Cha mẹ nên làm gì để truyền cảm hứng thích đọc sách cho con từ nhỏ?

Sự trưởng thành của con là niềm vui của cha mẹ. Nuôi dạy con là niềm vui. Và đọc sách cùng con, thực sự là niềm vui kỳ diệu nhất trong cuộc sống của mẹ con tôi.

Sự trưởng thành của con là niềm vui của cha mẹ. Nuôi dạy con là niềm vui. Và đọc sách cùng con, thực sự là niềm vui kỳ diệu nhất trong cuộc sống của mẹ con tôi.

Hãy nghĩ về một định hướng!

Rất nhiều người có ý nghĩ buồn cười rằng đọc sách cho trẻ con là phải đọc truyện cổ tích. Đó là ý nghĩ áp đặt sai lầm nhất. Hãy đọc cho con bất cứ thứ gì có thể. Hãy để con hiểu rằng, mỗi chữ đều có câu chuyện của mình, mỗi chữ đều sống động như bản thân cuộc đời vậy.

Khi bắt đầu dạy cho con theo phương pháp Glenndoman (phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi của GS Glenndoman), tôi biết rất nhiều câu dè bỉu người ta dành cho mình: trẻ con biết gì mà dạy, mất hết tuổi thơ, dạy con học vẹt… Nhưng tôi tin vào lựa chọn của mình. Quan trọng hơn, gia đình tôi cũng vậy. Những tấm thẻ thế giới xung quanh của Glenndoman tôi nhờ mua tận Viện phát triển tiềm năng con người Hoa Kỳ đã khiến tôi phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề sẽ đọc gì cho con.

Một đứa trẻ 6 tháng đến 2, 3 tuổi, được nghe một loạt những thông tin dài của tấm thẻ liệu có ích gì? Nó làm sao hiểu? Nhưng vấn đề mà tôi nghiệm ra sau gần 3 năm kiên trì phương pháp này cho con là: những thẻ bít thông tin đó đã rèn cho con khả năng yêu thích tất cả những loại thông tin đa dạng mà cháu được cung cấp. Trẻ được rèn luyện để trở thành đúng là trẻ - miếng bọt biển hút hết tất cả những thông tin được cung cấp, đúng như nhận định tất cả những ai tìm hiểu về giáo dục trẻ hiện đại đều biết đến.

Kinh nghiệm này, chính con trai tôi, bé Gấu, đã cho tôi chắc chắn hơn khi cháu còn bé. Độ tuổi rưỡi, Gấu bị viêm phổi, nằm viện 7 ngày. Trong bảy ngày sốt cao, hết sức căng thẳng, tôi bế con ở hành lang bệnh viện và chỉ cho con tấm biển hướng dẫn phòng cháy chữa cháy. Tôi đọc cho con: “Tiêu lệnh chữa cháy”. Tiêm đau, cháu khóc, chỉ cần tôi bế và dỗ dành: để mẹ đọc cho con là cháu lại chăm chú nhìn vào các dòng chữ… Mãi sau này, mỗi lần nhìn thấy tấm biển, cháu đều rất phấn khích và đọc to: “tiêu lệnh chữa cháy”.

Thật vậy, trẻ con có thể thấy những điều người lớn đã cằn khô không cảm nhận được. Từ đó, tôi đọc cho Gấu bất cứ thứ gì có được: chữ trên hộp sữa, vỏ bánh, các nhãn hàng, các tấm quảng cáo trên đường đi, từ điển, một vài bài báo nhỏ… Và dĩ nhiên, đến giờ Gấu không từ chối bất kì loại sách nào. Cháu say mê từ điển, sách lịch sử, có thể đọc từ ngày này qua ngày khác từ chuyện chế biến nước mắm, chuyện sản xuất giấy, thậm chí đọc cả hệ tiêu hóa, hệ thần kinh vẫn thích… Cháu háo hức đọc thông tin sau các tấm thẻ Glenndoman. Đi chọn sách, cháu chọn sách nói về những gì cháu quan tâm như khủng long, núi lửa, kim tự tháp, bão bụi… Tất cả, đối với cháu là cả một thế giới thông tin kì diệu. Cháu như miếng bọt biển hút hết mọi thông tin từ những cuốn sách mẹ mua.

