- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Con vào lớp 1: Phụ huynh cần chuẩn bị gì?
Chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1, phụ huynh thường cho con em mình học đọc, học viết từ rất sớm. Liệu việc cho con em mình học sớm như vậy có tốt không?
Chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1, phụ huynh thường cho con em mình học đọc, học viết từ rất sớm. Liệu việc cho con em mình học sớm như vậy có tốt không? Có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ hay không?
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, ở mầm non trẻ vừa chơi vừa học, khi chuyển lên lớp 1 các em sẽ phải học nghiêm túc hơn. Tất nhiên, cấp 1 thầy cô giáo cũng chú ý kết hợp giữa học và chơi nhưng đó là một trạng thái tâm lý mà cha mẹ cần phải biết. Do đó, việc chuẩn bị cho con vào lớp 1 rất quan trọng.
Tạo cho trẻ háo hức vào lớp 1
TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, bố mẹ phải tạo cho trẻ một tâm thế để trẻ háo hức vào lớp 1. Phụ huynh nên kể cho con về ngôi trường sắp tới con học, bạn bè ở đó ra sao, kể những câu chuyện giúp con mong muốn được đi học và cũng giúp con thấy mình đã lớn hơn một chút.
Ở mầm non, trẻ thường học theo cảm nhận qua các đồ chơi, tranh ảnh. Nhưng sang lớp 1, các em phải học nghiêm túc hơn nên cần rèn cho trẻ biết chú ý, lắng nghe. Do đó, phụ huynh cần tập cho con mình ngồi yên nghe bố mẹ kể chuyện, tâm sự để đánh giá khả năng chú ý của các em.
TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, ở trường mầm non bắt các em viết chữ đẹp ngay là không nên. Với những em có khả năng viết được nên khuyến khích các em, một số em chưa viết được, không nên bắt ép các em viết quá sớm.
Ở lứa tuổi này, nhiều em không ai dạy cũng biết đọc, biết viết nhưng cũng có em chưa nhận thức được, cứ quên chữ nên chưa biết đọc, biết viết. Có những em thích con số, thích làm toán nên khi hỏi các em tính toán nhanh cũng có những em không thích, từ chối học các con số.
Nhiều phụ huynh thấy con người khác đọc được, con mình không đọc được và mắng chửi các em là không đúng. Với những em biết đọc biết viết thì khuyến khích các em tự học còn những em chưa biết đọc, biết viết thì phải chờ các em một chút, đừng gò bó các em nhưng không phải là bỏ mặc các em tự phát triển. Bằng cách này hay cách khác, bố mẹ sẽ giúp các em tiếp cận dần với các con số, chữ cái, biến các con số thành niềm vui cho các em. Bên cạnh đó, phụ huynh cần kết hợp với thầy cô giáo, đưa ra phương pháp dạy giúp các em vừa phát triển vừa vui chơi, phù hợp với lứa tuổi.
Đừng để trẻ chưa vào lớp 1 đã sợ học
TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, đối với phụ huynh, việc kiếm tiền là quan trọng nhưng điều quý nhất vẫn là con cái. Các bậc cha mẹ phải coi việc chăm sóc, giáo dục con là niềm vui, hạnh phúc lớn. Do đó, cần phải đọc sách, học hỏi cách giáo dục con, dạy dỗ con. Không nên mải làm việc, có thái độ thờ ơ, khoán trắng con cái cho nhà trường. Cũng không nên có thái độ can thiệp thô bạo vào con, việc gì cũng bắt con theo ý mình là không đúng. Phải để ý con mình, xem con thích cái gì, có khả năng đến đâu, từ đó mới dạy dỗ, uốn nắn con phát triển.
TS. Nguyễn Tùng Lâm khuyên, bố mẹ nào cũng kỳ vọng vào con mình nhưng kỳ công phải lớn hơn. Tức là chăm sóc con cái, theo sát con cái để tìm ra những cách dạy dỗ con và hướng con phát triển tốt nhất. Bố mẹ phối hợp với nhà trường cùng có phương pháp giáo dục tốt nhất, bởi đây là nền tảng ban đầu rất quan trọng, nếu để sai sẽ ảnh hưởng đến tương lai con trẻ.
Việc ép buộc trẻ học quá nhiều để giỏi bằng con nhà người khác sẽ trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi đối với trẻ. Đôi khi sẽ làm hại sức khỏe của con. Tuổi thơ cần sự trong sáng, hồn nhiên chứ không phải kiến thức. Các bậc phụ huynh cần nhận biết được năng lực của con mình, có những điểm mạnh gì, điểm yếu gì. Từ đó, khuyến khích trẻ phát huy điểm mạnh của mình và giúp trẻ tiếp cận những điểm yếu để cải thiện ngày một tốt hơn.
TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, bắt trẻ học nhiều là rất nguy hiểm, người lớn chúng ta phải thực hiện triệt để nguyên tắc không được ép buộc trẻ. Do đó, ông ủng hộ việc các gia đình, trường mẫu giáo tự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để trẻ tự tin bước vào lớp 1 chứ không nhất thiết phải bắt trẻ học thêm.