ ăn bữa sáng đầy đủ dưỡng chất sẽ có trí nhớ tốt hơn và khả năng tập trung cao hơn.
Học ngoại ngữ
Các nghiên cứu của trường đại học London (Anh) cho thấy việc học ngoại ngữ đã làm thay đổi lượng chất xám tại vùng não bộ chứa thông tin - giống như cách tập thể dục đều đặn sẽ làm tăng cơ bắp. Các mẹ nên cho con học ngoại ngữ từ nhỏ vì trẻ nhỏ như trang giấy trắng, tiếp thu mọi thứ tự nhiên và dễ dàng hơn, khi đó trẻ lại có nhiều thời gian, không phải chịu nhiều áp lực như người lớn.
Khen con vì nỗ lực, không phải vì thông minh
Có thể con bạn là đứa trẻ rất thông minh, nhưng bạn nên tập trung khen vào nỗ lực mà con đã bỏ ra để hoàn thành công việc, thay vì khen tư chất bẩm sinh của con. Trẻ được khen là thông minh sẽ thường cảm thấy tự mãn, coi đó là đặc điểm cố định của mình và những lỗi lầm hay thất bại sau này có thể khiến trẻ bị tổn thương trầm trọng. Ngược lại, những đứa trẻ được khen dựa trên nỗ lực chúng đã cố gắng thường tập trung vào việc học hỏi hơn và không sợ khó khăn, thử thách, kể cả khi gặp thất bại chúng cũng kiên cường hơn và có xu hướng sẽ cố gắng lại từ đầu.
Cho con đi ngủ sớm
Nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) cho thấy trẻ đi ngủ sớm đều đặn sẽ có khả năng tốt hơn trong việc học đọc, ngoại ngữ và toán. Trẻ mẫu giáo nên ngủ ít nhất 11 tiếng đồng hồ một ngày và trẻ từ 12 tuổi trở xuống nên ngủ ít nhất 10 tiếng một ngày.
Đọc sách
Đọc sách vốn nổi tiếng là phương pháp hiệu quả giúp tăng trí thông minh của trẻ. Trẻ nhỏ có bố mẹ thường xuyên đọc sách cho nghe thường phát triển khả năng viết và khả năng với những con số sớm hơn. Với những bố mẹ không có nhiều thời gian, chỉ cần mua sách cho con và để con tự khám phá sách thường xuyên cũng có tác dụng rất tốt.
Thể dục thể thao
Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển trên hơn 1000 người 18 tuổi cho thấy việc tập luyện có liên quan đến chỉ số IQ và với những trẻ em từ 9-10 tuổi, 20 phút tập luyện trước bài kiểm tra giúp cải thiện điểm số đáng kể.
Vui chơi
Những trò chơi tự do, không có sự sắp đặt, chỉ đơn giản xuất phát từ suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ không chỉ là một phần thiết yếu của tuổi thơ mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của bé. Trẻ nhỏ được bố mẹ bảo bọc và quan tâm thái quá sẽ gặp nhiều vấn đề về tâm lí. Những trò chơi tự do không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng nhận biết và kĩ năng xã hội mà còn là tiền đề cho một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc sau này khi trẻ trưởng thành.
Xem TV ở mức vừa phải
Dĩ nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Trẻ nhỏ thường bị hấp dẫn bởi những chương trình trên TV nhưng chúng cũng còn cần thời gian tránh xa màn hình để phát triển kĩ năng xã hội và làm bài tập về nhà. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy TV không có tác dụng giáo dục đối với trẻ dưới 2 tuổi.