Khi gặp chị Hồ Thị Hải Âu, một người mẹ đơn thân đã nuôi dạy Lã Hồ Minh Khuê đỗ đại học Harvard, tôi nhận được sự đồng cảm. Chị Hải Âu chia sẻ, trong tủ sách của Minh Khuê, nhiều nhất là từ điển và sách khoa học. Tôi cũng nghĩ, gu đọc sách của con nên được cha mẹ hình thành từ sớm. Có đam mê, nhất định các cháu lớn lên sẽ không bị sa đà vào các trào lưu thiếu bản lĩnh, thiếu thẩm mỹ như giới trẻ bây giờ: đọc sách ngôn tình, nghiện phim sến Hàn Quốc,…

Chúng ta nên mua sách gì?

Ưu tiên thứ nhất, là các cuốn truyện tranh có nội dung gần gũi, gắn với các bé, có minh họa sống động. Trong các cuốn sách, tôi đánh giá cao sách tranh Ehon của Nhật Bản. Những cuốn sách có tranh minh họa không lòe loẹt mà hết sức nhân văn, chữ vừa phải, diễn đạt trau chuốt và bám sát cuộc sống, suy tư của trẻ.

Hiện nay, tủ sách Người mẹ tốt bao gồm nhiều sách tranh Ehon hay như: Chú voi Grumpa, Chiến công đầu tiên của bé Mi, Bàn tay kì diệu của Sachi… và những cuốn Ehon hay có thể kể đến Ngôi nhà to, ngôi nhà nhỏ, Ái ui đau quá, Đợi thêm chút nữa, Ngôi sao của tôi

Có một thực tế, nhiều bố mẹ phàn nàn: vào hiệu sách cho con, thấy hoa cả mắt vì nhiều mà chẳng biết chọn cuốn nào. Nguyên tắc theo tôi là: hãy chọn sách có minh họa không lòe loẹt, chữ không quá nhiều, rối rắm, không diễn dạt theo kiểu dịch thô sách nước ngoài, nhất là sách Trung Quốc với những từ ngữ khuôn sáo không phù hợp với trẻ.

Nhiều bộ sách có trong tủ sách của mẹ con tôi là: Bộ Nezumi - Chú chuột đáng yêu chữ rất to, minh họa đơn giản mà cực kì dễ thương; bộ Mẹ yêu con nhất trên đời rất tình cảm; Bộ ba diệu kỳ, sách tưởng tượng thì có: Vườn mẫu giáo se sẻ, Bạn chuối cưỡi trên lưng chó, Khoai Tây lái máy bay,… Những câu chuyện này vượt ra ngoài trí tưởng tượng của tất cả người lớn chúng ta…

Bên cạnh đó, hãy dành thời gian đọc cho trẻ các cuốn sách cung cấp thông tin- một dạng sách khoa học phù hợp lứa tuổi. Từ điển, bách khoa thư cho trẻ giờ được xuất bản rất nhiều như: Bách khoa thư dành cho trẻ em, Âm nhạc dành cho trẻ em… Tùy vào sở thích của con, bố mẹ có thể chọn mua thêm các cuốn sách theo bộ: Em muốn biết vì sao, Hành trình biến đổi, Dạo chơi cùng khủng long…

Ngoài ra, tùy theo sự hứng thú của trẻ, cha mẹ cũng nên mua các loại sách đồ chơi như sách chạm vào phát ra âm thanh, sách dán hình, flap book (sách mỗi trang có nhiều lớp để lật giở, mỗi lớp chứa đựng thông tin khác nhau)… Tôi thì vẫn mê sách của Kumon và NXB Usborne nhất.


