Ba cách dạy con đáng chú ý của GS Văn Như Cương

Mỗi người có một cách dạy con khác nhau, đối với Giáo sư Văn Như Cương, ông cực kỳ chú trọng dạy con trong lao động, giao tiếp và học tập có nề nếp ngay từ khi còn nhỏ.

Mỗi người có một cách dạy con khác nhau, đối với Giáo sư Văn Như Cương, ông cực kỳ chú trọng dạy con trong lao động, giao tiếp và học tập có nề nếp ngay từ khi còn nhỏ.

Theo giáo sư Văn Như Cương, hiện nay việc dạy con cái trong đại bộ phận các gia đình ở nông thôn không thay đổi nhiều, nhưng đa số ở thành phố lớn đang rơi vào tình trạng lệch không như mình mong muốn. Cái lệch thứ nhất là chiều con nhiều quá, con đòi gì cũng được, mua gì cũng được. Ví dụ như bây giờ hầu như con trẻ đều có điện thoại sang trọng với đủ các chức năng. Rồi không giáo dục cho con trẻ cách tôn trọng đồng tiền, chúng không làm ra tiền nhưng tiêu tiền rất hoang phí không nghĩ gì đến tiền.

Hầu hết các bậc cha mẹ thời nay không giáo dục được lao động cho trẻ con, điều này rất nguy hiểm cho trẻ. Trong gia đình hiện nay, ngay cả làm việc nhà thì có người giúp việc nên con trẻ không phải đụng tay đụng chân, không lau bàn ghế, không nấu cơm nước, dọn dẹp… Rồi học hành thì có gia sư giúp đỡ kèm cặp thậm chí làm bài thay. Vì vậy, không rèn luyện được tính lao động và sáng tạo của con trẻ.


Bên cạnh đó, trong gia đình bây giờ cũng không rèn được đạo đức cho con trẻ. Như trong vấn đề giao tiếp, dòng họ, vâng lời bố mẹ ông bà… nhiều khi thấy người lớn không chào, không lễ phép với ông bà người lớn tuổi… mà gia đình không quan tâm đến điều đó. Có những gia đình không còn ăn cơm cùng nhau, con cái thì bận đi học, bố đi uống bia với bạn bè...

Mặt khác, sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường hiện nay rất lỏng lẻo. Ví dụ: Con đi học cô giáo thấy con vắng gọi về cho gia đình. Đáng lẽ, phản ứng của gia đình phải giật mình và nói với thầy cô giáo là con đi học mà sao lại không thấy. Nhưng đằng này, gia đình thấy cô gọi nói vậy biết là con mình đi chơi thì lại giấu giếm, bao che cho con bảo con bị ốm (nếu ốm thật thì gia đình đã gọi báo trước cho thầy cô). Hơn nữa, nhà trường có phê bình một tý thì lại cho rằng nhà trường trù con, ác cảm với con mình, cho rằng con mình không như vậy…

Từ những vấn đề trên, giáo sư Văn Như Cương chia sẻ: “Với các đôi vợ chồng trẻ phải học cách làm bố mẹ thông qua các lớp học nuôi dạy con theo từng lứa tuổi. Theo quan điểm riêng của tôi có 3 điều cần phải chú ý giáo dục con cái từ nhỏ:

Một là, ngay từ nhỏ phải tập cho các con biết lao động làm những việc đơn giản, chí ít là tự lao động phục vụ bản thân mình. Ví dụ đi học về phải biết cất sách vở, để giày dép ở đâu, rồi ăn uống dơ dáy phải biết lau bàn, rồi phải biết rửa bát, tưới rau, trồng cây cảnh... Nói chung, phải giáo dục cho con về ý thức lao động và kỹ năng lao động. Đến tuổi nào, có thể làm việc gì thì tập cho con làm. Trong lao động trẻ con mới có thể sáng tạo được nhiều thứ.

Theo giáo sư Cương, cần quan tâm giáo dục con trẻ ngay từ lúc còn nhỏ (Giáo sư và cháu ngoại)

Hai là, đừng ép các em học một cách “kinh khủng”. Lúc nào cũng chăm chăm muốn con học, ví như con ăn cơm xong thay vì để con rửa bát thì lại bảo con lên học. Rồi khi con làm bất cứ việc gì đều bắt con lên học thay vì làm việc này. Không nên bắt con học nhồi học nhét, mà phải biết con thích cái gì thì khuyến khích con học cái đó. Không nên đánh giá con qua điểm số, nếu con bị điểm kém phải xem nguyên nhân gì. Tập cho con ngồi học đúng giờ, chơi đúng lúc để có nề nếp.

Thứ ba là, phải dạy con cách ứng xử và giao tiếp ngay từ nhỏ. Dạy chúng biết tôn trọng người khác, thương yêu đồng loại và nhân ái, biết chào hỏi người lớn… Không để các con nói tục, chửi bậy. Phải thường xuyên quan tâm đến con cái, tương tác với con cái, phải biết được con dùng thì giờ vào việc gì để quản lý cũng như tương tác với con trẻ.

Từ ba điều dạy con ngay lúc còn nhỏ trên dần dần con lớn lên mình sẽ định hướng tương lai cho con để con cái biết được mình cần làm gì và như thế nào.

“Bản thân tôi để giáo dục con cái tôi luôn là người làm gương cho con cháu. Ví dụ: Tuy không làm ruộng nhưng tôi vẫn ra vườn để cuốc đất trồng rau. Khi con cái thấy tôi làm đương nhiên chúng sẽ làm theo và tôi cũng để cho chúng làm, đứa thì xách nước, đứa thì nhổ cỏ… Đó là dạy con cách lao động”, Giáo sư Văn Như Cương chia sẻ.

Theo giáo sư Cương những việc bố mẹ làm ảnh hưởng rất lớn đến con cháu (Giáo sư trong một lần thăm hỏi thương binh liệt sĩ

Đối với giáo sư Văn Như Cương, ông dạy con cũng nghiêm khắc nhưng ở mức độ vừa phải. Ví dụ: Con có lỗi thì phải chỉ cho con biết lỗi đó và những ưu điểm của con thì cũng cần khen ngợi. Chứ không phải con làm cái gì cũng mắng chửi, vùi dập con cái và cũng không tâng bốc hay khoe khoang con.

“Ngoài ra, để con học tốt, sáng tạo phải chú ý chọn sách cho con học, có sách nào hay có ý nghĩa giáo dục thì mua về cho con. Lúc bé thì mẹ đọc cho con nghe, lớn lên chúng mới tự khắc thích và tìm sách đọc mà không sa đà vào điện tử, chát chít... Đọc sách giúp con cái hiểu biết sâu xa và thông minh hơn”. Giáo sư Cương nói và nhấn mạnh: “Bản thân tôi khi các con còn nhỏ tôi mua rất nhiều sách cho con đọc như: Dế mèn phiêu lưu ký, Biết tuốt… Khi con cái nghe chúng sẽ tưởng tượng ra một thế giới rất phong phú phát huy tính sáng tạo của con”.

Theo Ngày Nay



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.