Tủ sách gọn gàng, ngăn nắp của cậu bé Gấu

Đọc sách thế nào để con yêu thích?

Nhìn chung, mọi đứa trẻ đều thích được ngồi trong lòng mẹ, nằm trong vòng tay mẹ với một câu chuyện. Đó là cảm giác tuyệt vời. Hãy bắt đầu rất đơn giản: một cuốn sách về cái trẻ thích và những phút thật thư thái. Đó là nguyên tắc số một để dạy con tình yêu với sách.

Tối nào, mẹ con tôi cũng đọc sách cùng một bản nhạc cổ điển nhẹ nhàng. Hãy biến niềm vui khi đọc sách thành món quà tuyệt vời chỉ có cha mẹ mới có thể mang đến cho con.

Mỗi lần có một cuốn sách mới, bao giờ tôi cũng bảo con: nhắm mắt lại và xem sách có thơm không? Dần dần, Gấu tự bảo mẹ: Mẹ, nhắm mắt lại xem sách này thơm quá. Hai mẹ con hít hà mùi giấy mới, một niềm vui rất ấm áp.

Tôi thường biến việc đi mua sách thành một phần thưởng cho con. Khi đến hiệu sách, tôi nói rõ: con được mẹ thưởng một cuốn sách, con có thể chọn bất cứ quyển nào. Niềm vui với sách sẽ giúp con biết trân trọng sách hơn.


Niềm vui của bé Gấu mỗi khi được đọc sách.

Tôi khá bận rộn, mỗi khi đi mua sách, thường mẹ con mua luôn mấy cuốn. Nhưng mỗi tuần, con chỉ được đọc tối đa 2 cuốn sách mới. Sách cũ quay vòng trở lại tầm 3-4 cuốn do con tự chọn. Số sách này đặt ở giá ngay cạnh phòng ngủ. Tối nào quay vào giường, con cũng đã chờ sẵn với hai cuốn sách và câu hỏi: Mẹ có mệt không mẹ? (Tôi quy định với con, hôm nào ngủ sớm thì được đọc hai cuốn, hôm nào mẹ mệt chỉ đọc một.) Và con sung sướng vô cùng, nếu hôm ấy được mẹ khen ngoan, đọc hai cuốn sách. Đó là niềm vui thứ hai.

Trò chuyện khi đọc sách là niềm vui thứ ba. Trẻ con có cảm xúc ấn tượng rất mạnh. Trong một cuốn sách, luôn có một hình ảnh, một chi tiết, một câu văn con thích. Đến đó, bao giờ Gấu cũng dừng lại và hỏi, có khi một câu ấy nhưng hỏi suốt nhiều ngày: Mẹ ơi, mẹ thích bạn Koda hay thích Gấu mẹ hơn? Mẹ ơi, mẹ các bạn chim se sẻ ăn cơm đổ cả bàn mẹ nhỉ… Những câu hỏi này thể hiện sự tiếp nhận câu chuyện của con, hãy trân trọng và trò chuyện dịu dàng về nó. Càng ngày, bạn sẽ càng nhận thấy, sự tiếp thu của con càng sâu sắc, trưởng thành hơn.

Sự trưởng thành của con là niềm vui của mẹ. Nuôi dạy con là niềm vui. Thực sự đó là sự trải nghiệm tuyệt vời khi làm mẹ. Và đọc sách cùng con, thực sự là niềm vui kỳ diệu nhất trong cuộc sống của mẹ con tôi. Mong mọi người cũng tìm thấy niềm vui ấy!

 Mời các cha mẹ chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con của mình. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn hoặc cha mẹ có thể viết bình luận, nhận xét dưới bài viết. Tintuconline xin trân trọng cảm ơn!


Nguyễn Hoài An/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.